Thi khoa học kỹ thuật: Không thể chỉ dùng kiến thức phổ thông

Theo thạc sỹ Đặng Minh Tuấn, trong nghiên cứu khoa học, học sinh sẽ phải dùng kiến thức liên môn và việc phải tìm hiểu thêm kiến thức ngoài nhà trường là đương nhiên.
Thạc sỹ Đặng Minh Tuấn. (Ảnh: PM/Vietnam+)

Trước băn khoăn của dư luận cho rằng các đề tài cuộc thi Khoa học và kỹ thuật học sinh trung học vượt quá khả năng cũng như phạm vi kiến thức các em được học, từ đó có những nghi ngại về tính trung thực của cuộc thi và thậm chí có ý kiến đề nghị bỏ cuộc thi.

Phóng viên VietnamPlus đã có trao đổi với thạc sỹ Đặng Minh Tuấn, sáng lập UberMath, người đã từng tham gia hướng dẫn học sinh tham gia cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia và dự thi quốc tế ngay trong giai đoạn đầu Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức cuộc thi này.

- Thưa ông, một số ý kiến dư luận lo ngại về việc một số đề tài của cuộc thi vượt quá sức học sinh. Là người từng hướng dẫn học sinh dự thi cả trong nước và quốc tế, quan điểm của ông như thế nào?

Thạc sỹ Đặng Minh Tuấn: Để nghiên cứu khoa học phải qua nhiều bước. Học sinh trước hết phải phát hiện được vấn đề cần nghiên cứu từ thực tiễn đời sống, sau đó tìm được cơ sở khoa học để thực hiện đề tài, tiến hành thí nghiệm và đo các chỉ số để tìm giải pháp tối ưu hóa, phân tích các điều kiện...

Điều đó có nghĩa là học sinh không thể dùng kiến thức phổ thông đơn thuần để làm được đề tài nghiên cứu khoa học, cũng không thể sử dụng kiến thức đơn môn mà phải sử dụng kiến thức tổng hợp, liên môn. Trong điều kiện công nghệ thông tin hiện nay, học sinh hoàn toàn có thể tra cứu, tổng hợp kiến thức cần thiết mà trên lớp, trên trường các em không được học.

Trong nghiên cứu khoa học thì có thể tìm ra cái mới hoàn toàn hoặc có thể cải tiến từ cái đã có. Tìm ra cái mới hoàn toàn là rất khó, nhưng cải tiến từ cái cũ cũng là rất đáng trân trọng. Ví dụ, các em có thể hoàn thiện hơn chức năng hoặc có thể cũng sản xuất ra sản phẩm có chức năng tương tự nhưng với giá thành thấp hơn.

[12 dự án giành giải Nhất cuộc thi KHKT cấp quốc gia học sinh trung học]

Học sinh cũng không nhất thiết phải tự thực hiện tất cả các khâu. Các em đưa ra ý tưởng và người lớn có thể hỗ trợ để thực hiện ý tưởng đó, nhất là các bộ phận hỗ trợ mang tính cơ học vì không ai biết làm hết mọi thứ. Ví dụ tôi có tham gia hướng dẫn học sinh nghiên cứu đề tài chuyển từ nước mặn sang nước ngọt và các em dùng màng lọc là vỏ trứng gà. Vỏ trứng cong nên các bạn phải thiết kế bệ đỡ cong và phải nhở những người ở Đại học Bách khoa Hà Nội thiết kế. Trong bản báo cáo các em sẽ trình bày rất rõ.

(Ảnh minh họa: TTXVN)

Vì thế, đâu đó phụ huynh, các nhà nghiên cứu cho rằng kỳ thi này có nhiều đề tài nằm ngoài sức của các bạn. Thực tế, trên thế giới, các học sinh cũng có những đề tài rất "khủng." Nếu các em biết tra cứu, biết cách làm và được sự hướng dẫn của giáo viên thì vẫn có thể làm được các đề tài rất cao.

- Cũng vì các đề tài của các em đều cần có người hướng dẫn nên cũng có ý kiến lo ngại tính trung thực của các đề tài nghiên cứu. Theo ông, vai trò của người hướng dẫn như thế nào?

Thạc sỹ Đặng Minh Tuấn: Do các đề tài nghiên cứu là kiến thức tổng hợp nhiều lĩnh vực và có thể vượt ra ngoài chương trình nên học sinh cần có sự hướng dẫn của giáo viên hoặc các nhà nghiên cứu, viện nghiên cứu. Người hướng dẫn có tài, có tâm sẽ khơi gợi để học sinh tự tìm ra lời giải của bài toán chứ không làm thay cho học trò.

Ban tổ chức của cuộc thi có nhiều cách để có thể đảm bảo được chất lượng thực của kỳ thi, như quy định chặt chẽ hơn về giáo viên hướng dẫn, công khai các đề tài trước khi công bố giải và có đội ngũ ban giám khảo chất lượng, công tâm.

- Từ những băn khoăn, dư luận có ý kiến cho rằng nên dừng cuộc thi hoặc bỏ chính sách ưu tiên xét tuyển thẳng vào đại học, cao đẳng cho thí sinh đoạt giải. Quan điểm của ông như thế nào?

Thạc sỹ Đặng Minh Tuấn: Là người tham gia cuộc thi ngay giai đoạn đầu, tôi đánh giá đây là cuộc thi rất ý nghĩa, có vai trò rất lớn, là cú hích thúc đẩy việc học và dạy của giáo viên và học sinh trong nhà trường phổ thông. Việc làm nghiên cứu khoa học giúp học sinh tổng hợp kiến thức để giải quyết vấn đề cụ thể, biết làm sao tối ưu hóa được trong quá trình làm. Các em học được cách học, học được cách làm. Chỉ trong khâu tìm tư liệu, các em đã học được cách xây dựng từ khóa, cách tìm thông tin tư liệu đảm bảo tính khoa học trên rừng kiến thức vô tận có cả đúng cả sai của mạng internet.

Tham gia nghiên cứu khoa học kỹ thuật giúp học sinh có lối tư duy hệ thống để sau này các em có cách giải quyết vấn đề trong cuộc sống. Hiện chúng ta đang hướng tới giáo dục toàn diện và phát triển năng lực thì điều này càng quan trọng, còn đề tài đôi khi chưa phải là điều gì to tát để giúp cho cuộc sống.

- Xin cảm ơn ông!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục