Thí điểm giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu qua đường chuyên dụng

Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng-Lạng Sơn là cơ quan đầu mối thực hiện phương án thí điểm quy trình giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu qua đường chuyên dụng.
Thí điểm giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu qua đường chuyên dụng ảnh 1Cán bộ biên phòng Tân Thanh, Lạng Sơn điều tiết xe nông sản xuất khẩu. (Ảnh minh họa: Quang Duy/TTXVN)

Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng-Lạng Sơn vừa ban hành phương án thí điểm quy trình giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu qua đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1088/2-1089 (từ Tân Thanh, Việt Nam sang Pò Chài, Trung Quốc).

Phó Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng-Lạng Sơn Hoàng Khánh Duy cho biết nhằm đảm bảo duy trì hoạt động thông quan hàng hóa phương án này được thực hiện trong thời gian dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay.

Trường hợp tình hình dịch bệnh được kiểm soát, các cơ quan chức năng sẽ trao đổi với phía Trung Quốc để khôi phục hoạt động thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu như trước đây.

Về quy trình giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu, lái xe đường dài đến khu vực cửa khẩu Tân Thanh, sau khi giao xe cho lái xe chuyên trách của Việt Nam điều khiển, xe chở hàng hoặc xe không hàng (để nhận hàng nhập khẩu) sang Trung Quốc phải theo chỉ dẫn đưa xe đến khu vực Trung tâm Giám sát hàng hóa Khả Phong, Trung Quốc (cách đường biên giới khoảng 1km).

Sau đó, lái xe chuyên trách của Việt Nam xuống khu vực chờ theo yêu cầu của cơ quan chức năng phía Trung Quốc.

Trong thời gian trên, xe hàng sau khi được lực lượng chức năng phía Trung Quốc khử khuẩn toàn bộ buồng lái sẽ được giao xe cho lái xe chuyên trách của Trung Quốc để điều khiển xe thực hiện giao hàng tại địa điểm được chủ hàng hai bên thống nhất.

Lái xe chuyên trách của Việt Nam tiếp nhận và điều khiển xe không hàng hoặc xe chở hàng nhập khẩu về Việt Nam theo chỉ định của lực lượng chức năng phía Trung Quốc.

Cùng với đó, Bưu điện tỉnh phối hợp với đối tác phía Trung Quốc, chủ trì phối hợp với các đơn vị bảo hiểm tuyên truyền, cung cấp các dịch vụ bảo hiểm theo quy định cho phương tiện của Việt Nam trong quá trình lưu thông, giao dịch bên Trung Quốc; kịp thời xử lý các vụ việc phát sinh để đảm bảo lợi ích hợp pháp cho doanh nghiệp, chủ phương tiện Việt Nam.

Các sản phẩm bảo hiểm mới phù hợp với quy định của pháp luật và thực trạng xuất nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn tỉnh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho công dân và tài sản của công dân Việt Nam khi giao dịch thương mại với đối tác nước ngoài.

Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp, thương nhân có năng lực, uy tín, quan hệ với đối tác Trung Quốc tại khu vực cửa khẩu Tân Thanh thực hiện hỗ trợ hoặc cung cấp dịch vụ ủy thác mua bán, giao dịch hàng hóa cho các doanh nghiệp, thương nhân nhỏ lẻ.

Chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Thanh phối hợp tuyên truyền, công bố, công khai danh sách các đại lý hải quan có đủ tính pháp lý, năng lực, uy tín để thực hiện cung cấp dịch vụ ủy thác mua bán hàng hóa với thương nhân Trung Quốc.

Để phương án thực hiện thí điểm quy trình giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu qua đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1088/2-1089 an toàn, hiệu quả, Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng-Lạng Sơn là cơ quan đầu mối thực hiện phương án thí điểm quy trình giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu.

[Đề nghị tạo thuận lợi cho thông quan hàng hoá tại Cửa khẩu Lạng Sơn]

Ban Quản lý kịp thời thông tin, phối hợp với cơ quan chức năng phía Bằng Tường, Trung Quốc để xử lý các nội dung phát sinh trong quá trình triển khai thí điểm quy trình giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu mới, đảm bảo đúng quy định về đối ngoại, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho các bên liên quan; báo cáo, đề xuất các vấn đề vượt thẩm quyền.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh xác định thông tin chính xác, kịp thời trao đổi hội đàm với phía Quảng Tây, Trung Quốc về tình hình dịch bệnh và biện pháp phòng, chống dịch của tỉnh để phía bạn yên tâm trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai bên, đồng thời, tuyên truyền, vận động các lái xe chuyên trách không nhận ủy quyền “trông nom” và “bán hộ hàng hóa” bên phía Trung Quốc; chủ động trao đổi, hội đàm với cơ quan chức năng phía Quảng Tây-Trung Quốc, đề nghị sớm khôi phục thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu bình thường qua cửa khẩu cũng như thống nhất và làm rõ các nội dung liên quan đến quy trình xuất nhập khẩu mới.

Chỉ đạo Đồn Biên phòng Tân Thanh tổ chức kiểm tra, kiểm soát người, phương tiện xuất cảnh, nhập cảnh và giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định; phối hợp với với các lực lượng chức năng tại cửa khẩu thực hiện tốt việc phân luồng phương tiện trong khu vực cửa khẩu; duy trì số lượng xe trong bến xe của Công ty Bảo Nguyên ở mức phù hợp, tránh tập trung quá đông người và phương tiện trong bến xe, gây khó khăn cho quản lý và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; tiếp tục tăng cường hoạt động của các chốt dã chiến theo chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân tỉnh, kiểm soát 100% người ra, vào khu vực cửa khẩu.

Chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Thanh thực hiện nghiêm các quy định về quy trình thủ tục, kiểm tra, giám sát đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đảm bảo chặt chẽ, nhanh chóng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện quy trình xuất khẩu hàng hóa mới.

Chi cục phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, nắm chắc số doanh nghiệp, chủ hàng có hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, nhất là nông sản xuất khẩu qua cửa khẩu Tân Thanh để tiếp tục thực hiện tốt về tuyên truyền việc thay đổi quy trình xuất nhập khẩu hàng hóa đến các doanh nghiệp, chủ hàng biết, phối hợp thực hiện kịp thời, hiệu quả; nắm chắc số lượng phương tiện còn tồn phía Pò Chài-Trung Quốc hằng ngày để đề xuất trao đổi, hội đàm với phía bạn sớm hỗ trợ giải quyết.

Đặc biệt, các cơ quan chức năng tỉnh Lạng Sơn khuyến cáo để đảm bảo quyền và lợi ích của mình trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu Tân Thanh tại thời điểm diễn biến dịch bệnh trong nước rất phức tạp, các doanh nghiệp, thương nhân cần đẩy mạnh việc thực hiện các giao dịch xuất khẩu thông qua hợp đồng mua bán ngoại thương với đối tác Trung Quốc; chuyển nhanh, chuyển mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa từ tiểu ngạch sang chính ngạch để giảm thiểu rủi ro mà hình thức thương mại tiểu ngạch có thể đem lại.

Thí điểm giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu qua đường chuyên dụng ảnh 2Xe hàng tại cửa khẩu Tân Thanh chuẩn bị xuất hàng sang Trung Quốc. (Ảnh: Quang Duy/TTXVN)

Đối với các phương tiện chở hàng đã có giao dịch, có đầy đủ hợp đồng thì doanh nghiệp hai bên tự chủ động trao đổi thống nhất phương thức giao nhận hàng, giao nhận phương tiện, thông tin hiện trạng phương tiện và sơ bộ phương thức vận hành, điều khiển phương tiện.

Các phương tiện chở hàng chưa có giao dịch, chưa có hợp đồng... yêu cầu doanh nghiệp, chủ hàng lựa chọn ủy thác cho doanh nghiệp có năng lực, uy tín để đứng ra giao dịch và giữa các doanh nghiệp tự thỏa thuận, tự chịu trách nhiệm về quá trình giao dịch.

Quá trình vận chuyển hàng hóa các đơn vị cần đảm bảo tuân thủ các quy định phòng, chống dịch COVID-19 của cơ quan quản lý nhà nước hai bên. Trong quá trình thực hiện xuất nhập khẩu hàng hóa theo quy trình mới, nếu phát sinh các tranh chấp giữa thương nhân hai nước thì thương nhân Việt Nam phải chủ động phối hợp với đối tác phía Trung Quốc để thống nhất phương án giải quyết tranh chấp.

Trường hợp không tự thỏa thuận được thì phải báo cáo, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước tỉnh Lạng Sơn để giải quyết; tránh trường hợp trốn tránh trách nhiệm, không phối hợp giải quyết gây ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của thương nhân Việt Nam cũng như của tỉnh Lạng Sơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục