Ngày 20/3, thêm nhiều ca nhiễm mới virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) được ghi nhận ở nhiều nước như Ấn Độ, Ai Cập, Indonesia. Chính phủ các nước đã ban bố lệnh phong tỏa hoặc giới nghiêm, trong một nỗ lực nhằm hạn chế sự lây lan của dịch COVID-19.
Australia phong tỏa các cộng đồng bản địa
Chính phủ Australia đã xúc tiến phong tỏa các cộng đồng bản địa ở những vùng xa xôi của đất nước nhằm ngăn chặn dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lây lan trong nhóm dân dễ bị tổn thương này.
Thủ tướng Scott Morrison cho biết ông xúc tiến hành động để hạn chế hoạt động ra vào các cộng đồng bản địa trên. Theo đó, các bang và vùng lãnh thổ trừ sẽ xác định các cộng đồng cần phong tỏa.
Các chuyên gia y tế Australia đã cảnh báo rằng tỷ lệ mắc các bệnh mãn tính cao, nhà ở quá đông đúc và tình trạng ít được tiếp cận các cơ sở y tế trong các cộng đồng bản địa xa xôi có thể làm trầm trọng thêm tác động của dịch COVID-19.
Australia đến nay đã ghi nhận 785 ca nhiễm COVID-19, chủ yếu ở các khu vực thành thị.
Indonesia thêm 52 ca nhiễm, thủ đô Jakarta phong tỏa 3 tuần
Trước đó, ngày 19/3, Tổng thống Indonesia Joko Widodo 9/3 đã ra lệnh cho Lực lượng đặc nhiệm chống dịch COVID-19 và các cơ quan liên quan tiến hành xét nghiệm trên diện rộng trong bối cảnh nước này ghi nhận số ca mắc bệnh tăng nhanh chỉ trong một thời gian ngắn.
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, phát biểu trong cuộc họp trực tuyến, Tổng thống Widodo yêu cầu “tiến hành xét nghiệm nhanh trên quy mô lớn nhằm phát hiện các trường hợp nhiễm bệnh trong thời gian sớm nhất.”
Tổng thống cũng chỉ thị Lực lượng đặc nhiệm chống COVID-19 và Bộ Y tế phối hợp với các bệnh viện công-tư, các công ty nhà nước, quân đội, cảnh sát quốc gia, chính quyền địa phương và các viện nghiên cứu được chỉ định để triển khai chiến dịch xét nghiệm virus SARS-CoV-2.
Một doanh nghiệp nhà nước của Indonesia đang chờ Bộ Y tế nước này chấp thuận việc nhập khẩu 500.000 bộ xét nghiệm nhanh COVID-19 từ Trung Quốc.
Trong diễn biến liên quan, Chính phủ Indonesia thông qua Bộ Các doanh nghiệp nhà nước (BUMN) đang kêu gọi các tình nguyện viên và nhân viên y tế tham gia Lực lượng đặc nhiệm chống dịch COVID-19 nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Người phát ngôn Phủ Tổng thống Fadjroel Rahman cho biết các tình nguyện viên sẽ được triển khai nhằm đảm trách các công việc hậu cần và các hoạt động cần thiết khác, đặc biệt là khi các bệnh viện được chỉ định chữa trị COVID-19 rơi vào tình trạng quá tải.
Các tình nguyện viên cho Lực lượng đặc nhiệm COVID-19 sẽ được lựa chọn dựa theo 4 tiêu chí, trong đó giới hạn dưới 40 tuổi, có giấy chứng nhận đủ sức khỏe, không hút thuốc và được gia đình cho phép.
Cũng trong ngày 19/3, Thống đốc Jakarta Anies Baswedan đã ban hành lệnh phong tỏa trong vòng 3 tuần tới, tất cả người dân Jakarta không được phép rời khỏi khu vực thủ đô trừ trường hợp khẩn cấp.
Lệnh cấm trên được đưa ra trong bối cảnh thủ đô Jakarta là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 với 208 ca mắc bệnh và 17 ca tử vong, chiếm tới 68% trong tổng số ca tử vong trên toàn quốc.
[Tinh thần Đức trong sứ mệnh lịch sử chống đại dịch COVID-19]
Thống đốc Anies cho rằng giải pháp hiệu quả nhất nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan là giữ khoảng cách an toàn khi gặp mặt, đồng thời yêu cầu các quan chức địa phương hạn chế tiếp xúc với người dân.
Thống đốc Anies cũng quyết định trong hai tuần tới, tạm dừng các hoạt động tôn giáo như các buổi cầu nguyện vào thứ Sáu và Chủ nhật hằng tuần.
Tính tới 12 giờ trưa 19/3, Indonesia đã ghi nhận thêm 52 trường hợp mới dương tính với virus SARS-CoV-2, nâng tổng số người mắc COVID-19 lên 309 người, với 25 ca tử vong.
Tỷ lệ tử vong tại Indonesia cao hơn so với ghi nhận tại các quốc gia Đông Nam Á khác.
Chủ tịch Hội Chữ Thập Đỏ Indonesia Jusuf Kalla cảnh báo nước này có thể ghi nhận số ca mắc COVID-19 cao hơn so với số ca thông báo hiện nay do tỷ lệ xét nghiệm còn thấp.
Ai Cập, Ấn Độ, Sri Lanka áp lệnh giới nghiêm, Thổ Nhĩ Kỳ cấm tụ tập
Trong ngày 19/3, Bộ Y tế Ai Cập đã xác nhận thêm 46 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nâng tổng số ca tại nước này lên 256 trường hợp, trong đó có 7 ca tử vong.
Trong số các ca nhiễm mới, có 4 người nước ngoài, 42 người Ai Cập từng tiếp xúc với những ca nhiễm trước đó.
Ca tử vong mới nhất do COVID-19 tại Ai Cập là một cụ ông 68 tuổi.
Nhằm ngăn ngừa sự lây lan của virus, Nội các Ai Cập ngày 19/3 đã quyết định tạm thời đóng cửa các quán cà phê, câu lạc bộ, trung tâm mua sắm, nhà hàng và các điểm giải trí từ tối hôm trước đến sáng hôm sau.
Tại Ấn Độ, Bộ Y tế liên bang Ấn Độ cho biết số người nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở nước này trong ngày 20/3 là 199 người, tăng 22 trường hợp so với tối 19/3.
Theo bộ trên, trong tổng số ca nhiễm COVID-19 có 163 trường hợp là công dân Ấn Độ và 32 người nước ngoài. Đến thời điểm hiện tại, Ấn Độ đã ghi nhận 4 ca tử vong vì COVID-19.
Thủ tướng Narendra Modi ngày 19/3 đã kêu gọi áp dụng lệnh giới nghiêm tự giác trong ngày 22/3 để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. Theo lệnh mới, việc giới nghiêm sẽ do người dân tự giác thực hiện và giám sát.
Phát biểu trên truyền hình, Thủ tướng Modi tuyên bố lệnh giới nghiêm sẽ có hiệu lực từ 7 giờ đến 21 giờ ngày 22/3, nhưng biện pháp này có thể sẽ kéo dài trong nhiều tuần tiếp theo.
Thủ tướng Modi cho rằng cần phải áp dụng lệnh giới nghiêm bởi phần lớn người dân không tuân thủ các tiêu chuẩn giữ khoảng cách giao tiếp nhằm hạn chế lây lan đại dịch.
Ông kêu gọi toàn dân cảnh giác và nâng cao nhận thức về sự nguy hiểm của dịch bệnh.
Trong bối cảnh dịch bệnh đã lan ra nhiều quốc gia, ông đánh giá công tác phòng chống dịch tại quốc gia có trên 1,3 tỷ dân như Ấn Độ là thách thức không nhỏ. Do đó, Thủ tướng Ấn Độ yêu cầu người dân trong thời gian tới ở nhà càng nhiều càng tốt và những người trên 60 tuổi không được ra khỏi nhà.
Trong một diễn biến liên quan, Chính phủ Sri Lanka đã ban bố lệnh giới nghiêm toàn quốc, bắt đầu vào lúc 6 giờ chiều 20/3 và kết thúc lúc 6 giờ sáng 23/3 (theo giờ địa phương) để hạn chế sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại quốc đảo này.
Trong một tuyên bố, Phủ Tổng thống Sri Lanka đã kêu gọi tất cả người dân nước này tuân thủ lệnh giới nghiêm và ở trong nhà.
Hôm 19/3, Tổng thống Gototti Rajapaksa đã công bố quy định làm việc tại nhà 7 ngày, bắt đầu từ 20/3, trong một nỗ lực kêu gọi mọi người ở nhà. Các quan chức chính phủ cho biết quy định này sẽ kéo dài đến ngày 27/3 tới.
Cho đến nay, Sri Lanka đã xác nhận 59 bệnh nhân mắc COVID-19, trong khi hơn 230 người vẫn đang được theo dõi tại các bệnh viện trên cả nước.
Reuters đưa tin, ngày 20/3, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã ban bố một sắc lệnh ngừng mọi sự kiện liên quan tới văn hóa, nghệ thuật và khoa học trong bối cảnh nước này đang tìm cách kìm hãm sự gia tăng các ca nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Theo sắc lệnh trên, toàn bộ hoạt động tụ tập trong nhà hay ngoài trời liên quan tới văn hóa, nghệ thuật và khoa học, cũng như các lĩnh vực tương tự sẽ phải hoãn đến cuối tháng Tư.
Trước đó, Bộ trưởng Y tế Thổ Nhĩ Kỳ Fahrettin Koca thông báo đã có 4 ca tử vong do COVID-19, trong khi số ca nhiễm mới tăng mạnh kể từ khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên vào tuần trước, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 359 tính đến ngày 19/3./.