Như một sự sắp đặt của ông trời, những con người ra đi tìm trầm giữa đại ngàn Trường Sơn có lúc lạc bước, đưa họ lên “thiên đường” nhưng chẳng ai trong số đó nhớ nổi vị trí mình đã đi qua. Để hôm nay, chúng tôi lại lên đường theo một chương trình khảo sát khoa học về vùng “mỏ trầm” khi xưa. Vùng đất ấy đã được cả thế giới biết đến gắn liền với cái tên Hồ Khanh - người phu trầm đã tìm ra hang động lớn nhất thế giới.
Băng rừng, đùa giỡn Rào Thương
Chuyến xe khách Hà Nội-Quảng Bình từ từ lăn bánh trong tiết trời lạnh giá, xứ “Bọ” đón chúng tôi bằng không khí buổi sáng trong lành và món canh cá cay nồng.
Từ km số 37 của con đường mòn huyền thoại, chúng tôi băng qua cánh rừng nguyên sinh. Dường như cả khu rừng còn chưa có tác động của bàn tay con người, cũng bởi thế mà chúng tôi dễ dàng bắt gặp những cây gỗ cao hơn 30m, các loại hoa, quả, sa nhân cũng như những thân cây mục rữa đầy nấm. Vấn đề lớn khi đi rừng già là vắt, vì thế bạn cần chuẩn bị đầy đủ đồ như tất chống vắt, găng tay, mũ rộng vành và thuốc bôi chống côn trùng.
Cả đoàn chúng tôi cứ lẫm lũi giữa khu rừng ẩm ướt chừng hơn 2km thì gặp sông Rào Thương, con sông mà người dân ở đây vẫn hay gọi là suối Đoòng được bắt nguồn từ đỉnh núi U Bò, như dải lụa của nàng tiên khi xưa đánh rơi nơi trần thế.
Sau bữa trưa ăn vội bên dòng sông, chúng tôi tiếp tục di chuyển đến bản Đoòng. Đây là bản duy nhất có dân tộc Bru-Vân Kiều đang sinh sống trong vũng lõi của Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng. Theo thống kê thì cả bản chỉ có 6 hộ với 21 người, nhưng khi chúng tôi đến chỉ còn 4 hộ với 16 người.
Như bao chuyến đi khác, chúng tôi ghé thăm nhà trưởng bản, tặng quà và một ít bánh kẹo, nhu yếu phẩm cho đồng bào nơi đây và nghe kể về ngày xưa, kể về cây mít đã cứu cả làng thoát chết bởi trận lũ kỷ lục năm nào đó mà trưởng bản cũng không nhớ nổi. Cuộc sống tự cung tự cấp cùng lối sinh hoạt thật như rừng già của bà con nơi đây có lẽ đã tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi lên đường đến với hang Én.
Tạm biệt bản Đoòng, dọc theo nhánh suối cạn, chúng tôi đi hết trảng rừng thưa, dòng Rào Thương dữ dội hơn đã chặn ngang lối đi của chúng tôi. Nước chảy mạnh và xiết, cả đoàn phải bám chặt tay nhau, bấm chặt chân, bước thật chậm từng bước một, mũi chân luôn phải hướng song song với dòng nước để giảm lực tác động. Trên nền đất ven sông còn lại khá nhiều những vết chân thú, dễ dàng nhận biết chúng là dấu chân của một đàn sơn dương vừa mới qua đây.|
Men theo những bụi cây bên bờ sông, thêm dăm ba con suối, lẩn khuất sau tán rừng là cửa vào hang Én. Ngay trước cửa hang, dòng sông sâu và rộng hơn, xanh và tĩnh lặng hơn nhưng không hề yên ả bởi tiếng nước chảy rất lớn vang ra từ trong hang. Đứng trước cửa hang, bất kỳ ai có thân hình to con nhất cũng thấy mình thật bé nhỏ.
Cửa vào hướng Đông Nam của hang rộng gần 100m được ngăn đôi bởi trụ đá khổng lồ. Ngay tại cửa hang là bãi trầm tích đá cuội, đá sỏi khá đẹp. Do đó, chúng tôi phải soi đèn thật kỹ để san lấy một nền bằng phẳng làm chỗ ngả lưng cho bữa tối. Ăn xong, tôi đi ngủ sớm, mấy anh bạn bắt đầu mang lưới đi bắt cá chuẩn bị cho một đêm muộn nơi rừng thiêng nước độc.
Đến gần nửa đêm, cả đoàn bị đánh thức bởi hơn 1kg cá đã bắt được. Củi được thêm vào cho lửa to hơn phục vụ việc nướng cá, bữa tiệc đêm đã diễn ra rất nhẹ nhàng. Chỉ có một chút rượu vang, vài que pháo sáng, dăm con cá nướng cùng tiếng củi cháy lép bép. Chúng tôi ngồi sát lại với nhau hơn, phần cho bớt lạnh, phần để lắng nghe câu chuyện của người phu trầm khi xưa…
Hồ Khanh, người phu trầm khi xưa bắt đầu bằng cái giọng đặc trưng của xứ Quảng Bình. Anh kể về năm tháng đi tìm trầm, khi rừng già còn âm u và nhiều thú hoang. Bước chân đưa anh đến với hang Én nhiều lần, để một sáng thức dậy anh thấy gần chỗ ngủ của mình có nhiều vết chân giống dấu chân người nhưng to hơn và có đến sáu ngón. Câu chuyện về tiếng hát du vang vọng đâu đó của người đàn bà bị xã hội xưa xa lánh vì không chồng mà có thai như tiếng rên của những linh hồn rừng rú…
Đã quá nửa đêm, anh thôi kể để cho chúng tôi đi ngủ nhưng trong đầu mỗi người vẫn không thôi mường tượng từ những gì anh đã nói, biết đâu đó, sáng mai đây có dấu chân sáu ngón trên cát sỏi…
Khám phá hang Én, lần mò Sơn Đoòng
Bữa sáng trong hang là canh cá nấu cay, cả rau bí cũng chấm mắm cay. Đó là kinh nghiệm của dân đi rừng lão luyện, có ăn như vậy mới có sức mà đi, tránh ngã nước, tránh những trận ốm mà rừng sẵn sàng ban tặng cho ai xâm phạm. Chúng tôi để lại những đồ dùng không quá cần thiết, sao cho tư trang thật gọn nhẹ, hành trình khám phá hang Én bắt đầu.
Những bước chân đầu tiên vào bóng tối rất dễ gây choáng do chênh lệch ánh sáng rất lớn. Bước từng bước thật chắc, theo đúng những gì anh Hồ Khanh đã chỉ dặn rất cặn kẽ. Dưới chân chúng tôi có khi là đá sỏi, có khi là hố sâu, là nước, là bùn đất. Dòng Rào Thương uốn mình vào tận trong hang với dòng nước lạnh buốt và chảy rất xiết. Chúng tôi cầm chặt tay nhau để tránh bị dòng nước cuốn trôi.
Trong hang, có những chỗ có ánh sáng le lói. Chúng tôi nhận thấy rất nhiều phân chim én. Từ nền hang đến vách đá, thạch nhũ, đến cả dòng nước đều đầy rẫy dấu tích của mùa én làm tổ. Hang Én có tên từ đó. Khi xưa trong hang có tộc người Arem sinh sống, họ sống bằng cách lượm én con là những con yếu không thể bay được bị rơi xuống để làm thực phẩm. Bây giờ, dù hậu duệ của họ đã chuyển hết ra ngoài hang sinh sống và tản mác đi nhiều nơi trong rừng Trường Sơn. Nhưng cứ đến ngày 15/5 âm lịch là lại tụ hội về đây để lượm én và cúng bái thần rừng, thần núi, người đã ban nguồn sống cho dân tộc họ.
Trong hang có chừng ba hồ nước được ngăn cách bởi những bãi bồi nhỏ và dãy đá tảng xếp chồng chất lên nhau. Trên trần hang cũng như hai bên là muôn vàn thạch nhũ với đủ lại hình thù và màu sắc. Từ cửa hang đi sâu vào chừng 1km chúng tôi gặp một hố sâu trầm tích bị sụt đã tạo ra giếng trời, nắng chiếu rọi xuống mặt nước xanh một màu ngọc bích vẽ nên bức tranh tuyệt sắc cho cảnh vật nơi đây.
Lối ra hang Én là một vòm cửa gần tròn đẹp đến mê hoặc. Chúng tôi gặp một thân cây rất to phải đến vài người ôm chắn ngang lối đi, bên cạnh đó cây chuối rừng đã mọc được hai lá. Đây là bằng chứng về mùa lũ, để biết Rào Thương mạnh mẽ và dữ dội nhường nào. Băng qua dòng sông chắn ngang lối ra là chúng tôi đã chinh phục thành công hang Én. Không dễ gì dừng lại, khi trí tò mò cùng óc phiêu lưu mạo hiểm trong chúng tôi trỗi dậy mạnh mẽ. Anh Hồ Khanh đã bị thuyết phục khi nhận lời đưa chúng tôi tới Sơn Đoòng. Men theo hai bên bờ sông, có nhiều đoạn đất lún tận đầu gối, Hồ Khanh phải băng sang trước rồi căng dây thừng để chúng tôi bám vào đó mà đi theo.
Vượt thêm rất nhiều đoạn sông như thế, thêm hàng chục mỏm đá lởm chởm, chúng tôi đến được Sơn Đoòng. Đứng trước cửa hang, luồng gió mạnh thốc ra từ phía trong phả vào mặt, vuốt dọc sống lưng như dội vào tâm trí mỗi người lòng ngưỡng vọng đến tột cùng với thiên nhiên, như hối thúc bản năng khám phá của loài người. Và có lẽ, điều tiếc nhất của chuyến đi là chúng tôi đã không có đủ trang thiết bị chuyên dụng cần thiết để có thể vào được hang. Chúng tôi đành ngậm ngùi quay lại hang Én và ngủ thêm một đêm ở đây.
Sáng thức giấc, vẫn nguyên vẹn cảm giác tiếc nuối của ngày hôm qua, đoàn chúng tôi theo lối cũ ngược trở ra. Từng đàn chim rừng đua nhau hót trong cái nắng ban mai tinh khiết của núi rừng, đàn voọc ngũ sắc đánh đu chuyền cành trên cây, cùng những bình yên của cuộc sống đồng bào Vân Kiều đã đánh thẳng vào tâm trí mỗi chúng tôi. Để không nói mà đều tự mình đặt một cái hẹn: Sơn Đoòng, sẽ quay lại, nhất định sẽ quay lại…!
Không như những chuyến đi khác, tôi khá vất vả để tìm được những bạn đồng hành cho chuyến đi kén người này…
Chúng tôi phải luyện tập thể lực cho hành trình rất ít kinh nghiệm được kể lại và đã nghe tin về những kẻ phải bỏ cuộc…/.
Lịch trình:
Ngày 0: Hà Nội-thành phố Đồng Hới (Quảng Bình): bắt xe khách đêm từ Hà Nội.
Ngày 1: Thành phố Đồng Hới-Vườn Quốc gia Phong Nha, Kẻ Bàng-Động Tám Cô-Bản Đoòng-Hang Én.
Ngày 2: Khám phá Hang Én và nhưng khu vực xung quanh.
Ngày 3: Hang Én-Bản Đoòng-Vườn Quốc gia-lên xe khách trở về Hà Nội.