Thi đại học trên máy tính: Thí sinh hào hứng, phụ huynh bớt mệt mỏi

Tuy lần đầu tiên một kỳ thi tuyển sinh đại học thực hiện theo hình thức thi online trên máy tính được tổ chức ở Việt Nam, nhưng các thí sinh tham dự cho biết không hề bỡ ngỡ.
Thí sinh dự thi vào Đại học Quốc gia Hà Nội. (Ảnh: Đại học Quốc gia Hà Nội)

Tuy lần đầu tiên một kỳ thi tuyển sinh đại học thực hiện theo hình thức thi online trên máy tính được tổ chức ở Việt Nam, nhưng các thí sinh tham dự bài thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết không hề bỡ ngỡ.

Thao tác thi đơn giản

Bước ra khỏi khu vực thi tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, thí sinh Đinh Thị Thùy Linh, học sinh trường Trung học phổ thông Hữu Nghị 80 (Sơn Tây, Hà Nội) vui vẻ cho biết em làm bài được 84 điểm. 

Đánh giá cao về phương thức thi trực tuyến, Linh cho rằng đây là hình thức thi tuyển phù hợp với nhịp sống hiện đại. “Tuy là cách thi mới nhưng thao tác đơn giản, chỉ cần đăng nhập tên và mật khẩu là thí sinh có thể làm bài bằng cách di và click chuột, hoặc gõ điền số cho đề toán. Bên cạnh đó, em đã làm thử bài thi mẫu nên không gặp vấn đề gì khi thi chính thức,” Linh chia sẻ.

Sáng nay, ngày 30/5, Đại học Quốc gia Hà Nội bắt đầu tổ chức kỳ thi tuyển sinh năm 2015, đợt một. Các em sẽ làm bài thi trong thời gian 195 phút, từ 7 giờ đến 10 giờ 15 phút. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Theo số liệu thống kê của trường, đợt thi này có sự tham gia của 43.350 thí sinh. Các thí sinh sẽ dự thi tại 9 cụm thi gồm Hà Nội (ba cụm), Nam Định, Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hoá, Thái Nguyên và Đà Nẵng với tổng số 21 điểm thi. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Thí sinh tập trung thi đông nhất ở Hà Nội với 32.838 em, chiếm 72,4%, thi tại 11 điểm thi. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Ở Hà Nội có 3 cụm thi với 11 điểm thi. Cụm một gồm các điểm Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội, các trường thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội như Đại học Ngoại ngữ, Đại học Công nghệ. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Cụm thứ hai là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Khoa học Tự nhiên, Trường Cao đẳng thực hành FPT, Trường Đại học Thăng Long. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Cụm thứ ba gồm các điểm Đại học Tài nguyên và Môi trường và 3 điểm thi tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Một số phụ huynh thắc mắc với tình nguyện viên khi không được mang vỏ máy tính hay chai nước vào phòng thi. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Cô Lan Anh (Đống Đa, Hà Nội), một phu huynh lo lắng chia sẻ: ‘Con cô làm bài thi năng lực đánh giá. Không biết chúng nó thi như thế nào nữa’. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Chung tâm lý với cô Lan Anh, nhiều phụ huynh cũng hồi hộp khi biết năm nay các con em mình không thể học ‘tủ’ vì kiến thức dàn trải, không khoanh vùng được trọng tâm ôn tập. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Nhiều thí sinh đã tỏ ra mệt mỏi khi tham dự kỳ thi trong thời tiết nắng nóng. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Nhà trường đã bố trí các điểm gửi đồ cho các thí sinh để các bạn yên tâm khi làm bài. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Để phục vụ cho đợt một, Đại học Quốc gia Hà Nội đã chuẩn bị 196 phòng thi Đánh giá năng lực và 436 phòng thi môn Ngoại ngữ. Cả hai bài thi này đều thực hiện trên máy tính và số máy tính sử dụng cho kỳ thi là gần 7.500 máy. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Nhân lực phục vụ cho mỗi ca thi Đánh giá năng lực là 1.007 người, với môn Ngoại ngữ là 698 người. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Các em sẽ phải dự thi bài thi đánh giá năng lực trên máy tính theo hình thức thi online. Riêng thí sinh dự tuyển vào Đại học Ngoại ngữ phải thi thêm bài thi môn Ngoại ngữ. Với hình thức thi này, thí sinh sẽ biết điểm ngay sau khi làm bài, trước khi rời phòng thi. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Kỳ thi tổ chức thi khoa học hơn, bớt nhiều khâu như thu bài, rọc phách, chấm điểm, phúc khảo, thời gian thi ngắn hơn, thí sinh và phụ huynh bớt mệt mỏi và tốn kém, thi xong biết điểm luôn… Đó là hàng loạt ưu điểm được thí sinh Đặng Thị Thu Hà (Trường Trung học phổ thông Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội) liệt kê khi nói về kỳ thi của Đại học Quốc gia Hà Nội.

