Tổng Thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) Dato Lim Jock Hoi đã gọi việc 10 nước thành viên ASEAN cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand ký Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 do Việt Nam chủ trì, là một “sự kiện lịch sử."
Ý nghĩa của sự kiện này không chỉ quan trọng với ASEAN mà còn tác động tích cực đến thương mại toàn cầu trong bối cảnh thế giới đang phải nỗ lực khắc phục những hậu quả kinh tế mà đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra.
Hiệp định RCEP được đánh giá là thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới với sự tham gia của 15 quốc gia, chiếm khoảng 30% dân số thế giới và gần 30% GDP toàn cầu. Việc ký kết RCEP sau 8 năm đàm phán vào đúng thời điểm xảy ra bất ổn thương mại toàn cầu khiến sự kiện này mang tính biểu tượng cao.
Ông Dato Lim Jock Hoi khẳng định sự kiện này đã củng cố vai trò của ASEAN trong việc dẫn dắt một hiệp định thương mại đa phương tầm cỡ, bất chấp những thách thức toàn cầu và khu vực, cũng như 8 năm đàm phán khó khăn.
Thực tế, hoạt động kinh tế-thương mại-đầu tư toàn cầu năm 2020 đang chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19. Kinh tế suy thoái, thương mại gián đoạn, đầu tư sụt giảm là xu thế chung. Các báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đều dự báo kinh tế toàn cầu sẽ suy giảm ít nhất 4% trong năm nay.
Riêng đối với khu vực Đông Á và Thái Bình Dương (EAP) cũng như Trung Quốc, WB dự báo đại dịch COVID-19 có thể khiến tăng trưởng kinh tế khu vực này giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 50 năm qua, đẩy 38 triệu người rơi lại vào cảnh đói nghèo, nhất là khi các nền kinh tế khu vực phụ thuộc lớn vào thương mại và du lịch. Một số nền kinh tế lớn trong khu vực, như Indonesia, đã chính thức rơi vào suy thoái.
Hoạt động thương mại hàng hóa toàn cầu trong quý 2 năm nay đã giảm 14,3% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu mức giảm theo quý lớn nhất trong lịch sử, trong khi hoạt động thương mại dịch vụ giảm gần 30%.
[Chuyên gia: Hiệp định RCEP mở ra nhiều cơ hội cho Malaysia và Việt Nam]
Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) dự đoán tăng trưởng thương mại toàn cầu năm nay sẽ giảm 9,2%. Còn theo số liệu của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), trong nửa đầu năm nay, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu đã giảm 49% so với cùng kỳ năm 2019.
Chính sách đóng cửa và viễn cảnh suy thoái toàn cầu sâu rộng có thể khiến FDI toàn cầu giảm tới 40% trong năm nay và sẽ khó phục hồi trước năm 2022.
Trong bức tranh màu xám đó, việc ký kết RCEP rõ ràng là một "điểm sáng" nổi bật, bởi hợp tác quốc tế chính là “chìa khóa” giúp đẩy nhanh sự phục hồi kinh tế toàn cầu, nhất là khi chủ nghĩa đa phương và thương mại tự do đang bị xu hướng trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ lấn lướt.
Như Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nhận định, việc ký kết RCEP “là một bước tiến lớn đối với thế giới, vào thời điểm chủ nghĩa đa phương đang mất dần chỗ đứng, và tăng trưởng toàn cầu đang chậm lại.”
Phó Giám đốc phụ trách nghiên cứu ASEAN của Viện Các vấn đề quốc tế Singapore (SIIA) - bà Jessica Wa’u đánh giá việc ký RCEP là một trong những thành tựu ấn tượng của ASEAN trong năm 2020. RCEP là dấu mốc quan trọng đối với ASEAN, khi mà tổ chức khu vực gồm 10 thành viên này dẫn đầu hiệp định thương mại lớn nhất thế giới này, đồng thời đưa khu vực xích lại gần nhau hơn về thương mại.
Việc ký kết RCEP cũng đồng thời phát đi một thông điệp mạnh mẽ, rằng “ASEAN muốn làm việc với các quốc gia khác và tăng cường hội nhập kinh tế, kể cả sau năm 2020 đầy biến động.”
Chia sẻ quan điểm trên, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha tin tưởng RCEP sẽ nâng cao giá trị chiến lược của ASEAN cũng như khu vực RCEP và cũng sẽ đóng vai trò là chất xúc tác trong thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu hướng tới thương mại tự do và cởi mở hơn, trong khi củng cố hệ thống thương mại đa phương.
Trong khi đó, trang mạng Asiatimes.com nhận định RCEP không chỉ được kỳ vọng sẽ giúp các quốc gia ASEAN phục hồi kinh tế vào năm tới sau khi bị đại dịch tàn phá, cũng như góp phần đẩy mạnh tiến trình xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2025, mà còn là biểu tượng nêu bật tầm quan trọng của khu vực, trong giai đoạn được một số nhà phân tích đặt tên là “Thế kỷ châu Á.”
Với RCEP, ASEAN đã chứng tỏ được khả năng tập hợp những nỗ lực tập thể vượt qua những thách thức đang đặt ra.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo thì khẳng định rằng việc ký kết RCEP là biểu tượng của cam kết vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực, bởi nó thể hiện thông điệp về các nguyên tắc thương mại đa phương “cởi mở, công bằng và mang lại lợi ích cho tất cả các bên.”
Đây sẽ là một phần quan trọng để hướng tới vai trò trung tâm của ASEAN tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. RCEP được đánh giá sẽ làm thay đổi bản đồ kinh tế và chiến lược của khu vực và thông qua việc ký kết RCEP, vai trò và vị thế của ASEAN đã được nâng tầm.
Với việc kết thúc quá trình đàm phán và ký kết RCEP trong năm Việt Nam đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Giáo sư Yeah Kim Leng, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu kinh tế tại Viện Jeffrey Cheah về Đông Nam Á, thuộc Đại học Sunway (Malaysia) cho rằng ASEAN đã một lần nữa thể hiện sự đoàn kết và gắn bó trong thực hiện cam kết với chủ nghĩa đa phương.
Bên cạnh đó, theo chuyên gia này, đây chính là một minh chứng rõ ràng cho vai trò dẫn dắt hiệu quả và sự đóng góp đáng kể của Việt Nam đối với ASEAN.
Đối với các khu vực châu Á-Thái Bình Dương, RCEP được kỳ vọng sẽ tạo ra động lực rất cần thiết nhằm phục hồi nhanh chóng và mạnh mẽ các doanh nghiệp và người dân trong khu vực, đặc biệt là trong cuộc khủng hoảng đại dịch COVID-19 hiện nay.
Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin cho rằng RCEP sẽ là công cụ quan trọng để khôi phục kinh tế, đồng thời khuyến khích tái mở cửa thị trường và đảm bảo chuỗi cung ứng không bị đứt quãng. Theo đó, RCEP sẽ là phương tiện chủ chốt giúp tăng cường kết nối kinh tế trong khu vực ASEAN cũng như giữa ASEAN với các đối tác.
Đây cũng là khẳng định của Bộ trưởng Công Thương Lào Khemmani Pholsena, coi việc ký kết RCEP “sẽ gửi tín hiệu tích cực tới tất cả các nước rằng ASEAN và các đối tác của khối coi trọng việc mở cửa thị trường cho thương mại và đầu tư nhằm tăng cường khả năng phục hồi và sự bền vững của các chuỗi cung ứng khu vực, điều sẽ giúp phục hồi kinh tế của ASEAN.” Quan trọng hơn, hiệp định này mang lại hy vọng và lạc quan về sự phục hồi kinh tế khu vực hậu đại dịch COVID-19.
Không chỉ có ý nghĩa chiến lược đối với toàn khu vực, việc ký kết thành công RCEP còn mang lại “hy vọng mới” cho từng quốc gia thành viên. Phủ Tổng thống Hàn Quốc đánh giá sự kiện này là "kết quả quan trọng nhất" của Chính sách hướng Nam mới của chính quyền Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, nhằm cải thiện mối quan hệ chiến lược với các quốc gia Đông Nam Á.
Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern khẳng định RCEP có giá trị chiến lược quan trọng đối với New Zealand thông qua việc tăng cường và làm sâu sắc hơn các mối quan hệ trong khu vực RCEP.
Indonesia coi việc ký kết RCEP “ là một thành tựu trong lĩnh vực thương mại quốc tế,” khi mà văn kiện này được cho sẽ giúp xuất khẩu của Indonesia tăng 7,2%. Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Hiroshi Kajiyama khẳng định RCEP sẽ đóng góp lớn cho sự gia tăng kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản sang châu Á.
Tuy nhiên, như Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã lưu ý, việc ký kết RCEP mới chỉ là “bước khởi đầu,” và các nước vẫn cần phải nỗ lực để triển khai thỏa thuận thương mại vốn đòi hỏi “cam kết chính trị ở cấp cao nhất” này.
Bởi theo Giáo sư Yeah Kim Leng, RCEP mang đến cả thời cơ cùng thách thức. Đơn cử như một số ngành công nghiệp ở mỗi nước sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh và sức ép từ sản phẩm nhập khẩu cao hơn. Sự chênh lệch về trình độ phát triển kinh tế, những khác biệt về yêu cầu và nhu cầu hàng hóa, dịch vụ khác nhau có thể tạo ra những lực cản.
Trước mắt sẽ là quá trình phê chuẩn RCEP tại các nước thành viên, để RCEP có thể làm "gia tăng những lợi ích kinh tế cho tất cả các thành viên" như kỳ vọng.
Tại lễ ký thỏa thuận lịch sử này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định RCEP là thành quả to lớn của việc các nước ASEAN, với vai trò trung tâm của mình, đã cùng với các nước đối tác đặt nền móng cho một giai đoạn hợp tác mới mang tính toàn diện, lâu dài, hướng đến tương lai. Cùng với dấu mốc RCEP năm 2020, ASEAN đang ngày càng khẳng định vai trò đối tác năng động, mạnh mẽ, hợp tác vì sự thịnh vượng chung./.