Djibouti là nước tiếp theo quyết định cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran, sau Saudi Arabia, Bahrain và Sudan vì vụ người biểu tình Iran tấn công Đại sứ quán Saudi Arabia ở Tehran hôm 2/1.
Djibouti là quốc gia nhỏ bé tại vùng Sừng châu Phi, nằm ở cửa ngõ vào Biển Đỏ, có một cảng chiến lược trên vịnh Aden ở một vị trí quan trọng trong một trong các hải trình đông đúc nhất thế giới.
Djibouti cũng là nước láng giềng với Yemen, nơi một liên minh quốc tế do Saudi Arabia đứng đầu tiến hành không kích chống phiến quân Hồi giáo Houthi từ tháng 3/2015.
Quan hệ giữa Riyadh và Tehran căng thẳng sau khi Saudi Arabia ngày 2/1 xử tử 47 đối tượng bị cáo buộc các tội danh liên quan khủng bố, trong đó có giáo sỹ dòng Shiite Nimr al-Nimr, dẫn tới bùng phát các cuộc biểu tình phản đối Saudi Arabia tại các nước có người Hồi giáo Shiite chiếm đa số.
Tại Iran đã xảy ra một loạt vụ tấn công đốt phá nhằm vào Đại sứ quán và Lãnh sự quán Saudi Arabia.
Phản ứng trước các vụ tấn công này, Riyadh tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Tehran.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 6/1, Jordan đã triệu Đại sứ Iran tại Amman tới để bày tỏ phản đối vụ người biểu tình Iran tấn công Đại sứ quán Saudi Arabia ở Tehran hôm 2/1.
Hãng thông tấn Petra của Jordan dẫn lời Ngoại trưởng Nasser Judeh cho rằng vụ tấn công trên là "vi phạm nghiêm trọng mọi chuẩn mực và luật pháp quốc tế."
Ông Judeh nhấn mạnh Jordan phản đối sự can dự của Iran vào các công việc của thế giới Arab và công việc nội bộ của Saudi Arabia, đồng thời kêu gọi Tehran tôn trọng các phán quyết pháp lý của vương quốc này.
Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Judeh cũng bày tỏ ủng hộ các nỗ lực của Saudi Arabia trong cuộc chiến chống khủng bố./.