Kinh tế Anh đón nhận thêm những dấu hiệu tăng trưởng chậm lại trong mùa Hè năm nay, sau khi các số liệu vừa công bố ngày 5/7 cho thấy lĩnh vực dịch vụ của Xứ sở sương mù trong tháng Sáu vừa qua tăng ở mức thấp nhất trong bốn tháng trở lại đây, trong khi năng suất giảm trở lại ngưỡng trước khủng hoảng.
Phóng viên TTXVN tại Anh dẫn khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường Markit cho hay chỉ số các nhà quản trị mua hàng (PMI) trong lĩnh vực dịch vụ HIS Markit/CIPS đã giảm từ 53,8 điểm trong tháng 5/2017 xuống còn 53,4 điểm trong tháng 6/2017.
[Vị trí trung tâm tài chính hàng đầu của Anh bị lung lay vì Brexit]
Lĩnh vực dịch vụ, động cơ tăng trưởng chủ chốt của kinh tế Anh và hiện đóng góp tới 80% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), đã trải qua 11 tháng tăng liên tiếp, song lòng tin của các doanh nghiệp và tiêu dùng Anh trong tháng Sáu đã giảm đáng kể, do tác động của cuộc tổng tuyển cứ sớm hôm 8/6 vừa qua cùng với những bất ổn liên quan đến Brexit - việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU).
Lòng tin của giới doanh nghiệp đã giảm xuống mức thấp thứ hai kể từ tháng 12/2011.
Theo các chuyên gia kinh tế, kết quả các khảo sát PMI gần đây cho thấy sau khi đạt mức tăng 0,2% trong quý I/2017, GDP của Anh đang hướng tới mức tăng trưởng 0,4% trong quý 2/2017 và có thể sẽ tăng trưởng chậm hơn trong quý 3/2017.
Cùng ngày, số liệu thống kê của Văn phòng Thống kê quốc gia Anh (ONS) cho hay năng suất lao động đã giảm trở lại mức trước khủng hoảng.
Cụ thể, trong ba tháng đầu năm 2017, năng suất lao động (tính theo giờ) giảm 0,5%, lần giảm đầu tiên kể từ cuối năm 2015. Tình trạng năng suất lao động giảm sút trong quý 1/2017 cho thấy khả năng của nền kinh tế Anh trong việc tạo ra của cải vật chất đã giảm xuống dưới mức của năm 2007.
Giới phân tích cho rằng trong bối cảnh kinh tế Anh không thể tạo ra của cải một cách hiệu quả, những mâu thuẫn và tranh cãi xung quanh vấn đề chi tiêu của chính phủ, trả lương trong lĩnh vực công và các biện pháp khắc khổ sẽ trở nên gay gắt hơn.
Trong khi đó, nội bộ Chính phủ Anh tiếp tục cho thấy những bất đồng.
Ngày 5/7, Thủ tướng Anh Theresa May đã lên tiếng bảo vệ chính sách khắc khổ mà chính phủ của bà đang theo đuổi.
Các nhà phân tích đánh giá đây là dấu hiệu cho thấy sự chia rẽ trong nội bộ chính giới Anh về chính sách thắt chặt chi tiêu công được London áp dụng trong suốt 7 năm qua.
Bà khẳng định chính phủ đang cân nhắc kỹ lưỡng việc điều chỉnh lương có tính tới lợi ích của người hưởng lương ngân sách và người nộp thuế.
Trước đó, thủ lĩnh Công đảng đối lập Jeremy Corbyn đã cáo buộc chính phủ không quan tâm tới việc tăng lương cho giáo viên, nhân viên y tế và nhân viên trong các lĩnh vực công khác.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Boris Johnson, Bộ trưởng Quốc phòng Michael Fallon và Bộ trưởng Môi trường Michael Gove đều ủng hộ tăng lương cho khoảng 5 triệu nhân viên./.