Ngoài những ngân hàng báo lãi lợi nhuận đạt trên 10.000 tỷ đồng thì một số ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân tầm trung cũng đã công bố kết quả kinh doanh quý 2 và 2 quý đầu năm với những con số tăng trưởng khá tốt.
Theo đó, Ngân hàng Thương mại cổ phần Hàng Hải Việt Nam (MSB) công bố lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm đạt gần 3.336 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ và thực hiện 49% kế hoạch năm (6.800 tỷ đồng).
Trong đó, thu nhập lãi thuần - nguồn thu chính của ngân hàng - đạt 4.024 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ. Lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối tăng mạnh 181% so với cùng kỳ 2021 lên 561 tỷ đồng. Hoạt động chứng khoán đầu tư mang về khoản lãi gần 662 tỷ đồng thay vì lỗ 8 tỷ như cùng kỳ.
[Lợi nhuận của các ngân hàng bứt phá mạnh trong 6 tháng đầu năm]
Mặt khác, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ giảm đến 74% xuống còn 580 tỷ đồng, hoạt động chứng khoán kinh doanh tiếp tục ghi nhận lỗ 1,4 tỷ đồng.
Kết thúc quý 2/2022, MSB ghi nhận mức tăng trưởng tổng tài sản 6,5% so với 30/6/2021, đạt trên 195.000 tỷ đồng. Trong đó, tổng cho vay khách hàng đạt gần 110.500 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ. Nhu cầu tín dụng tăng trưởng với sự gia tăng đáng kể của dư nợ cho vay khách hàng cá nhân, tăng 28% và dư nợ tín dụng cấp cho khách hàng doanh nghiệp tăng khoảng 18% so với cùng kỳ.
Về huy động vốn, tổng tiền gửi tại MSB ngày 30/6 vượt 98.300 tỷ đồng, tăng hơn 14% so với quý 2/2021. Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA)/tổng tiền gửi đạt 36,72%, tăng nhẹ so với cuối năm 2021, tiếp tục trong nhóm dẫn đầu thị trường. Điều này cũng tác động trực tiếp đến biên lãi ròng (NIM), đưa chỉ số này tăng lên 4,05% vào cuối quý 2/2022. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) hợp nhất của MSB đạt mức 12,17% tại cuối quý 2/2022.
Cũng ghi nhận mức tăng ấn tượng, Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank-mã LPB) công bố lợi nhuận 6 tháng đạt 3.588 tỷ đồng, tăng 76% so với cùng kỳ năm ngoái.
Động lực tăng trưởng chủ yếu đến từ việc hoạt động kinh doanh cốt lõi và hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư lên hơn 346 tỷ đồng.
Ngoài ra, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng trưởng 33%, đạt 520 tỷ đồng nhờ các dịch vụ như bảo hiểm, thẻ, ngân hàng số. Các hoạt động kinh doanh khác cũng mang về cho LienVietPostBank hơn 206 tỷ đồng lãi thuần, tăng 430% so với cùng cùng kỳ.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, LienVietPostBank trích lập gần 950 tỷ đồng dự phòng rủi ro, tăng 54% so với cùng kỳ. Riêng trong quý 2, chi phí dự phòng tăng 57% so với cùng kỳ, đạt 637 tỷ đồng.
Ngân hàng Thương mại cổ phần An Bình (ABBank-mã ABB) có lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm đạt gần 1.662 tỷ đồng, tăng 39,5% so với cùng kỳ và thực hiện được 53% kế hoạch năm (3.079 tỷ đồng).
Trong đó, thu nhập lãi thuần của ABBank tăng 26,2% so với cùng kỳ, mang về gần 1.803 tỷ đồng. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ cũng tăng 8,2% so với cùng kỳ 2021. Đáng chú ý, hoạt động kinh doanh ngoại hối và các hoạt động khác tăng trưởng mạnh trong kỳ với mức tăng lần lượt là 56,2% và 92,1% so với cùng kỳ.
Ở chiều ngược lại, hoạt động kinh doanh và đầu tư chứng khoán ghi nhận khoản lỗ lần lượt là 65 và 21,1 tỷ đồng. ABBank cũng giảm 32% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, trích lập 218 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm./.