Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết việc triển khai thí điểm "làm giàu, làm sạch" dữ liệu về đất đai, thông tin nhà ở trong cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia tại thành phố Hà Nội và Hà Nam đã đạt tỷ lệ 80%, song việc rà soát trên thực tế mất rất nhiều thời gian và khó triển khai mở rộng.
Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số và Thông tin dữ liệu tài nguyên môi trường Nguyễn Bảo Trung cho biết thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06), cơ quan này đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan chuyên môn triển khai thí điểm việc “làm giàu, làm sạch” dữ liệu về đất đai, thông tin nhà ở trong cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia tại địa bàn thành phố Hà Nội và tỉnh Hà Nam, từ tháng 5/2023.
Đến nay, thành phố Hà Nội đã cơ bản hoàn thành công việc điều tra, thu thập thông tin tại 100% phường triển khai thí điểm thuộc các quận Hoàn Kiếm (18 phường) và Hoàng Mai (14 phường). Tỉnh Hà Nam cũng đã cơ bản hoàn thành điều tra, thu thập thông tin tại 100% xã, phường (37 xã, phường) thuộc thị xã Duy Tiên và thành phố Phủ Lý.
Bộ TN-MT khẳng định đã thể chế hóa đúng, đủ về chính sách đất đai
Bên cạnh đó, thành phố Hà Nội và tỉnh Hà Nam cũng đang tiếp tục chuẩn hóa, làm sạch, chuyển đổi, xây dựng cơ sở dữ liệu liên kết thông tin với dữ liệu không gian thửa đất của các phường từ phiếu thu thập thông tin.
Ông Trung cho hay qua triển khai kế hoạch làm điểm tại các địa phương trên, Cục Chuyển đổi số và Thông tin dữ liệu tài nguyên môi trường và các đơn vị liên quan đã chuẩn hóa, làm giàu, làm sạch, bổ sung, liên kết thông tin với dữ liệu không gian thửa đất. Theo đó, số thửa đất đã được làm giàu, làm sạch, bổ sung thông tin trong cơ sở dữ liệu đạt tỷ lệ khoảng 80%.
Hiện nay, cơ sở dữ liệu kết quả điều tra phục vụ việc làm giàu, làm sạch thông tin về đất đai, nhà đang được vận hành trên cơ sở hạ tầng đặt tại Cục Chuyển đổi số và Thông tin dữ liệu tài nguyên môi trường.
Tuy nhiên, ông Trung cũng cho hay trong quá trình triển khai làm thí điểm còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Kết quả rà soát thông tin, dữ liệu cơ sở dữ liệu đất đai đang vận hành tại các địa bàn làm thí điểm cho thấy số tờ, số thửa chưa đúng với bản đồ địa chính chính quy; địa chỉ thửa đất (thông tin trên giấy chứng nhận) không đủ độ chi tiết (chỉ có thông tin về tổ dân phố/thôn, xóm không có thông tin về số nhà) và thay đổi nhiều so với thực tế.
“Do vậy, quá trình rà soát, đối soát thông tin mất rất nhiều thời gian, thực tế phải điều tra lại toàn bộ khu vực hành chính,” ông Trung nói.
Bên cạnh đó, thực tế điều tra thông tin về số nhà, đường phố còn trùng lặp, không thống nhất; đặc biệt là tại các khu mới, đường mới, đường chưa được đánh số chính thức thì địa chỉ đều là tự gắn số, tự đánh số, dẫn đến thông tin về số nhà, địa chỉ không chính thức, không chính xác, lộn xộn, trùng lặp.
Cũng theo ông Trung, trong quá trình điều tra thu thập thông tin tại các địa bàn, dù đã có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp tỉnh, huyện, xã và các tổ trưởng tổ dân phố, chi bộ trực tiếp đi phát phiếu, đôn đốc thu thập thông tin, tuy nhiên số lượng thông tin thu thập còn thấp, độ tin cậy chưa cao; thông tin về nhà ở, tài sản gắn liền với đất, địa chỉ chi tiết còn thấp.
Đặc biệt, việc thu thập thông tin đến từng hộ dân gặp nhiều khó khăn, có nơi không thu thập được do chủ sử dụng đất, sở hữu nhà không có mặt tại địa bàn hoặc đã chuyển nhượng quyền sử dụng cho người ở địa phương khác; đã cho thuê; không phối hợp với địa phương để kê khai, cung cấp thông tin.
Bên cạnh đó, người dân cũng chưa thực sự tự giác, chủ động trong việc thực hiện đăng ký đất đai, nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất (gồm đăng ký lần đầu và đăng ký biến động) theo quy định do đó dữ liệu không được cập nhật thường xuyên, đầy đủ, chính xác theo hiện trạng sử dụng, quản lý.
Trước thực tế trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã yêu cầu Cục Chuyển đổi số và Thông tin dữ liệu tài nguyên môi trường đánh giá tính thực tiễn, nhất là tính pháp lý của các thông tin thu thập; từ đó xây dựng báo cáo, chỉ ra thuận lợi, khó khăn, trên cơ sở đó, làm việc với C06 (Bộ Công an) thống nhất các giải pháp khắc phục để báo cáo Thủ tướng Chính phủ./.