Thống kê cho thấy lượng hồ sơ đăng ký dự thi vào khối ngành kinh tế năm nay chiếm đến 21,3% tổng số hồ sơ, trong khi đó nhân lực ngành này đã dư thừa.
Hồ sơ ngành kinh tế lại tăng
Trong nhiều năm trở lại đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã liên tục cảnh báo thí sinh về tình trạng thừa nhân lực trong khối ngành kinh tế. Thậm chí, năm 2013, Bộ còn dừng việc mở mới trường, ngành liên quan đến đào tạo lĩnh vực này.
Đầu năm 2013, Viện Nhân lực Ngân hàng tài chính cũng công bố, trong vòng 4 năm tới, sẽ có khoảng 13.000 sinh viên tài chính-ngân hàng không xin được việc sau khi tốt nghiệp.
Mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2013, lượng hồ sơ ngành này đã có xu hướng giảm. Tuy nhiên, năm nay, hồ sơ dự thi vào nhóm ngành này lại tăng lên.
Học viện Ngân hàng (Hà Nội) tăng 1.000 hồ sơ vo với năm 2013. Số hồ sơ dự thi vào Học viện Tài chính (Hà Nội) tăng gấp 3 lần, từ hơn 7.000 bộ lên trên 23.000 bộ.
Số thí sinh đăng ký vào Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh thậm chí còn tăng đột biến lên trên 13.700 bộ, gấp trên 6 lần so với năm 2013 (năm 2013, số hồ sơ đăng ký dự thi vào trường là 1.900).
Tính tổng trên cả nước, theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, kỳ thi đại học năm nay có tổng số trên 1,7 triệu hồ sơ. Trong số này, khối ngành kinh tế có khoảng trên 382.500 bộ, chiếm 21,3% tổng số hồ sơ, tăng 1,4% so với năm 2013.
Việc hồ sơ tăng cũng kéo theo rất nhiều hệ lụy cho các trường. Theo Giám đốc Học viện Tài chính Ngô Thế Chi, với trên 23.000 hồ sơ đăng ký dự thi, trường đã phải rất vất vả để bố trí địa điểm thi.
“Năm nay, chúng tôi phải chuyển địa điểm thi lên cả Phúc Yên, Đông Anh vì nếu chỉ trường và khu vực nội thành Hà Nội không thì không đủ được. Bố trí địa điểm thi xa cũng đồng nghĩa với hàng loạt khó khăn trong đi lại, đưa đón giám thị coi thi, vận chuyển đề thi, phải huy động nhiều phương tiện, khó khăn cho cả thí sinh và người nhà khi giao thông không thuận lợi,” ông Chi than thở.
Thí sinh nên cân nhắc
Theo ông Ngô Thế Chi, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thí sinh năm nay tăng là do điểm đầu vào của trường năm ngoái có xu hướng giảm. Cụ thể, năm 2013, điểm chuẩn nguyện vọng 1 vào trường cao nhất là ngành Kế toán với 21,5 điểm, thấp nhất là ngành Kinh tế chỉ với 16,5 điểm. Mức điểm không cao trong khi Học viện vẫn là một trong những địa chỉ đào tạo lĩnh vực tài chính, kế toán uy tín nên đã thu hút đông đảo thí sinh.
“Các em nghĩ rằng với mức điểm đó, cơ hội đỗ khá cao. Tuy nhiên, theo tôi sự tính toán đó là chưa hợp lý. Đúng ra, trong trường hợp này, thí sinh phải cân nhắc thật kỹ. Bây giờ có lượng thí sinh rất lớn đăng ký thi vào trường thì khó chắc chắn mức điểm chuẩn sẽ như năm ngoái,” ông Chi nhận định.
Cũng theo ông Chi, với ngành kinh tế, từ nhiều năm nay, các chuyên gia đã cảnh báo cung-cầu nhân lực bão hòa nhưng thí sính không nghiên cứu kỹ vấn đề này và đi thi theo cảm tính.
Theo vị Giám đốc Học viện Tài chính này, thí sinh nên tính toán kỹ, không phải cứ thấy trường nào năm ngoái điểm thấp thì năm nay đăng ký ồ ạt vào, hậu quả là khó đỗ được.
“Giống như trong kinh doanh, bao giờ một ngành sản xuất cũng chỉ phát triển ở một mức độ nhất định. Khi đó, những người có đầu óc sẽ rút ra kinh doanh con đường khác. Hay giống như đi đường, đường nào tắc thì phải rút ra, cứ dồn vào thì càng không đi được,” ông Chi phân tích.
“Đến giờ tôi vẫn khuyên rằng thí sinh phải xem lại, nghiên cứu lại, căn cứ vào số lượng hồ sơ của các ngành để cân đối cho hợp sức mình,” ông Chi nói.
Đây cũng là chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga. Theo ông Ga, thí sinh đầu tư cho tương lai thì không thể nhìn vào điểm đầu vào dễ đỗ mà nên dựa vào dự báo nguồn nhân lực.
“Bộ rất hy vọng nếu thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng khác nhau thì khi thi thực sự, các em sẽ thay đổi nguyện vọng chọn ngành nào đang thiếu nhân lực để khi ra trường có cơ hội việc làm tốt hơn,” Thứ trưởng Ga nói./.