Sau ba tháng thi công thần tốc, cầu Ghềnh mới đã nối thông toàn tuyến đường sắt Bắc-Nam, vượt tiến độ dự kiến ban đầu (15/7) 20 ngày.
Đằng sau thành quả này này, là những giọt mồ hôi của người công nhân với một công trường không bao giờ ngủ; sự đoàn kết, tinh thần nhất trí cao độ và đặc biệt là lòng yêu nghề của những người thợ cầu mà ngay chính họ đã ví von “việc thi công cầu Ghênh giống như đã vào trận thì không có đường lùi.”
Như đánh trận trên sông Đồng Nai
Sau khi cầu Ghềnh bị sà lan kéo sập vào trưa ngày 20/3, kể về những ngày “nhận lệnh” trục vớt và thi công cây cầu mới này, ông Nguyễn Duy Thắng, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 1 (CIENCO 1) bảo, trong 20 năm chuyên đi làm các cây cầu từ Bắc vòa Nam thì đây là công trình rất áp lực, phải đảm bảo kịp về tiến độ cũng như chất lượng.
“Nhưng khi nhìn cầu được thông tuyến sớm hơn dự kiến, tàu Bắc-Nam nối liền một mạch, đó không chỉ là niềm vui của bản thân mà là tất cả của anh em làm công trình,” ông Thắng hồ hởi nói.
Nước da đen nhẻm vì dãi nắng miền Trung, nhấp chén nước chè đặc quánh, ông Thắng nhớ về những ngày tháng nhận được “lệnh triệu tập” của Bộ Giao thông Vận tải vào thi công cầu Ghềnh.
Đọc được thông tin cầu Ghềnh sập qua thông tin truyền thông, ngay ngày hôm sau, ông Thắng cùng cán bộ công nhân viên CIENCO 1 tức tốc vào thẳng hiện trường. Vào tới nơi, khung cảnh cây cầu sập nhìn tan hoang khi một nhịp cầu chìm hắn dưới lòng sông Đồng Nai, một nhịp nửa chìm nửa nổi gá tạm lên thân trụ.
“Nhịp cầu Ghềnh có chiều dài tới hơn 53m, nặng hơn 220 tấn, sông Đồng Nai nước sâu 16m, dòng chảy xiết, việc trục vớt không hề đơn giản, nếu như không muốn nói là vô vàn khó khăn trong khi thời hạn mà Bộ Giao thông Vận tải đưa ra cho việc trục vớt nhịp cầu chỉ vỏn vẹn 7 ngày. Tuy nhiên, cầu Ghềnh là công trình không bao giờ ngủ. Công nhân luôn làm 24/24 giờ, vì thế mà nhịp cầu Ghềnh bị chìm đã được trục vớt lên thành công vào ngày 27/3, sớm hơn 3 ngày so với ‘“lệnh’ của Bộ Giao thông Vận tải,” ông Thắng chia sẻ.
Để trục vớt được nhịp cầu nặng tới 220 tấn, CIENCO 1 đã phải huy động một cẩu nổi 500 tấn đứng trên sà lan 3.600 tấn, một cẩu phụ 150 tấn, hai sà lan phục vụ 1.600 tấn và 1.800 để chở nhịp cầu sau khi được trục vớt lên khỏi mặt nước.
Ngoài ra, phía đơn vi này còn phải huy động đội thợ lặn chuyên nghiệp, lặn xuống đáy sông để đánh giá tình hình, khảo sát địa chất và vị trí của cầu, phía bên trên là đội ngũ hơn 60 kỹ sư, công nhân lành nghề trực tiếp tham gia trục vớt.
“Việc trục vớt được nhịp cầu Ghềnh có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy nhanh tiến độ xây dựng cầu mới, đặc biệt là giải phóng ách tắc giao thông thủy trên sông Đồng Nai và tạo mặt bằng thi công cầu mới,” vị Phó Tổng giám đốc CIENCO 1 khẳng định.
Quệt ngang giọt mồ hôi trên trán, câu chuyện bị đứt mạch khi ông Thắng bồi hồi nhớ về áp lực và lo lắng không hoàn thiện công trình kịp tiến độ đề ra đó là lúc thi công hai hạng mục mố trụ T1 và T2 và lao lắp 3 nhịp giàn thép của cầu Ghềnh dưới điều kiện thủy văn phức tạp.
Do tuyến sông Đồng Nai có 120 bãi đá ngầm, đơn vị thi công phải khoan cọc của hai trụ T1 và T2 giữa sông nước sâu chừng 16m, chảy xiết, lòng sông toàn đá nên việc hoàn thành thi công an toàn tuyệt đối là khâu then chốt. Chưa kể, việc lao 3 nhịp giàn thép của cầu nặng gần 300 tấn rất khó khăn khi không thể lắp đặt trên sông.
“Toàn bộ giàn thép được lắp đặt ở công trường trên bờ, sau đó được kéo ra cầu tàu, lợi dụng thủy triều xuống đưa sà lan vào chở và chờ khi con nước lên sẽ đẩy sà lan và nhịp cầu ra khỏi cầu tàu, di chuyển xuống vị trí cầu Ghềnh để lắp đặt,” vị Tư lênh công trường này cho hay.
Đặc biệt, những ngày ở công trường, bà con địa phương hay hỏi thăm việc thi công cầu mới là nước ngoài hay Việt Nam làm mà tiến độ lại căng như thế? Những người thợ cầu đều trả lời chắc nịch rằng, cầu được làm từ toàn bộ nội lực của ngành giao thông.
Nâng ly rượu chúc mừng cầu Ghềnh
Sau khi hoàn thiện lao dầm vào ngày 26/6, tối hôm đó, CIENCO 1 đã tổ chức khao quân. Phía công nhân từng đội đề xuất chọn hai quán ở hai đầu cầu. Bữa cơm thân mật, dù chẳng cao sang nhưng có sự chung vui của người dân và cùng nâng ly rượu nhạt đồng thanh hô to “chúc mừng cầu Ghềnh”.
Thậm chí, có người xúc động, òa khóc như đứa trẻ bởi ba tháng xa gia đình và thành công của dự án.
Khẳng định nhờ sự đoàn kết, tinh thần nhất trí cao độ và đặc biệt là lòng yêu nghề của những người thợ cầu đã hoàn thành cầu Ghềnh vượt tiến độ, ông Thắng vẫn nhớ như in hình ảnh đoàn tàu đầu tiên lăn bánh trên cầu Ghềnh vào rạng sáng ngày 25/6 vừa qua khi hành khách vẫy tay chào như muốn nói lời cảm ơn những người thợ cầu không quản ngày đêm, dãi nắng dầm mưa để hoàn thiện cây cầu.
Là một trong những người tham gia thi công cầu Ghềnh, anh Đặng Hải Hà, Tổ trưởng Tổ sắt hàn Xí nghiệp cầu 18 (CIENCO 1) đã gần ba tháng rồi vẫn chưa về nhà nên rất nhớ nhà.
Dáng người nhỏ nhắn, đen nhẻm vì nắng gắt, anh Hà bảo, ngay sau khi khánh thành, anh sẽ mua vé tàu để trở về bên bữa cơm gia đình.
“Ba tháng đằng đẵng xa nhà, ngày nào cũng vài cuộc gọi hỏi thăm sức khỏe gia đình. Biết là nghiệp thợ cầu là phải ăn nằm công trường, thế nhưng, nhiều cuộc nói chuyện vội qua điện thoại, được nghe giọng người thân động viên làm việc tốt khiến ai cũng bồi hồi, rưng rưng nước mắt. Khi biết tin cầu được khánh thành sáng nay, vợ con ở nhà mừng rỡ vì được về sớm hơn so với dự định,” anh Hà vui mừng kể.
Chứng kiến đoàn tàu đầu tiên đi qua, được nghe âm thanh guồng quay rền vang khi những bánh tàu “nghiến” vào đường ray, tiếng còi tàu vang xa không chỉ anh Hà mà nhiều công nhân khác vỡ òa trong sung sướng bởi đem lại những chuyến tàu nối hai bờ vui.
“Sau này có dịp đi qua cầu Ghềnh, nhất định tôi sẽ nhìn vào cây cầu và tự hào rằng, chính mình đã đóng góp những mối hàn tại đây để những chuyến tàu sẽ lại hành trình từ điểm đầu đến điểm cuối đất nước mà không phải chuyển tải,” anh Hải cho hay.
Gần 90 ngày đêm lao động không ngừng nghỉ, bất chấp thời tiết nắng gắt, mưa giông, những người thợ cầu vẫn miệt mài trên công trường. Để rồi, cầu Ghềnh đã hoàn thiện, nối đôi bờ vui trước tiến độ gần 20 ngày./.