Hãng tin Reuters dẫn thông báo của Tổ chức Cơ Đốc giáo SIM (Mỹ) ngày 2/9 cho biết một bác sỹ người Mỹ thuộc tổ chức này làm việc tại thủ đô Monrovia của Liberia đã có xét nghiệm dương tính với virus Ebola.
Trong thông báo, SIM khẳng định bác sỹ trên đã lập tức tự cách ly khi nhận thấy mình có triệu chứng của bệnh Ebola. Sau đó, ông đã được đưa tới một cơ sở cách ly của SIM tại Monrovia, và hiện đang trong tình trạng ổn định cũng như tinh thần tốt. SIM không cho biết danh tính của bác sỹ này và không nêu rõ ông bị nhiễm virus Ebola bằng cách nào.
Trước đó, một đồng nghiệp của bác sỹ trên tại SIM là bà Nancy Writebol cũng bị nhiễm virus Ebola, tuy nhiên đã được ra viện sau khi điều trị bằng một loại thuốc thử nghiệm có tên gọi ZMapp.
Cũng trong ngày 2/9, hãng tin Tân Hoa (Trung Quốc) dẫn nguồn giới chức y tế Nigeria cho biết một nam thanh niên 19 tuổi ở bang Kaduna, miền Bắc nước này đã bị cách ly do phát sinh triệu chứng của bệnh Ebola, sau hơn một tuần nhập viện. Mẫu máu của bệnh nhân đã được gửi đến thủ đô Lagos để xét nghiệm. Đây là trường hợp nghi nhiễm virus Ebola đầu tiên tại miền Bắc Nigeria trong đợt bùng phát hiện nay của dịch bệnh.
Cùng ngày, Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ tuyên bố sẽ cung cấp vốn cũng như hỗ trợ chuyên môn và kỹ thuật cho việc phát triển thuốc thử nghiệm ZMapp của hãng dược phẩm Mapp Biopharmaceutical.
Theo hợp đồng ban đầu kéo dài 18 tháng trị giá 24,9 triệu USD, hãng này sẽ sản xuất một lượng nhỏ thuốc ZMapp cho các công trình nghiên cứu cần thiết, nhằm chứng minh sự an toàn và hiệu quả của thuốc đối với con người.
Theo một quan chức bộ trên, tuy ZMapp hiện rất được chú ý do được cho là đã cứu sống hai bác sỹ Mỹ nhiễm virus Ebola ở Liberia là Nancy Writebol và Kent Brantly , song đây chỉ là một trong hàng loạt phương pháp điều trị đang được phát triển, đồng thời cơ sở dữ liệu về độ an toàn cũng như hiệu quả của thuốc này vẫn còn rất hạn chế.
Nhiều nhà lãnh đạo thế giới đã tiếp tục lên tiếng trước những diễn biến phức tạp của dịch Ebola. Ngày 2/9, Giám đốc Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) của Liên hợp quốc , ông Denise Brown cho biết WFP đang tăng cường hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Ebola ở ba nước Guinea, Liberia và Sierra Leone.
Một chiến dịch khẩn cấp tại khu vực Tây Phi đã được WFP phát động nhằm tiếp cận 1,3 triệu người dân tại các trung tâm y tế và các vùng cách ly, đồng thời phối hợp cùng chính phủ các nước trên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các tổ chức nhân đạo đối tác để cung cấp thực phẩm cũng như trợ giúp về hậu cần cho vùng dịch này.
WFP cũng nhấn mạnh chương trình này cần gấp 70 triệu USD cho chiến dịch kéo dài đến hết tháng 11.
Trong một phiên họp ngày 2/9 của Đại Hội đồng Liên hợp quốc, Chủ tịch quốc tế của Tổ chức "Bác sỹ không biên giới" (MSF) Joanne Liu cảnh báo thế giới "đang thua trận" trong cuộc chiến kiểm soát dịch Ebola kéo dài 6 tháng qua.
Bà Joanne Liu kêu gọi cộng đồng quốc tế phản ứng trên quy toàn cầu đối với một thảm họa sinh học, tăng cường gửii hàng hóa cứu trợ và chuyên gia y tế tới Tây Phi. Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc Jan Eliasson cũng nhấn mạnh dịch Ebola không chỉ là một cuộc khủng hoảng về y tế mà còn về phát triển, nhân quyền và an ninh. Trong khi đó, Giám đốc WHO Margaret Chan thừa nhận đây là đợt bùng phát dịch Ebola "lớn nhất, nghiêm trọng nhất và phức tạp nhất trong gần 40 năm lịch sử căn bệnh này," tuy nhiên "có thể và sẽ được kiểm soát" do WHO hiểu rõ những điều cần thiết cũng như các phương pháp ngăn chặn dịch bệnh.
Về phần mình, điều phối viên cấp cao Liên hợp quốc về phòng chống bệnh Ebola David Nabarro nhận định dịch Ebola đang đi trước những nỗ lực của thế giới, song vẫn bày tỏ lạc quan về khả năng kiểm soát dịch và kêu gọi trách nhiệm của toàn cầu.
Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 2/9 đã xuất hiện trong một đoạn phim đăng tải trên mạng chia sẻ video Youtube, qua đó cảnh báo người dân Tây Phi rằng công tác ngăn chặn dịch Ebola "sẽ không dễ dàng."
Ông Obama nhấn mạnh để ngăn chặn bệnh Ebola lây nhiễm, điều quan trọng chính là các biện pháp phòng bệnh cơ bản khi xử lý bệnh nhân Ebola cũng như chôn cất thi thể những người tử vong, đồng thời kêu gọi người dân Tây Phi đối xử với họ "bằng thái độ tôn trọng và đàng hoàng."
Trở về từ chuyến công tác tới các nước Tây Phi bị ảnh hưởng bởi dịch Ebola, ngày 2/9, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Mỹ (CDC) Tom Frieden báo cáo số trường hợp nhiễm chủng virus này "tiếp tục gia tăng và hiện đang tăng nhanh chóng."
Ông Frieden hối thúc thế giới lập tức hành động trong bối cảnh Tây Phi cần nhiều hơn nữa các trang thiết bị, các chuyên gia y tế cũng như một phương án tiếp cận thống nhất và phối hợp toàn cầu nhằm ứng phó với dịch Ebola./.