Sáng 25/10, các đại biểu Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng Hình sự. Theo chương trình, dự án Luật sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 2.
Việc sửa đổi này nhằm bảo đảm đúng lộ trình thực hiện cam kết của Việt Nam trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và yêu cầu theo Nghị quyết số 72/2018/QH14 của Quốc hội.
Đồng thời, việc ban hành Luật đáp ứng yêu cầu của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nói riêng và quy định phù hợp với thực tiễn trong trường hợp thiên tai, dịch bệnh bất khả kháng nói chung.
Một số nội dung sửa đổi đáng chú ý trong Bộ luật là về quy định công an xã được kiểm tra, xác minh sơ bộ trong tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm như công an phường, thị trấn, đồn công an; bổ sung căn cứ tạm đình chỉ khởi tố, điều tra, truy tố “vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh;” về thẩm quyền có thể khởi tố vụ án hình sự về hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu mà không cần có yêu cầu của người bị hại.
Giải quyết vụ việc ngay tại cơ sở
Hiện nay, tất cả công an xã đã được Bộ Công an tổ chức chính quy, đóng vai trò quan trọng trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự xã hội, xử lý ngay các vụ việc tại địa bàn cơ sở.
Tuy nhiên, khoản 3, Điều 146 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 hiện hành chưa quy định công an xã được kiểm tra, xác minh sơ bộ trong tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm như công an phường, thị trấn, đồn công an.
Việc này dẫn đến công an xã chưa phát huy tốt được vai trò chính quy; không kịp thời giảm tải khối lượng công việc rất lớn cho Cơ quan điều tra Công an cấp huyện ở các địa phương trong tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
Là cơ quan chủ trì soạn thảo sửa đổi Bộ luật này, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đề nghị bổ sung trách nhiệm kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm đối với công an xã (tương đương với trách nhiệm của công an phường, thị trấn, đồn công an).
Theo Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, hiện Bộ Công an đã bố trí công an chính quy đảm nhiệm các chức danh công an xã nên việc sửa đổi, bổ sung trách nhiệm của công an xã giống như công an phường, thị trấn, đồn công an là phù hợp và cần thiết.
Việc giao thêm trách nhiệm cho công an xã sẽ phát huy nguồn lực của lực lượng này trong việc kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo tiếp nhận được và tạo điều kiện giải quyết kịp thời các vụ việc ngay từ giai đoạn mới phát hiện.
Làm rõ hơn về vấn đề này, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, cho rằng xã, phường đứng về mặt hành chính là ngang nhau, nhưng hiện quy mô công an phường, thị trấn rất lớn.
Quy mô của xã chỉ bằng 1/5 của phường, nhưng thực tế có nhiều xã phức tạp hơn phường nhiều. Như những xã đang đô thị hóa, xã ven đô, xã vùng sâu, vùng xa, vùng phức tạp; có những xã đi trong xã không thôi cũng gần trăm cây số.
"Nếu chúng ta không tổ chức việc này, người dân chưa bao giờ được hưởng thụ những vấn đề bảo đảm về an ninh, trật tự, những bức xúc của người dân không được giải quyết, mà lên huyện càng xa... Gần dân, sát dân của cấp xã là rất quan trọng," Bộ trưởng lý giải.
Gần 2 năm qua, Bộ Công an đã điều động khoảng 45.000 công an chính quy xuống 100% xã, đạt tỷ lệ trung bình 5,2 công an chính quy/xã; có xã 5 người, có xã 7-8 người.
Có xã thuộc huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh có 50 cán bộ, chiến sỹ công an, vì xã có tới 130.000 dân, gần bằng nửa tỉnh khác, có 2.000 khách sạn. Nếu công an xã chính quy chỉ 5 người sẽ không đảm bảo công việc.
Bộ trưởng Tô Lâm cho biết thêm trong số cán bộ công an chính quy, trên 50% có trình độ đại học, trên 71% từng làm công tác điều tra hoặc liên quan điều tra hình sự.
Vừa qua, Bộ Công an tiếp tục tăng cường gần 400 cán bộ xuống các xã biên giới. Đây là nơi mà những vấn đề liên quan an ninh, biên giới, tôn giáo, dân tộc, dịch COVID-19 rất phức tạp.
[Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV: Thảo luận 3 dự án Luật]
Thực tế, từ ngày 1/10/2017 đến tháng 6/2021, công an xã đã xử lý hơn 283.000 tin báo tố giác tội phạm (chiếm trên 60%), chủ yếu những vụ việc xảy ra ở địa bàn cơ sở như: trộm cắp tài sản, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng...
Nếu không phân cấp cho xã rất khó khăn, bởi vì những vấn đề này cần giải quyết từ sớm, từ xa; nếu kéo dài không giải quyết có thể dẫn đến một vụ án hình sự khác.
Trung bình một năm, một công an xã chính quy tiếp nhận 0,84% tố giác, tin báo tội phạm; Công an phường, thị trấn tiếp nhận 1,3%. Bộ trưởng khẳng định, khi sắp xếp lại, đưa cán bộ tăng cường xuống xã, Bộ Công an không tăng biên chế mà chỉ tính toán trong nội bộ...
