Thi hành Luật Khoáng sản: Cần thêm khái niệm tổn thất tài nguyên

Theo nhiều chuyên gia, cần thêm khái niệm tổn thất tài nguyên vào Dự thảo thi hành Luật Khoáng sản để tính tiền quản lý tài nguyên thống nhất.
Tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản góp phần nâng cao công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Ngày 5/11, tại Hà Nội, Tổng Cục Địa chất Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 15/2012/NĐ-CP ngày 9/3/2012 của Chính phủ có hiệu lực ngày 15/4/2012, quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật Khoáng sản nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện Nghị định 15, các văn bản liên quan và đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý nhà nước về khoáng sản và hoạt động khoáng sản.

Tham dự hội thảo có đại diện Ban Pháp chế phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Trung tâm Con người và Thiên nhiên; đại diện các Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ninh, Thái Nguyên, Lào Cai, đại diện Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam…

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Đỗ Cảnh Dương - Tổng Cục trưởng Tổng Cục Địa chất Khoáng sản cho biết sau 3 năm thực hiện Nghị định 15 của Chính phủ cho thấy, các quy định của Nghị định đã phát huy hiệu quả trong hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khoáng sản, đặc biệt các quy định liên quan đến hồ sơ, trình tự, thủ tục hành chính trong cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản, được các doanh nghiệp, các địa phương đồng tình ủng hộ do có nhiều điểm mới, theo hướng dẫn cải cách đơn giản hóa…

Tuy vậy, trong quá trình thực hiện Nghị định 15 cũng còn những vướng mắc, khó khăn khi thực hiện, mặt khác nhiều quy định mang tính chất “khung” của Luật Khoáng sản chưa được quy định chi tiết hoặc hướng dẫn thực hiện trong nội dung Nghị định 15 gây khó khăn khi thực hiện, như chưa hướng dẫn việc thực hiện chính sách bảo hộ quyền lợi địa phương, người dân nơi có khoáng sản khai thác cũng như trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản (Điều 5); chưa quy định cụ thể trách nhiệm trong bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, xây dựng dự toán cho công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trong ngân sách hàng năm của địa phương (Điều 20)…

Theo ông Cao Minh Chiến, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh, tỉnh đã thực hiện Luật Khoáng sản 2010 như về quy định chi phí, địa phương điều tiết khoản thu khai thác khoáng sản phát triển kinh tế xã hội đề nghị có quy đinh cụ thể về mức chi, nếu không có quy định cụ thể mức chi như thế nào thì rất khó, nếu có hỗ trợ thì không thường xuyên và không thành chính sác.

Quy định hỗ trợ bảo đảm tài nguyên khoáng sản khi khai thác, đề nghị xem xét bổ xung đảm bảo kinh phí theo hướng tỉ lệ trích từ ngân sách bao nhiêu; nội dung bảo vệ là bao nhiêu, phương án thực hiện sẽ được chi những khoản gì cần phải làm rõ hơn.

Ngoài ra vấn đề liên quan đến địa phương có khai thác khoáng sản như Quảng Ninh trước khi có pháp lệnh và Luật khai thác khoáng sản thì việc khai thác tự phát, hiện các địa phương phải gánh chịu hậu quả từ khai thác khoáng sản những năm trước đây, Quy định hỗ trợ cần dành riêng cho địa phương có hoạt động khai thác khoáng sản lâu năm khắc phục hậu quả từ trước để lại; Việc giám sát đề án thăm dò kính phí và nhân lực cần cụ thể hơn. Nhà nước có khoản thu từ khoáng sản thì cũng phải dành khoản thu này cho giám sát…

Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng - Nguyễn Ngọc Thanh cho rằng, Điều 33 là điểm mới trong Nghị định nhưng trong giám sát thăm dò khoáng sản không cần đưa vào, vì thực tế trong quá trình thi công đề án thăm dò thì doanh nghiệp là người bỏ kinh phí, họ là người lo về kinh phí và khối lượng, nên không cần thiết, nếu có bổ sung cũng khó giám sát thi công…

Tại hội thảo, các đại biểu thống nhất cho rằng tổn thất tài nguyên, chưa hiểu rõ dẫn đến khi tính tiền cấp quyền, quản lý tài nguyên không thống nhất, nên phải đưa khái niệm tổn thất tài nguyên vào trong Dự thảo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục