Thí điểm thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn

Đến năm 2030, Khu kinh tế Vân Đồn được xây dựng trở thành đô thị biển đảo xanh, hiện đại, thông minh, là trung tâm kinh tế và văn hóa của khu vực.
Thí điểm thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn ảnh 1Một góc đảo Cô Tô. (Ảnh: TTXVN phát)

Chính phủ vừa ra Nghị quyết thí điểm thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn trực thuộc Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh.

Chính phủ giao Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn.

Vân Đồn (Quảng Ninh) là một huyện đảo miền núi nằm ở vị tri tiền tiêu phía Đông Bắc của Tổ quốc. Huyện có hơn 600 hòn đảo lớn nhỏ với diện tích đất tự nhiên là trên 551 km2, chiếm trên 9% diện tích toàn tỉnh Quảng Ninh; phần vùng biển rộng trên 1.600km2, hợp thành bởi hai quần đảo Cái Bầu và Vân Hải.

Vân Đồn có vịnh Bái Tử Long đẹp không kém gì vịnh Hạ Long, với hàng trăm hòn đảo đất tuyệt đẹp cho phát triển du lịch nghỉ dưỡng cao cấp. Điều quan trọng là tất cả còn hoang sơ, chưa bị tác động bởi bàn tay con người.

Bên cạnh đó, Vân Đồn còn có quỹ đất “sạch” rất lớn. Vì thế, đến đây, các nhà đầu tư có tầm cỡ tha hồ thể hiện ý tưởng, đưa ra những sản phẩm, dịch vụ đẳng cấp thế giới.

Ngoài ra, từ sân bay Vân Đồn, trong bán kính 5 giờ bay có thể tiếp cận tới thị trường rộng lớn gồm Đông Á, ASEAN, Trung Quốc với dân số hơn 3 tỷ người và tổng GDP hơn 22.000 tỷ USD.

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội Khu kinh tế Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thì đến năm 2030, Khu kinh tế Vân Đồn được xây dựng trở thành đô thị biển đảo xanh, hiện đại, thông minh, là trung tâm kinh tế và văn hóa của khu vực.

[Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn]

Mục tiêu đến năm 2050, xây dựng và phát triển Khu kinh tế Vân Đồn trở thành một trong những vùng động lực phát triển kinh tế của Việt Nam, nằm trong nhóm dẫn đầu về thành phố đáng sống của khu vực châu Á-Thái Bình Dương; là trung tâm kinh tế năng động, tập trung vào du lịch, sản xuất sản phẩm cao cấp và dịch vụ; phấn đấu là thành phố hiện đại, thông minh, một nơi hấp dẫn để mọi người đến sinh sống, làm việc, vui chơi hòa hợp với thiên nhiên.

Mục tiêu đến năm 2030, tổng giá trị sản xuất đạt 5,6 tỷ USD; đóng góp vào ngân sách nhà nước trên 10% giá trị xuất khẩu.

Tốc độ tăng dân số trung bình trong các giai đoạn đến 2020, 2021-2025, 2026-2030 tương ứng là 6%, 11% và 8%.

Quy mô dân số tăng từ 52.000 người năm 2019 lên 140.000 người vào năm 2030. Đến năm 2030, tạo khoảng 89.000 việc làm; phát triển mạng lưới y tế đồng bộ, phấn đấu đến năm 2030 đạt 15 bác sỹ/10.000 dân và 3 dược sỹ/10.000 dân...

Quảng Ninh đang xây dựng quy hoạch Vân Đồn trở thành một đặc khu hành chính-kinh tế có chất lượng cao, tầm nhìn dài hạn và toàn diện.

Vân Đồn được định hướng trở thành Khu hành chính- kinh tế mới, phù hợp với thực tiễn, không phải mô hình đặc khu cũ của những năm 1970-1980; trong đó, đón bắt được những yêu cầu phát triển cả về thương mại tự do, dịch vụ hiện đại và đặc biệt là một thành phố biển đảo xanh, sạch, đẹp, sinh thái và có khả năng chống lại những biến đổi khí hậu mang tính cực đoan, trở thành một cực điển hình về chống biến đổi khí hậu của khu vực.

Đảm bảo mô hình phát triển theo hướng thân thiện môi trường, bộ máy hành chính tinh gọn, thể chế, cơ chế, chính sách cạnh tranh toàn cầu ở mức cao nhất; khai thác hiệu quả tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, thu hút mạnh các nguồn lực đầu tư, tích cực thu hút và quy tụ nguồn lực sáng tạo, phương thức quản lý mới, tiên tiến; nuôi dưỡng động lực mới cho phát triển, thúc đẩy tăng trưởng để Quảng Ninh thực sự trở thành đầu tàu kinh tế khu vực phía Bắc, có sức lan toả trong vùng và cả nước; bảo đảm quốc phòng-an ninh góp phần giữ vững độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

Tỉnh Quảng Ninh đã lựa chọn đơn vị tư vấn Công ty Arcadis & Callison RTKL, có trụ sở đặt tại Mỹ, Hà Lan và một số nước khác, làm các quy hoạch của Vân Đồn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục