Theo dõi sát sao, chặt chẽ tất cả các trường hợp trở về từ Đà Nẵng

Các chuyên gia khuyến nghị những người đi từ Đà Nẵng từ ngày 1/7 trở lại đây, phải thực hiện khai báo y tế, thông báo với chính quyền địa phương và các cơ quan y tế để theo dõi sức khỏe.
Theo dõi sát sao, chặt chẽ tất cả các trường hợp trở về từ Đà Nẵng ảnh 1Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19.. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Sáng 29/7, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì cuộc họp triển khai các biện pháp phòng, chống dịch trong giai đoạn hiện nay.

Trước diễn biến tình hình dịch bệnh tại Đà Nẵng, các thành viên Ban Chỉ đạo nhận định tính đến thời điểm hiện nay, 3 bệnh viện tại Đà Nẵng (Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Phục hồi chức năng Đà Nẵng) đang là những nơi có nguy cơ ổ lây nhiễm lớn nhất trên cả nước.

Trong khi đó, một số địa phương có tỷ lệ người dân trở về từ Đà Nẵng cao như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh... do đó khả năng cao xuất hiện nhiều ca nhiễm COVID-19 mới.

[Hà Nội phong tỏa 1 ngõ và 1 nhà hàng pizza vì có ca nghi mắc COVID-19]

Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch hiệu quả, các chuyên gia khuyến nghị những người đi từ Đà Nẵng từ ngày 1/7 trở lại đây, phải thực hiện khai báo y tế, thông báo với chính quyền địa phương và các cơ quan y tế để theo dõi sức khỏe.

Các thành viên Ban Chỉ đạo thống nhất việc theo dõi sát sao, chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại tất cả các địa phương trên cả nước, chú ý các trường hợp đi qua các điểm đã được phong tỏa tại Đà Nẵng.

Đặc biệt, nếu phát hiện các ca nhiễm không liên quan đến các điểm phong tỏa tại Đà Nẵng, các cơ sở y tế phải có biện pháp xét nghiệm kịp thời, khoanh vùng, dập dịch.

Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo thống nhất siết chặt việc thực hiện chặt chẽ các quy định phòng, chống dịch COVID-19, trong đó lưu ý đeo khẩu trang khi đến chỗ đông người và trên các phương tiện giao thông công cộng; rửa tay bằng xà phòng…; đồng thời khuyến nghị người dân hạn chế đi lại khi không có việc cần thiết.

Liên quan đến công tác điều trị và xét nghiệm, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh Bộ Y tế sẽ tăng cường tối đa năng lực xét nghiệm với hai loại xét nghiệm COVID-19 hiện có: xét nghiệm tìm gene virus (phương pháp PCR) và xét nghiệm kháng thể (thường sử dụng để xét nghiệm nhanh).

Đồng thời, Bộ Y tế sẽ chỉ đạo các cơ sở y tế kích hoạt chế độ phân luồng khám bệnh liên quan đến hô hấp; khi có triệu chứng nghi ngờ phải thực hiện xét nghiệm.

Liên quan đến Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông 2020, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ khẳng định kỳ thi vẫn diễn ra trong hai ngày 9-10/8.

Dự kiến, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phân các đối tượng thí sinh theo 4 nhóm: F0; F1; F2 và các thí sinh khác.

Việc phân nhóm đối tượng dự thi nhằm đảm bảo quyền lợi của học sinh cũng như công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong giai đoạn hiện nay.

Đồng thời, các thành viên Ban Chỉ đạo thống nhất, Bộ Ngoại giao phối hợp Bộ Y tế; Bộ Giao thông vận tải để điều tiết việc đưa đón người Việt Nam ở nước ngoài về nước phù hợp với tình hình thực tế.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khuyến nghị hạn chế các lễ hội, sự kiện đông người; hạn chế tối đa những sự kiện không cần thiết.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến sáng 29/7, ổ dịch ở thành phố Đà Nẵng đã ghi nhận 30 trường hợp mắc COVID-19 gồm 27 trường hợp tại Đà Nẵng, 2 trường hợp tại Quảng Nam, 1 trường hợp tại Quảng Ngãi.

Nghiên cứu đặc điểm dịch tễ 30 bệnh nhân COVID-19 này, Bộ Y tế cho biết có 24 trường hợp thuộc chùm ca bệnh tại khu vực Bệnh viện Đà Nẵng, trong đó có 5 nhân viên y tế, 1 người nhà của cán bộ y tế, 18 bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, tập trung chủ yếu ở 3 khoa: Hồi sức cấp cứu, Tim mạch và Nội Thận.

Hiện cả nước có 446 trường hợp mắc COVID-19, trong số đó 369 trường hợp khỏi bệnh (chiếm 82,7%); 77 bệnh nhân đang điều trị tại 12 cơ sở y tế trên cả nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục