Chìm xuồng nhập cư bất hợp pháp vào châu Âu, 20 người chết và mất tich

Thêm một thảm kịch nhập cư bất hợp pháp vào châu Âu bằng đường biển

Bốn người thiệt mạng và 16 người mất tích sau khi chiếc xuồng chở họ chìm ở ngoài khơi đêm 26/11 ở vị trí cách bờ biển thành phố tự trị Melilla của Tây Ban Nha ở châu Phi 30 dặm về phía Bắc.
Thêm một thảm kịch nhập cư bất hợp pháp vào châu Âu bằng đường biển ảnh 1Người di cư lênh đênh trên biển. (Ảnh: AP)

Lại thêm một thảm kịch vừa xảy ra với những người tìm cách nhập cư bất hợp pháp vào châu Âu khi lại có 4 người thiệt mạng và 16 người mất tích sau khi chiếc xuồng chở họ chìm ở ngoài khơi đêm 26/11 ở vị trí cách bờ biển thành phố tự trị Melilla của Tây Ban Nha ở châu Phi 30 dặm về phía Bắc.

Ngoài những nạn nhân thiệt mạng và mất tích, khoảng 70 người đã được cứu thoát, trong đó có 3 trẻ em.

Người phát ngôn của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Tây Ban Nha cho biết  những người sống sót đã được tàu cứu hộ Salvamar Spica của Tây Ban Nha đưa tới thành phố cảng Melilla để nhận được hỗ trợ y tế của Hội Chữ thập Đỏ trước khi chuyển tới các trung tâm nhập cư tạm thời.

[Giải cứu gần 400 người di cư bất hợp pháp ngoài khơi Libya]

Trong khi đó, các nhà chức trách của Tây Ban Nha và Liên minh châu Âu (EU) đang triển khai thuyền và trực thăng cứu hộ để tìm kiếm những người mất tích và một chiếc xuồng khác xuất phát từ Maroc được cho là chở 78 người cũng đang tìm cách nhập cư bất hợp pháp vào châu Âu.

Thảm kịch này xảy ra chỉ gần 3 tuần sau vụ 9 người nhập cư bất hợp pháp thiệt mạng ngày 6/11 trên một chiếc xuồng ngoài khơi bờ biển quần đảo Canary của Tây Ban Nha, nằm ở phía Tây châu Phi.

Theo Tổ chức Di cư Quốc tế, chỉ tính trong năm 2019 đã có ít nhất 1.136 người di cư bị thiệt mạng và mất tích trên biển khi cố gắng tìm cách vượt biển vào châu Âu. 

Mặc dù số người di cư theo đường biển vào châu Âu đã giảm mạnh so với mức đỉnh năm 2015, song hàng năm vẫn có hàng nghìn người chọn cách thức nguy hiểm này để đến vùng biển Địa Trung Hải nhằm từ đó tiếp cận Lục địa già.

Vấn đề di cư hiện vẫn là bài toán đau đầu đối với các nhà lãnh đạo của EU, trong đó Tây Ban Nha là cửa ngõ bận rộn thứ ba, xếp sau Italy và Hy Lạp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục