Thí điểm phân cấp quản lý nhà nước 8 lĩnh vực cho chính quyền TP Hồ Chí Minh

Chính phủ đã ban hành Nghị định về thí điểm phân cấp quản lý Nhà nước một số lĩnh vực cho chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh như Quản lý Nhà nước về đầu tư; Quản lý Nhà nước về kinh tế, tài chính...

Khuôn viên trước Bưu điện Trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)
Khuôn viên trước Bưu điện Trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Chính phủ đã ban hành Nghị định 84/2024/NĐ-CP ngày 10/7/2024 về thí điểm phân cấp quản lý Nhà nước một số lĩnh vực cho chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh.

Nghị định này quy định về nội dung thí điểm phân cấp quản lý Nhà nước giữa Chính phủ với chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh (Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh) một số lĩnh vực như Quản lý Nhà nước về đầu tư; Quản lý Nhà nước về kinh tế, tài chính, ngân sách Nhà nước; Quản lý Nhà nước về quy hoạch, xây dựng, tài nguyên và môi trường; Quản lý Nhà nước về giao thông vận tải; Quản lý Nhà nước về y tế; Quản lý Nhà nước về giáo dục và đào tạo; Quản lý Nhà nước về lao động, giáo dục nghề nghiệp; và Quản lý Nhà nước về nội vụ.

Nguyên tắc phân cấp quản lý Nhà nước

Nghị định quy định việc phân cấp quản lý Nhà nước cho chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh (Thành phố) được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 11 và Điều 13 Luật Tổ chức chính quyền địa phương và nội dung cụ thể sau:

Bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp, Luật, Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chủ trương của Đảng về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố.

Bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành tập trung thống nhất của Chính phủ; phát huy trách nhiệm, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tính năng động, sáng tạo của Thành phố trong việc tổ chức thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.

Phân cấp quản lý Nhà nước gắn liền với việc tăng cường trách nhiệm thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của chính quyền Thành phố.

Phân cấp quản lý Nhà nước một số lĩnh vực nhằm tăng cường trách nhiệm của Ủy ban Nhân dân Thành phố, các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban Nhân dân Thành phố, tạo sự chủ động và hoàn thiện cơ chế phân cấp cho chính quyền Thành phố.

ttxvn_cai cach hanh chinh1.jpg
Khu vực giải quyết thủ tục hành chính Trung tâm hành chính công thành phố Thủ Đức. (Ảnh: Hoàng Tuyết/TTXVN)

Những nội dung phân cấp đã quy định thủ tục hành chính thì điều chỉnh chủ thể thực hiện thủ tục hành chính trên cơ sở hồ sơ và trình tự, thủ tục hiện hành, không làm phát sinh thêm thủ tục hành chính.

Những nội dung phân cấp chưa quy định thủ tục hành chính thì thực hiện theo trình tự, thủ tục hành chính do Hội đồng nhân dân Thành phố quy định, bảo đảm đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện, tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức của đối tượng và cơ quan thực hiện thủ tục hành chính.

Quản lý Nhà nước về đầu tư

Về phân cấp quản lý Nhà nước về đầu tư, Ủy ban Nhân dân Thành phố trình Hội đồng Nhân dân Thành phố:

Quyết định danh mục ngành, nghề ưu đãi mới phát sinh theo xu thế phát triển công nghệ mới của thế giới hoặc từ thực tiễn phát triển kinh tế xã hội của Thành phố phù hợp với định hướng của quốc gia về phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế số, phát triển bền vững để áp dụng tại Thành phố sau khi Ủy ban Nhân dân Thành phố tham khảo ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Căn cứ khả năng cân đối ngân sách của địa phương và trên cơ sở quy định chi tiết các hình thức hỗ trợ đầu tư (quy định tại Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư) ban hành chính sách hỗ trợ đảm bảo tính chất đặc thù của Thành phố đối với doanh nghiệp công nghệ cao, tổ chức khoa học và công nghệ.

ttxvn_phat thuoc.jpg
Phát thuốc miễn phí cho người dân. (Ảnh: Tuấn Phi/TTXVN)

Quản lý Nhà nước về y tế

Đối với phân cấp quản lý nhà nước về y tế, Ủy ban Nhân dân Thành phố có thẩm quyền:

Giao cơ quan chuyên môn về y tế cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo đối với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của bệnh viện tư nhân trên địa bàn Thành phố.

Quyết định cấp phép nhập khẩu thuốc đáp ứng nhu cầu điều trị đặc biệt, phát sinh trong quá trình khám chữa bệnh đối với một số nhóm thuốc quy định tại điểm b khoản 1 Điều 68 Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 08 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược (được sửa đổi, bổ sung tại điểm a khoản 38 Điều 5 Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2018) cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc phạm vi quản lý của Thành phố. Báo cáo Bộ Y tế để công bố thông tin theo quy định tại khoản 6 Điều 60 Luật Dược.

Quản lý Nhà nước về giáo dục và đào tạo

Về phân cấp quản lý Nhà nước về giáo dục và đào tạo, Ủy ban Nhân dân Thành phố có thẩm quyền:

Phê duyệt chương trình giáo dục tích hợp thực hiện trong liên kết giáo dục với nước ngoài đối với các cơ sở giáo dục trên địa bàn, bảo đảm tiêu chí, điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của Chính phủ về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục và hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Phê duyệt tài liệu, học liệu sử dụng để triển khai cho trẻ làm quen ngoại ngữ, bảo đảm các tiêu chí, điều kiện, quy trình, thủ tục theo quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Xây dựng thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với một số cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý nhằm nâng cao chất lượng giáo dục của Thành phố Hồ Chí Minh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục