Các nhà giáo vừa dạy lý thuyết vừa dạy thực hành; nhà giáo là nghệ nhân; dạy thực hành các nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; dạy cho người khuyết tật sẽ được nhận thêm phụ cấp.
Đó là nội dung dự thảo Nghị định quy định phụ cấp đặc thù cho nhà giáo do Bộ lao động, Thương binh và Xã hội soạn thảo.
Nghị định áp dụng đối với nhà giáo (kể cả những người trong thời gian thử việc, hợp đồng) đang giảng dạy trong các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trường trung cấp, trường cao đẳng; trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp công lập.
Theo dự thảo, nhà giáo vừa dạy lý thuyết vừa dạy thực hành được hưởng mức phụ cấp 0,1 so với mức lương cơ sở, được tính theo số giờ dạy tích hợp thực tế.
Nghệ nhân (là những người được Nhà nước xét, phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú trở lên), người có trình độ kỹ năng nghề cao (có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia bậc 4 trở lên hoặc bậc thợ 5/6, 6/7 trở lên) được hưởng mức phụ cấp bằng 20% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).
Nhà giáo trực tiếp giảng dạy người khuyết tật theo phương thức giáo dục chuyên biệt trong các trường, lớp dành cho người khuyết tật, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập được hưởng hệ số phụ cấp trách nhiệm 0,3 so với mức lương cơ sở.
Nhà giáo trực tiếp giảng dạy người khuyết tật theo phương thức giáo dục hòa nhập trong các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp được hưởng hệ số phụ cấp trách nhiệm 0,2 so với mức lương cơ sở và tính theo số giờ thực tế giảng dạy ở lớp có người khuyết tật.
Nhà giáo dạy thực hành tại phòng thực hành, xưởng thực hành của cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp với những nghề có một trong các yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm cũng được hưởng phụ cấp.
Mức phụ cấp của nhà giáo chia thành bốn cấp độ, từ 0,1 đến 0,4 so với mức lương cơ sở, tương ứng với nghề có từ một đến 4 yếu tố trong các yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm quy định tại Nghị định.
Phụ cấp được trả cùng kỳ lương hàng tháng cho nhà giáo và không dùng để tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.
Dự thảo đang được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội lấy ý kiến để hoàn thiện trước khi ban hành chính thức./.