Theo các bậc cao niên của làng Trát Cầu (xã Tiên Phong, huyện Thường Tín, Hà Nội), nghề làm chăn bông đã có ở làng cách đây khoảng 500-600 năm. Đến nay, nghề truyền thống này vẫn được duy trì và cải tiến để làm sản phẩm phong phú hơn (chăn, ga, gối, đệm...)
Trước kia, người dân Trát Cầu chuyên làm sản phẩm chăn bông và mỗi ngày chỉ làm được từ 1-2 sản phẩm/người. Nhưng chục năm trở lại đây, bắt theo xu hướng của người tiêu dùng, người dân làng nghề Trát Cầu đã nhập móc máy hiện đại để tăng năng suất lao động và tạo ra sản phẩm phong phú hơn như ga, đệm, gối…
Anh Nguyễn Văn Đức, chủ xưởng sản xuất thương hiệu Sochi, đã có 15 năm làm nghề, cho biết để làm được một sản phẩm, công nhân phải làm khoảng 20 công đoạn mới hoàn thành. Mỗi công đoạn đều đòi hỏi người làm sự cẩn thận và khéo léo.
Nguyên liệu vải bông được dùng làm chăn, gối, đệm được nhập từ Sài Gòn với chất lượng đảm bảo được độ mịn rồi cho vào máy nghiền thành những lớp bông trắng, xốp. Sau khi có được những lớp bông như ý, công nhân sẽ dùng máy căng lớp bông tùy theo kích thước về chiều dài và độ dày để nhồi vào một lớp vải trắng.
Công đoạn tiếp theo là khâu các đường viền để bông bên trong không bị xô. Sau đó đem làm phẳng lớp chăn một lần nữa trước khi nhét vào ga và cho vào bao bì để chuyển đi bán.
Theo ông Đỗ Duy Lâm, Trưởng thôn 6 làng Trát Cầu, hiện nay ở Trát Cầu có khoảng 1.200 hộ dân thì có 80% số hộ làm nghề sản xuất chăn, ga, gối, đệm bằng máy móc hiện đại, có thu nhập hàng năm từ 500-700 triệu đồng/hộ. Bên cạnh đó, nghề này còn tạo công ăn việc làm cho người dân với mức lương dao động từ 5-7 triệu đồng/người/tháng.
Các sản phẩm chăn, ga, gối, đệm của người dân Trát Cầu đã được phân phối tại nhiều tỉnh trong nước và xuất khẩu sang một số nước như Lào, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Nga…./.