Cùng quan điểm này, thí sinh Hoàng Ngọc Hưng, đến từ trường Trung học phổ thông Nho Quan, Ninh Bình cho rằng hình thức thi trực tuyến có nhiều lợi thế riêng. “Đề có thể phân làm rất nhiều câu hỏi, làm bài trên máy tính và thi trắc nghiệm nên thí sinh cũng tập trung hoàn toàn cho bài làm, không xảy ra tiêu cực. Em thích nhất là thi xong biết điểm ngay, không phải hồi hộp chờ đợi,” Hưng vui vẻ nói.

Vẫn theo Hưng, với những thí sinh ngoại tỉnh về Hà Nội thì việc rút ngắn thời gian thi trong một buổi thay vì ba buổi như trước đây có ý nghĩa rất lớn. “Thử tưởng tượng dưới cái nắng 40 độ phải ngồi vật vã chờ thi là quá mệt mỏi,” Hưng nói.

Cậu học trò Ninh Bình dự định sẽ nộp hồ sơ xét tuyển vào Đại học Công nghệ của Đại học Quốc gia Hà Nội.

Tuy nhiên, Hưng cho hình thức thi này có nhược điểm là thí sinh sẽ không nhìn được tổng thể các câu hỏi để có thể chọn câu dễ làm trước. “Chỉ từng câu hỏi hiển thị trên màn hình, muốn lướt câu hỏi lại phải click chuột và vì thế mất thời gian nếu đã bỏ qua và muốn quay lại câu hỏi cũ,” Hưng chia sẻ.

Cũng theo Hưng, việc chỉ thi trắc nghiệm đối với môn văn là chưa hợp lý vì đây là môn học để thí sinh thể hiện khả năng ngôn ngữ cũng như khả năng diễn đạt, tư duy logic vấn đề.

Đề thi vượt ngoài sách vở

Bên cạnh hình thức thi mới, đề thi cũng là một điểm mới đáng chú ý.

Thí sinh Đinh Thị Thùy Linh cho biết, cách thi trắc nghiệm theo hình thức mới, không chỉ có những đáp án có sẵn và chọn A, B, C, D mà còn có những câu hỏi yêu cầu thí sinh phải tự tính toán và tìm ra đáp số để điền vào cũng là điểm em thấy thú vị. 

“Nếu chỉ có những đáp án có sẵn, thí sinh có thể chọn bừa. Nhưng với những câu hỏi yêu cầu phải tự tính thì sẽ không thể điền bừa được và vì thế, hạn chế sự may rủi trong thi trắc nghiệm, đánh giá tốt hơn năng lực thực của thí sinh,” Linh chia sẻ. 

Nếu với các môn khoa học tự nhiên, việc thi trắc nghiệm không lạ lẫm thì với các môn khoa học xã hội, đây thực sự là một trải nghiệm mới.

Thí sinh Phan Thanh Mai, học trường Trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều, Hà Nội, cho biết việc thi trắc nghiệm môn văn khiến em khá tò mò. Tuy nhiên, đề không "đặt nặng" việc học thuộc mà để làm bài, thí sinh phải hiểu, biết liên hệ các mốc thời gian và phải suy luận mới có thể làm tốt. 

Mai cho biết, em học khối A1 [gồm các môn toán, lý, ngoại ngữ- PV] nên với em, cả hai phần tự chọn là lý-hóa-sinh hay sử-địa đều... bất lợi ngang nhau. “Em đã chọn phần sử-địa và có thể gỡ điểm được ở nhiều câu vì nội dung đề khá rộng, không chỉ nằm trong sách giáo khoa mà có cả các vấn đề ngoài xã hội. Đây cũng là phần thi em rất thích,” Mai nói.

Thí sinh Đặng Thị Thu Hà (Trung học phổ thông Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội) cũng vui vẻ khoe đã làm khá tốt phần thi khoa học xã hội dù em theo ban D [gồm các môn văn, toán, ngoại ngữ - PV]. “Địa là môn em yêu thích còn sử thì có thể phán đoán chọn đáp án thông qua các dữ liệu có trong đề như mốc thời gian, sự kiện…” Hà bật mí.

Chiều nay, các thí sinh cuối cùng của đợt một sẽ làm bài thi Đánh giá năng lực để lấy điểm xét tuyển vào Đại học Quốc gia Hà Nội.

Đơn vị này sẽ còn một đợt thi nữa diễn ra vào tháng Tám./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục