Ngày 30/10, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) thông báo sẽ rút các nhân viên ngoại giao khỏi Lebanon, đồng thời khuyến cáo công dân UAE không tới quốc gia này. Quyết định được đưa ra sau động thái tương tự của Saudi Arabia, Bahrain và Kuwait.
Bộ trưởng Ngoại giao UAE Khalifa Shaheen Al Marar khẳng định nước này rút các nhân viên ngoại giao khỏi Lebanon để bày tỏ "đoàn kết" với Saudi Arabia.
Bộ trưởng Al Marar cũng cho biết thêm rằng công tác lãnh sự và trung tâm cấp thị thực của UAE ở thủ đô Beirut của Lebanon vẫn được duy trì trong giai đoạn hiện nay. Tuy vậy, UAE vẫn khuyến cáo công dân nước này không nên tới Lebanon.
Như vậy, UAE trở thành quốc gia thứ tư trong 6 quốc gia thành viên Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) đưa ra các quyết định nhằm phản đối Lebanon.
[Đại sứ quán Mỹ tại Nga có nguy cơ ngừng hoạt động vào năm tới]
Trước đó, căng thẳng đã bùng lên trong quan hệ giữa Lebanon với Saudi Arabia và các nước vùng Vịnh liên quan đến bình luận của Bộ trưởng Thông tin Liban George Kordahi chỉ trích chiến dịch quân sự do Saudi Arabia dẫn đầu tại Yemen.
Nhằm bày tỏ sự phản đối, Saudi Arabia, Bahrain và Kuwait đã triệu Đại sứ của mình tại Lebanon về nước, đồng thời yêu cầu đại diện ngoại giao của Lebanon tại nước họ rời đi trong vòng 48 giờ.
Về phía Lebanon, sau cuộc họp khẩn của chính phủ ngày 30/10, Ngoại trưởng Lebanon Abdallah Bou Habib bày tỏ hy vọng nước này sẽ sớm giải quyết được cuộc khủng hoảng với các nước vùng Vịnh và tái khẳng định cam kết về trách nhiệm của mình trước thế giới Arab, đặc biệt là với Saudi Arabia.
Cuộc nội chiến tại Yemen nổ ra kể năm 2014 giữa nhóm vũ trang Houthi và chính quyền của Tổng thống Abd Rabbuh Mansur Hadi. Một năm sau đó, Saudi Arabia đã dẫn đầu một liên minh quân sự gồm 10 quốc gia trong Hội đồng hợp tác vùng Vịnh nhằm hỗ trợ chính phủ được quốc tế công nhận./.