Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị các tỉnh khu vực miền Trung theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ và chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.
Các địa phương kiểm tra các khu vực bị ngập và chia cắt; tiếp tục rà soát, sơ tán dân tại các vùng thấp trũng, vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, khu vực hạ du các hồ chứa; tăng cường lực lượng hướng dẫn giao thông tại các khu vực bị ngập lũ, ngầm, tràn; tăng cường phối hợp trong xả lũ hồ chứa để đảm bảo an toàn hồ và không làm gia tăng lũ cho hạ du.
Các tỉnh tiếp tục thực hiện nội dung Công điện số 42 ngày 11/12 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn.
Trong công tác chỉ đạo ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến, cập nhật và chuyển các bản tin về mưa lũ đến thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và các tỉnh, thành phố qua hệ thống tin nhắn; đôn đốc các địa phương thực hiện nghiêm Công điện số 42.
Bộ Y tế, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công an, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã có Công điện gửi các đơn vị trực thuộc về việc ứng phó với mưa, lũ. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố từ Quảng Trị đến Kiên Giang theo dõi chặt chẽ diễn biến áp thấp nhiệt đới, mưa, lũ; thực hiện nghiêm túc Công điện số 42, trong đó các tỉnh, thành phố: Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Bình Định, Phú Yên, Bến Tre, Cà Mau đã có Công điện, thông báo chỉ đạo triển khai các biện pháp ứng phó với mưa, lũ trên địa bàn; tỉnh Sóc Trăng thực hiện cấm tàu thuyền ra khơi từ 22 giờ, ngày 12/12.
Tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức sơ tán 100 hộ dân/389 người (Nha Trang 8 hộ/24 người, thị xã Ninh Hòa 21 hộ/65 người, Khánh Vĩnh 71 hộ/300 người); tỉnh Phú Yên đã tổ chức sơ tán 40 hộ dân.
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định, mưa lớn đã làm một số xã thuộc huyện Tuy Phước, An Nhơn, Phù Cát bị ngập; đường ĐT 640 (đoạn từ thị trấn Tuy Phước đi xã Cát Tiến, huyện Phù Cát) nước ngập gây chia cắt nhiều đoạn không đi lại được. Hiện địa phương đang tiếp tục thống kê thiệt hại.
Tại tỉnh Phú Yên, mưa lũ đã gây ngập lụt, chia cắt 13 xã, thị trấn tại ba huyện (huyện Tuy An 7 xã, thị trấn, huyện Phú Hòa 1 xã; huyện Tây Hòa 4 xã, thị trấn). Tuyến Quốc lộ 1 bị ngập 0,3-0,4m tại Km1.304-Km1.305, Km1.305-Km1.306, Km1.308-Km1.309; Tỉnh lộ 642 đoạn Km9+900-Km10+400 bị ngập 1,3m; sạt lở ta luy Km3+500 tỉnh lộ 643 với khối lượng 1.500m3; tỉnh lộ 647 bị ngập 0,6-1,2m gây ách tắc giao thông. Đến nay, về cơ bản nước đã rút, các xã không còn bị cô lập, các tuyến đường đã thông, địa phương đang tập trung rà soát, đánh giá và thống kê thiệt hại do mưa lũ gây ra.
Tỉnh Khánh Hòa có một người chết (Bùi Phan Hoàng Trúc sinh năm 2000) do đi qua khu vực ngập nước thuộc thôn Phú Ân Nam, xã Diên An, huyện Diên Khánh ngày 13/12 bị lũ cuốn; 11 nhà sập hư hỏng ( huyện Vạn Ninh 6 nhà, thành phố Nha Trang 5 nhà); 224 nhà bị ngập (Khánh Vĩnh 136 nhà, thành phố Nha Trang 82 nhà, Vạn Ninh 6 nhà); 338 trường học bị ngập.
Mưa lũ cũng đã làm sạt lở mái taluy kè mái bảo vệ khu vực trường Đại học Thủy sản và đoạn đầu tuyến Quốc lộ 1C. Tuyến đường sắt đoạn qua hầm đèo Rù Rì bị sụt lún, sạt lở làm treo ray và tà vẹt tại một số đoạn làm ách tắc tuyến giao thông đường sắt Bắc Nam tại khu vực này, hiện đã sửa chữa và thông tuyến vào ngày 13/12. Mưa lớn làm vỡ kênh thoát lũ phía Tây hồ chứa nước Đường Đệ gây hư hỏng 4 nhà dân và sập tường nhà kho của Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa.
Sáng 13/12, xã Spai, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai đã thông báo các trường học trên địa bàn xã cho học sinh nghỉ học do nước lớn làm ngập ngầm tràn Đăk Lét, giao thông bị chia cắt./.