Về cơ sở vật chất, Bộ Công an sẽ phối hợp với các địa phương để đảm bảo đội ngũ công an xã được chăm lo, định hướng, phân công, phân cấp đảm nhiệm những công việc ở xã một cách tốt nhất.
Bổ sung căn cứ tạm đình chỉ vì lý do thiên tai, dịch bệnh
Dự án Luật cũng đề nghị sửa đổi về vấn đề bổ sung căn cứ tạm đình chỉ khởi tố, điều tra, truy tố “vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh."
Về nguyên nhân, ảnh hưởng của tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ở nhiều tỉnh, thành phố, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách trong thời gian dài đã ảnh hưởng đến công tác kiểm tra, xác minh các vụ việc trong giai đoạn tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; việc tiến hành các hoạt động điều tra trong giai đoạn điều tra và việc tiến hành các hoạt động tố tụng trong giai đoạn truy tố của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng bị trì hoãn, kéo dài do không thể tiến hành các hoạt động cần thiết để chứng minh hành vi phạm tội của người người phạm tội để quyết định việc khởi tố hoặc kết luận điều tra hoặc truy tố.
Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao cho rằng dự báo trong thời gian tới, Việt Nam cũng như các nước khác trên thế giới sẽ còn phải chịu những tác động khó lường do biến đổi cực đoan của khí hậu và tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp do chưa kiểm soát được đại dịch COVID-19 và nguy cơ phát sinh các loại dịch bệnh khác nguy hiểm, có khả năng lây nhiễm cao hơn.
Việc bổ sung căn cứ tạm đình chỉ này sẽ tạo cơ sở pháp lý để giải quyết những khó khăn, vướng mắc cấp bách từ thực tiễn hiện nay cũng như khả năng phát sinh trong thời gian tới.
Đồng thời, bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân trong các trường hợp này, bởi sẽ có căn cứ pháp luật cho phép: khi không thể tiến hành được các hoạt động tố tụng thì cơ quan tiến hành tố tụng được tạm đình chỉ và không tiếp tục áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế đối với người bị buộc tội; đồng thời, tạo cơ chế tố tụng để các cơ quan tiếp tục theo dõi, quản lý được vụ án, vụ việc tạm đình chỉ theo quy định của pháp luật; đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm; tránh được việc để xảy ra oan, sai; bỏ lọt tội phạm, người phạm tội.
Để bảo đảm áp dụng thống nhất, chặt chẽ, tránh lạm dụng, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí kiến nghị Quốc hội giao Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan quy định chi tiết việc tạm đình chỉ trong các trường hợp này.
Sửa luật để đảm bảo các cam kết quốc tế
Cũng trong dự án Luật sửa đổi, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao nhận thấy quy định tại Khoản 1, Điều 155 và Khoản 8, Điều 157 Bộ luật Tố tụng Hình sự chưa tương thích với Hiệp định CPTPP về nội dung liên quan đến việc cho phép cơ quan có thẩm quyền có thể khởi tố vụ án hình sự về hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu mà không cần có yêu cầu của người bị hại.
Hiệp định CPTPP quy định, các quốc gia thành viên cho phép cơ quan có thẩm quyền có thể chủ động thực hiện hành động pháp lý mà không cần có khởi kiện chính thức từ người thứ ba hay chủ thể quyền đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp về nhãn hiệu.
Theo báo cáo thẩm tra tờ trình của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, đa số ý kiến đề nghị chỉ sửa đổi để bãi bỏ nội dung về hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu, không sửa đổi quy định liên quan đến chỉ dẫn địa lý.
Các đại biểu cho rằng chính sách hình sự nhất quán của Nhà nước ta từ trước đến nay là đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp về chỉ dẫn địa lý (thuộc loại tội ít nghiêm trọng), quy định tại khoản 1 các điều tương ứng của Bộ luật Hình sự, chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của bị hại là trên cơ sở cân nhắc lợi ích của bị hại, dành cho họ quyền lựa chọn xử lý hoặc không xử lý bằng biện pháp hình sự.
Trường hợp phạm tội có mức độ nghiêm trọng hơn, theo quy định của pháp luật tố tụng từ trước đến nay, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chủ động khởi tố mà không phụ thuộc vào yêu cầu khởi tố của bị hại.
Thực tiễn thực hiện các quy định này theo báo cáo tổng kết của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đều thuận lợi, hiện nay chỉ phát sinh vướng mắc duy nhất là Bộ luật Tố tụng hình sự chưa tương thích với Hiệp định CPTPP.
Xuất phát từ mục đích xây dựng dự án luật là bảo đảm cam kết của Việt Nam trong Hiệp định CPTPP, do đó, chỉ thực hiện đúng phạm vi yêu cầu của hiệp định về hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu, không đặt vấn đề đối với chỉ dẫn địa lý.
Ý kiến của Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ; ý kiến tham gia thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Đối ngoại đều đề nghị cân nhắc kỹ việc sửa đổi này./.