Thêm nguồn thu nhập bền vững từ rừng cho người dân Kon Tum

Từ khi được giao khoán, người dân đã ý thức và chưa để mất diện tích rừng. Thay vào đó, diện tích rừng trên địa bàn ngày càng được tăng lên do người dân có nhu cầu trồng thêm rừng rất cao.
Thêm nguồn thu nhập bền vững từ rừng cho người dân Kon Tum ảnh 1Trồng rừng đem lại nguồn thu ổn định cho người dân. (Ảnh: Nam Sương/TTXVN)

Thông qua chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, nhiều hộ gia đình, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã tích cực tham gia bảo vệ và phát triển rừng.

Qua đó, góp phần giữ vững “lá phổi xanh” và có thêm nguồn thu nhập bền vững từ rừng, từng bước nâng cao kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Đồng lòng giữ rừng

Theo Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum Hồ Thanh Hoàng, việc triển khai chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã đã tác động tích cực đến đời sống của người dân, nhất là cộng đồng dân cư thôn, người dân sống trong rừng, gần rừng, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Người dân có quyền lợi, nghĩa vụ trong quản lý, bảo vệ rừng, từng bước nhận thức về tầm quan trọng của rừng trong cộng đồng. Từ đó, người dân sẽ xem rừng như là nhà và tích cực trong việc tham gia bảo vệ, phát triển rừng, tăng giá trị hưởng lợi trực tiếp từ rừng.

[Xây dựng nguồn nguyên liệu gỗ bền vững phục vụ xuất khẩu]

Đơn cử như tại làng K’Bay, xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy, chính quyền địa phương đã thực hiện giao khoán hơn 36ha rừng cho cộng đồng dân cư tại làng để quản lý, bảo vệ. Hằng tháng, làng sẽ phân công 2-3 người đi tuần tra khu vực rừng được giao khoán.

Anh A Hứu (41 tuổi, làng K’Bay, xã Hơ Moong) chia sẻ khu vực rừng được chính quyền địa phương giao khoán ở đầu nguồn nước cấp sinh hoạt cho cả làng.

Đối với người đồng bào Jarai nơi đây, nguồn nước dùng phục vụ mùa màng và đời sống sinh hoạt, mang đến sức khỏe, sự bình an cho người dân.

Vì vậy, người dân luôn xem việc bảo vệ rừng như bảo vệ nguồn sống của bà con trong làng; nếu phát hiện những đối tượng khả nghi, người dân sẽ lập tức báo với cơ quan chức năng để tiến hành xử lý.

Ngoài ra, một trong những nguyên nhân khiến người dân tại làng K’Bay luôn hăng hái tham gia bảo vệ rừng chính là tục lệ của làng. Theo đó, khi phát hiện một trường hợp có hành vi phá rừng, dân làng sẽ đưa ra hình phạt rất nặng để răn đe và làm gương cho những người khác.

Già làng A Hliuh (làng K’Bay, xã Hơ Moong) chia sẻ gần đây có một trường hợp người dân thực hiện chặt 2 cây để làm nhà, khi phát hiện, dân làng đồng ý đưa ra hình phạt là đóng góp một con lợn và tiền bồi thường.

Những hình phạt thật nặng sẽ góp phần giúp dân làng nâng cao ý thức, không thực hiện các hành vi phá rừng.Thay vào đó, người dân tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ, phát triển rừng.

Khi đã làm bảo vệ, phát triển rừng hiệu quả, cộng đồng làng sẽ nhận được tiền từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và phục vụ vào các hoạt động cộng đồng.

Hướng đến phát triển rừng bền vững

Hiện, diện tích được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn xã Hơ Moong là 38,5ha; trong đó, cộng đồng dân cư thôn được xã giao khoán 32,4ha. Mỗi năm, cộng đồng được hưởng hơn 58 triệu đồng nhờ vào tiền dịch vụ môi trường rừng.

Thêm nguồn thu nhập bền vững từ rừng cho người dân Kon Tum ảnh 2Sản lượng khai thác gỗ rừng trồng toàn tỉnh Tuyên Quang bình quân trên 17m3/ha/năm. (Ảnh minh họa: Nam Sương/TTXVN)

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Hơ Moong Phạm Hồng Việt cho biết, việc giao khoán rừng để cộng đồng dân cư bảo vệ, quản lý là một việc làm đúng đắn, góp phần mang lại hiệu quả cao trong bảo vệ rừng.

Từ khi được giao khoán, người dân đã ý thức và chưa để mất diện tích rừng. Thay vào đó, diện tích rừng trên địa bàn ngày càng được tăng lên do người dân có nhu cầu trồng thêm rừng rất cao.

Trong năm 2021, xã Hơ Moong đã trồng và phát triển được hơn 200ha rừng mới, vượt xa chỉ tiêu Ủy ban Nhân dân tỉnh Kon Tum đã đề ra.

Năm 2022, xã dự kiến trồng thêm 80ha rừng trên diện tích trống, đồi trọc thuộc diện tích quy hoạch đất lâm nghiệp. Qua đó, góp phần mang lại màu xanh bền vững cho những cánh rừng tại địa phương.

Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum Hồ Thanh Hoàng cho biết, Chi trả dịch vụ môi trường rừng là chính sách đột phá của Nhà nước, từng bước đi vào cuộc sống của bà con nhân dân.

Việc thực hiện hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã tạo ra bước đột phá về nguồn lực tài chính để bảo vệ và phát triển rừng. Từ đó, góp phần phục hồi, làm giàu tài nguyên rừng và có thêm thu nhập người dân vùng sâu, vùng xa, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.

Ông Hồ Thanh Hoàng cho biết thêm để tiếp tục thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh ngày càng hiệu quả, đơn vị sẽ chủ động, tiếp tục phối hợp với các sở, ngành tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh trong việc chỉ đạo, điều hành thực hiện chính sách theo quy định của nhà nước và phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương.

Đồng thời, tổ chức các hội nghị tuyên truyền chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, kết hợp tập huấn quản lý, sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng trong phát triển sinh kế tại các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum cùng phối hợp với các Hạt Kiểm lâm, các Ủy ban Nhân dân xã, thị trấn xây dựng bản đồ chi trả dịch vụ môi trường rừng và xác định diện tích rừng được chi trả cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn và các ủy ban nhân dân xã, thị trấn.

Từ đó, giúp các cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư phát triển sinh kế, nâng cao đời sống, xây dựng khu dân cư sinh ngày càng giàu mạnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục