Thêm nguồn quỹ hỗ trợ bệnh nhân lao có hoàn cảnh khó khăn

Lao thực sự là một vấn đề ảnh hưởng đến kinh tế từng gia đình nói riêng và đất nước nói chung. Đầu tư cho chấm dứt bệnh lao là đầu tư cho phát triển bền vững.
Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao Quốc gia phát biểu khai mạc. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Tối 23/3, tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ (Hà Nội), Bệnh viện Phổi Trung ương, Chương trình Chống lao Quốc gia tổ chức sự kiện trực tuyến hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống lao (24/3), ra mắt trang thông tin điện tử và phát động ủng hộ Quỹ hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao.

Tham dự trực tiếp tại đầu cầu Hà Nội có Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chấm dứt bệnh lao; đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương, Tổ chức Y tế thế giới, các đối tác trong nước và quốc tế.

Tham dự trực tuyến thông qua phần mềm Zoom là các đơn vị chống lao lại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tổ chống lao tại tuyến huyện trong cả nước.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình chống lao Quốc gia cho biết, Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, là một trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới.

Ước tính tại Việt Nam mỗi năm có 170.000 ca mắc mới (báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới năm 2020). Trong đó, 63% bệnh nhân lao thường, 98% bệnh nhân lao kháng thuốc và gia đình đối mặt với những chi phí thảm họa - nghĩa là chi phí cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh lao vượt quá 20% thu nhập hàng năm của cả hộ gia đình. 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động.

Vì vậy, lao thực sự là một vấn đề ảnh hưởng đến kinh tế từng gia đình nói riêng và đất nước nói chung. Đầu tư cho chấm dứt bệnh lao là đầu tư cho phát triển bền vững.

[Ngày phòng chống lao: Việt Nam chiến thắng COVID-Chấm dứt bệnh lao]

Năm 2020, Việt Nam cũng không nằm ngoài các nước bị ảnh hưởng bởi COVID- 19, mặc dù ảnh hưởng đó nhỏ hơn rất nhiều so với thế giới, phát hiện bệnh lao cũng giảm đi 3,1%. Tuy nhiên, người dân dã có ý thức rất cao về phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp, có sự tương đồng giữa lao và COVID-19.

Đồng thời, hệ thống chính trị cũng đã có đủ thông tin về vai trò của y tế trong phát triển kinh tế-xã hội, các biện pháp giải quyết dịch bệnh đường hô hấp. Đó chính là cơ hội để Việt Nam thực hiện chấm dứt bệnh lao.

Tiết mục nghệ thuật nói về bệnh lao tại Chương trình. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

“Vì vậy, năm 2020, chủ đề Ngày Thế giới phòng chống lao mà Chương trình đưa ra là 'Biến hiểm họa COVID-19 thành cơ hội để Việt Nam chấm dứt bệnh lao.' Tiếp nối mạch này, chủ đề năm 2021 sẽ là 'Việt Nam chiến thắng COVID - Chấm dứt bệnh lao.' Với chủ đề này, chúng tôi muốn kêu gọi, từ cuộc chiến chống COVID-19, mọi người hãy tích cực hơn nữa trong công cuộc phòng, chống bệnh lao. Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng nếu các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và cộng đồng cùng vào cuộc, chắc chắn chúng ta sẽ đẩy lùi được dịch bệnh COVID-19 và tiến tới mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030,” Chủ nhiệm Chương trình chống lao Quốc gia tin tưởng.

Tiến sỹ Kydong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cho biết, bệnh lao là một trong những căn bệnh truyền nhiễm gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới. Mỗi ngày, gần 4.000 người chết vì bệnh lao, gần 30.000 người mắc căn bệnh có thể phòng ngừa và chữa khỏi.

Trong Ngày Thế giới phòng chống lao năm 2021, Tổ chức Y tế thế giới kêu gọi Chính phủ, ngành y tế, các cơ quan liên quan, Chương trình Chống lao Quốc gia và các đối tác tiếp tục các nỗ lực tạo ra sự thay đổi thông qua việc duy trì cam kết của lãnh đạo cấp cao về đảm bảo nguồn lực tài chính bền vững của quốc gia cho bệnh lao; nâng cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu để đảm bảo tất cả những người mắc bệnh lao đều được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc chất lượng với giá cá phải chẳng; thúc đẩy sự tham gia có ý nghĩa của các tổ chức xã hội, cộng đồng và những người bị ảnh hưởng bởi bệnh lao; đảm bảo rằng phòng ngừa và chăm sóc bệnh lao được đảm bảo trong bối cảnh COVID-19 và các mối đe dọa mới nổi khác.

Đồng thời rút ra bài học từ thành công của Việt Nam trong ứng phó với đại dịch COVID-19 để áp dụng cho công cuộc chấm dứt bệnh lao... “Hãy chiến thắng bệnh lao theo cách chúng ta đã thắng COVID-19,” Tiến sĩ Kydong Park nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gửi thông điệp đến Chương trình khẳng định: Vấn đề sống còn để chấm dứt bệnh lao là phải phát hiện sớm, đây cũng là sự tương đồng giữa chống COVID-19 và chống lao. Chúng ta phấn đấu chiến thắng dịch COVID-19 phải chấm dứt bệnh lao.

Với mong muốn vận động nhân dân cả nước ủng hộ, giúp đỡ người bị bệnh lao vượt qua những ảnh hưởng, mặc cảm bệnh tật để chữa khỏi bệnh lao và hòa nhập với cộng đồng, Bệnh viện Phổi Trung ương-Chương trình Chống lao Quốc gia-Quỹ hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao (PASTB) tiếp tục phối hợp với Cổng thông tin nhân đạo Quốc gia 1400 mở cổng nhắn tin ủng hộ Quỹ hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao.

Bắt đầu từ 0 giờ ngày 22/3/2021 đến 24 giờ ngày 21/5/2021, mỗi tin nhắn theo cú pháp: TB gửi 1402, Quỹ hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao sẽ nhận được 20.000 đồng, không giới hạn số lượng tin nhắn.

Mỗi tin nhắn gửi đi sẽ tạo thêm cơ hội cho người bệnh lao được điều trị khỏi, giảm nguồn lây trong cộng đồng. Chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam nghĩa là tránh đi cái chết không đáng có của 11.000 người/năm hiện nay và hàng trăm ngàn gia đình không phải lo lắng vì có người mắc lao.

Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới, đầu tư 1 đồng cho lao, chúng ta có thể thu về cho xã hội 46 đồng.

Tại sự kiện, Quỹ hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao đã ra mắt Cổng thông tin điện tử với tên miền http://quypastb.vn/ nhằm tạo thuận tiện cho người bệnh, các nhà hảo tâm hiểu rõ hơn về bệnh lao, truyền thông cập nhật thêm các thông tin, hoàn cảnh về bệnh nhân lao cần được trợ giúp, các hoạt động của Quỹ.

Đây sẽ là địa chỉ tin cậy kết nối người bệnh tới các cá nhân, tổ chức thiện nguyện, nhằm giúp đỡ những người bệnh lao có hoàn cảnh khó khăn nhanh chóng tiếp cận được với các nguồn trợ giúp cũng như có thêm động lực vượt qua được mặc cảm về bệnh và kiên trì chữa bệnh.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn trao danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân cho Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Viết Nhung. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Dịp này, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình chống lao Quốc gia đã vinh dự được tặng danh hiệu Thầy thuốc nhân dân, ghi nhận những cống hiến của ông cho sự nghiệp bảo vệ và nâng cao sức khỏe của nhân dân.

Hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống lao 24/3, Chương trình nghệ thuật với các tiết mục tự biên, tự diễn đầy sáng tạo của các y bác sỹ, các cán bộ của Bệnh viện Phổi Trung ương - những người đang trực tiếp làm công tác phòng chống lao đã đem đến không khí vui tươi cho buổi lễ. Đó là các tiết mục: Để Mỵ nói cho mà nghe, Duyên âm, Táo quân: Ngọc Hoàng thị sát công tác phòng chống lao, liên khúc Victory-COVID, ca khúc Cô gái ngành lao, Bài ca bệnh viện...

Tại buổi lễ, các đại biểu đã đồng loạt nhắn tin và ủng hộ trực tiếp Quỹ hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục