Thi đua cao điểm 450 ngày đêm xoá nhà tạm, nhà dột nát trên toàn quốc

Theo Thủ tướng, cùng với xây nhà ở cho người có công và theo 3 chương trình mục tiêu quốc gia, từ nay đến hết năm 2025, cả nước phải xóa hơn 153.000 nhà dột nát, nhà tạm cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì buổi làm việc. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì buổi làm việc. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Chiều 1/10, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, cơ quan về triển khai hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Cùng dự cuộc làm việc có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình; các Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Lê Thành Long; lãnh đạo các bộ ngành, cơ quan Trung ương.

Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, qua rà soát, hiện nay cả nước còn hơn 153.000 nhà tạm, dột nát ở các mức độ khác nhau; nếu hỗ trợ các hộ dân với mức 50 triệu đồng/hộ xây mới, 25 triệu đồng đối với hộ sửa chữa nhà ở thì cả nước cần hơn 6.500 tỷ đồng.

Tại lễ phát động phong trào Chung tay xóa nhà tạm, dột nát đến năm 2025, các tổ chức, cá nhân đã ủng hộ 320 tỷ đồng vào Quỹ cả nước chung tay xóa nhà tạm, dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đến nay, các địa phương cũng vận động được hơn 44 tỷ đồng cho công tác này.

Các đại biểu tham dự cuộc họp thảo luận sôi nổi, trách nhiệm, tâm huyết, đánh giá tình hình triển khai phong trào Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát, nhất là rà soát số lượng, đối tượng người có nhà tạm, nhà dột nát; phương pháp huy động nguồn lực; cách thức quản lý, phương pháp triển khai việc xóa nhà tạm, dột nát cho người nghèo, người cận nghèo. Nhiều ý kiến đề nghị sử dụng ngân sách Nhà nước hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo xóa nhà tạm, dột nát.

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025” đã được phát động, triển khai có hiệu quả, không hình thức.

ttxvn_dao_ngoc_dung.jpg
Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Tuy nhiên để hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên toàn quốc vào cuối năm 2025, chào mừng Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và kỷ niệm 80 năm Quốc khánh, 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cần cách làm mới, quyết liệt, khoa học, hiệu quả hơn.

Theo Thủ tướng, cùng với xây dựng nhà ở cho người có công và theo 3 chương trình mục tiêu quốc gia, từ nay đến hết năm 2025, cả nước phải xóa hơn 153.000 nhà dột nát, nhà tạm cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Với phương châm “Nhà nước hỗ trợ, nhân dân làm chủ; Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội hỗ trợ”, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thành lập Ban Chỉ đạo về xóa nhà tạm, dột nát cho tất cả các đối tượng, do Thủ tướng làm Trưởng Ban; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội là Phó Ban; lãnh đạo các Bộ: Quốc phòng, Công an, Xây dựng, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam là thành viên Ban Chỉ đạo. Các địa phương phân công Bí thư cấp ủy Đảng trực tiếp làm Trưởng Ban Chỉ đạo về xóa nhà tạm, dột nát, với nguyên tắc cấp trên không làm thay cấp dưới.

Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ, huy động tất cả các nguồn lực cho xóa nhà tạm, dột nát cho người dân. Cùng với nguồn lực Nhà nước, huy động nguồn xã hội hoá bao gồm tài chính, vật liệu, công sức và các hình thức nguồn lực khác.

Thông qua ý kiến của các đại biểu, đặc biệt qua công tác lãnh đạo chỉ đạo, theo dõi tình hình và khảo sát thực tế, Thủ tướng Chính phủ cho rằng phải huy động cả hệ thống chính trị, huy động sức mạnh tổng hợp vào cuộc xóa nhà tạm, dột nát cho người nghèo, người cận nghèo.

Theo Thủ tướng, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, cần phát huy mạnh mẽ tinh thần tự lực, tự cường, tự lo cho chính mình của người dân, sự giúp đỡ của làng xóm, họ hàng, các đoàn thể chính trị - xã hội như thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh, với phương châm “ai có của giúp của, ai có công giúp công; ai có ít giúp ít, có nhiều giúp nhiều,” “người dân tự hỗ trợ nhau; thôn hỗ trợ thôn, xã hỗ trợ xã, huyện hỗ trợ huyện, tỉnh hỗ trợ tỉnh"; "các bộ, ngành, doanh nghiệp, tổ chức xã hội chung tay hỗ trợ các địa phương xóa nhà tạm, dột nát."

Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo, các bộ, ngành, địa phương phải "quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, làm việc nào dứt việc đó"; phân công lãnh đạo phụ trách “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ kết quả”; tổ chức phát động phong trào sâu rộng, thực chất; quản lý, tiếp nhận sự ủng hộ chặt chẽ, giảm khâu trung gian; tăng cường kiểm tra, giám sát, chống tiêu cực, thất thoát…; phấn đấu đến 31/12/2025 cả nước hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi toàn quốc.

Trước mắt, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tổ chức phát động đợt thi đua cao điểm 450 ngày đêm; huy động sức mạnh tổng hợp toàn xã hội, chung tay hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trên toàn quốc. Các cơ quan truyền thông tăng cường truyền thông vận động cho phong trào, giới thiệu các mô hình hay, hiệu quả để nhân rộng điển hình./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục