Dịch COVID-19 đang tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới và trong nước làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng tới hầu hết các ngành kinh tế.
Bên cạnh những thuận lợi từ kết quả tăng trưởng tích cực năm 2020, Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho rằng các giải pháp về tài chính, tiền tệ trong thời điểm hiện nay là hết sức cần thiết.
Việc tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất theo tinh thần Nghị định 52/2021/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021 vừa được Chính phủ ban hành sẽ giúp các doanh nghiệp có thêm nguồn lực vượt qua khủng hoảng, phục hồi sản xuất kinh doanh.
Phó giáo sư, tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cũng cho rằng, gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất năm 2021 là chính sách quan trọng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Vì vậy, việc hỗ trợ cần đúng đối tượng, tránh tình trạng chính sách bị trục lợi.
Với Nghị định này, đây là lần thứ 3 Chính phủ hỗ trợ về thuế trực tiếp cho sản xuất kinh doanh, giúp doanh nghiệp phục hồi và có cơ hội phát triển.
Nghị định kế thừa những ưu điểm của Nghị định số 41/2020/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất và Nghị định số 109/2020/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ôtô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước.
Bên cạnh việc kế thừa những mặt tích cực của 2 đợt hỗ trợ trước, Nghị định lần này đã mở rộng thêm nhiều đối tượng được thụ hưởng.
[Bình ổn giá thức ăn thủy sản để tăng sức cạnh tranh tiêu thụ sản phẩm]
Ông Vũ Xuân Bách, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính cho biết, Nghị định này đã bổ sung một số lĩnh vực ngành nghề bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Đó là doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực xuất bản; điện ảnh, sản xuất chương trình truyền hình, ghi âm và xuất bản âm nhạc; phát thanh, truyền hình; lập trình máy vi tính, dịch vụ tư vấn và các hoạt động khác liên quan đến máy vi tính; dịch vụ thông tin; sản xuất môtô, xe máy; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị...
Theo Nghị định số 52/2021/NĐ-CP, các doanh nghiệp thuộc đối tượng được gia hạn 5 tháng đối với số thuế giá trị gia tăng từ tháng 3 đến tháng 6/2021 và quý 1, quý 2 năm 2021; gia hạn 4 tháng đối với số thuế giá trị gia tăng tháng 7/2021, gia hạn 3 tháng đối với số thuế giá trị gia tăng tháng 8/2021; gia hạn 3 tháng đối với số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp quý 1, quý 2 của kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021.
Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thực hiện nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân năm 2021 chậm nhất là ngày 31/12/2021; gia hạn 6 tháng tiền thuê đất phải nộp kỳ đầu năm 2021.
Chính phủ dự kiến tổng số thuế và tiền thuê đất được gia hạn theo chính sách giãn, hoãn thời hạn nộp thuế là 115.000 tỷ đồng. Nghĩa là tổng số thu ngân sách nhà nước trong các tháng được gia hạn giảm tương ứng 115.000 tỷ đồng.
Nghị định 52/2021/NĐ-CP cũng quy định thủ tục rất đơn giản, người nộp thuế chỉ thực hiện nộp 1 lần duy nhất giấy đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho cơ quan thuế; thủ tục này hiện được thực hiện trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế.
Theo các chuyên gia kinh tế, với chính sách này, các doanh nghiệp, cá nhân có thêm nguồn lực tài chính vượt qua khó khăn, tăng sức cạnh tranh bởi dòng tiền thay vì nộp vào ngân sách nhà nước thì trước mắt chưa phải nộp mà doanh nghiệp có thể sử dụng số tiền đó vào hoạt động kinh doanh nhằm duy trì sản xuất, kinh doanh, mà không phải đi vay và trả lãi vay.
Bà Đinh Thị Hải Yến, Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại chế biến thực phẩm sạch Từ Tâm, quận Thanh Xuân, Hà Nội chia sẻ, việc Chính phủ tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất, một lần nữa thể hiện sự chia sẻ khó khăn của Chính phủ với doanh nghiệp và người dân.
Đây là chính sách rất kịp thời, giúp doanh nghiệp cũng như hộ kinh doanh có thêm dòng tiền để duy trì sản xuất.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam, chia sẻ doanh nghiệp thêm một lần nữa được Nhà nước hỗ trợ, có thể sử dụng số tiền thuế lẽ ra phải nộp để tái đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh
Ngay khi Nghị định được ban hành, Tổng cục Thuế đã khẩn trương triển khai nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp. Tại Cục Thuế Hà Nội, các chi cục thuế quận, huyện, thị xã, khu vực trên địa bàn đã tuyên truyền theo từng nội dung chính, như đối tượng được gia hạn, thời gian gia hạn, thời hạn nộp đề nghị gia hạn...
Cán bộ thuế đôn đốc thu kết hợp với phổ biến chính sách mới…; đồng thời rà soát đối tượng, tiếp nhận giấy đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất của người nộp thuế.
Để khắc phục và bù đắp các tác động đến thu ngân sách nhà nước trong thời gian được gia hạn, cũng như đảm bảo sự chủ động trong điều hành dự toán ngân sách nhà nước, ông Vũ Xuân Bách cho biết, Tổng cục Thuế sẽ phối hợp với các bộ, ngành có liên quan, các địa phương để triển khai hiệu quả các luật thuế.
Bên cạnh đó, tiếp tục cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế, thực hiện quản lý thu ngân sách nhà nước, kịp thời, có hiệu quả các nhóm giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, xử lý thu hồi nợ thuế.
Năm 2020 thực hiện Nghị định số 41/2020/NĐ-CP và Nghị định số 109/2020/NĐ-CP, cơ quan thuế đã gia hạn cho khoảng 184.900 lượt người nộp thuế với tổng số tiền thuế, tiền thuê đất đã gia hạn khoảng 87.300 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2020, cơ quan thuế đã thực hiện các biện pháp đôn đốc và thu hồi được 96% số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn vào ngân sách nhà nước.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà nhận định các chính sách về hỗ trợ giãn, hoãn thuế và tiền thuê đất cùng các chính sách về tài chính, tiền tệ khác được Chính phủ ban hành năm 2020 nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp đã giúp nền kinh tế có bước tăng trưởng khá, đặc biệt với ngành tài chính, thu thuế nội địa vẫn đảm bảo./.