Thêm khó cho doanh nghiệp chăn nuôi từ căng thẳng Nga-Ukraine

Ngành chăn nuôi và thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam đang phải nhập khẩu phần lớn nguyên liệu từ thế giới, trong đó có thể kể đến là các sản phẩm lúa mỳ, ngô, ngũ cốc... từ Nga và Ukraine.
Thêm khó cho doanh nghiệp chăn nuôi từ căng thẳng Nga-Ukraine ảnh 1Lúa mỳ là một trong những mặt hàng Việt Nam nhập của Nga và Ukraine để phục vụ cho ngành chăn nuôi. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Doanh nghiệp chăn nuôi vốn dĩ phải đối diện với khó khăn vì giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao, nay lại khó hơn khi xảy ra căng thẳng giữa Nga và Ukraine là những nước sản xuất lúa mỳ hàng đầu thế giới.

Bởi, thực tế, ngành chăn nuôi và thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam đang phải nhập khẩu phần lớn nguyên liệu từ thế giới và có thể kể đến là các sản phẩm lúa mỳ, ngô, ngũ cốc... từ các nước này.

Giá thức ăn chăn nuôi tăng

Theo Công ty Cổ phần Chứng khoán Agribank (Agriseco), căng thẳng Nga-Ukraine sẽ làm ảnh hưởng đến giá lương thực toàn cầu khi Nga và Ukraine lần lượt là các quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn thứ nhất và thứ tư thế giới. Hai quốc gia này hiện chiếm khoảng 29% sản lượng xuất khẩu lúa mỳ và 19% sản lượng ngô.

Agriseco cho rằng việc giá lương thực tăng cao là khó tránh khỏi trong bối cảnh căng thẳng liên tục leo thang như hiện nay giữa Nga và Ukraine. Trong khi đó, ngành chăn nuôi ở Việt Nam đang phải nhập khẩu phần lớn nguyên liệu từ thế giới với các sản phẩm như lúa mỳ, ngô, ngũ cốc...

“Giá lương thực tăng cao sẽ ảnh hưởng đến chi phí đầu vào của các doanh nghiệp chăn nuôi và thức ăn chăn nuôi,” Agriseco nhận định.

Theo phân tích của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam, giá các mặt hàng nông sản sẽ chủ yếu diễn biến theo tác động từ nguồn cung và nhu cầu. Các yếu tố khác như kinh tế hay các chính sách, chính trị hiếm khi xuất hiện, nhưng lại tác động rất mạnh mẽ tới giá nông sản.

Theo Cục Chăn nuôi thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ngành thức ăn chăn nuôi công nghiệp Việt Nam vẫn phụ thuộc 90% nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài. Trong khi, giá nguyên liệu thông thường chiếm khoảng từ 80-85% giá thành sản xuất thức ăn chăn nuôi. Giai đoạn 2020-2021, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đều tăng từ 16-36%; trong đó, mức tăng mạnh nhất thuộc về nhóm ngũ cốc.

[Xây dựng kế hoạch để xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi]

Theo báo cáo ra ngày 28/2 của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN), giá các loại nguyên liệu đầu vào có xu hướng tăng mạnh trở lại từ đầu năm 2021 đến nay do chi phí vận tải tăng cao, đang thúc đẩy các nhà sản xuất tăng nhập khẩu nguyên liệu tích trữ. Hiện tại, giá ngô tăng 50%, giá đậu nành tăng 38%, giá lúa mì tăng 62% so với đầu năm 2021. Trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi trong nước chỉ tăng khoảng 30% so với đầu năm 2021.

YSVN cho rằng giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi có thể hạ nhiệt trong nửa cuối năm 2022, khi việc lưu thông hàng hóa thuận lợi hơn. Do áp lực giảm giá thức ăn chăn nuôi từ Chính phủ, YSVN nhận định giá thức ăn chăn nuôi sẽ khó theo kịp mức gia tăng giá nguyên liệu đầu vào.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam sản xuất thức ăn chăn nuôi, đồng thời chăn nuôi và chế biến thịt. Do đó, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao sẽ ảnh hưởng trực diện đến lợi nhuận của doanh nghiệp.

Hơn nữa, trong khi giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh thì giá thịt lại có xu hướng giảm. Giá lợn hơi hiện dao động khá ổn định ở mức từ 56.000-60.000 đồng/kg, thấp hơn khoảng 14% so với đầu năm 2021.

YSVN kỳ vọng giá lợn trung bình dự kiến cho năm 2022 đạt mức khoảng từ 60.000-61.000 đồng/kg trong nửa cuối năm 2022 với giả định: nhu cầu hồi phục yếu với thu nhập bình quân đầu người tăng 2% trong 2022; tổng đàn lợn cả nước đạt mức 27 triệu con (mức trước dịch COVID-19); tiêu thụ thịt lợn/đầu người tăng 0,7% cho năm 2022.

Bộ Công Thương cũng từng dự báo ngành chăn nuôi tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong năm 2022, do dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp. Những tác động kéo dài của việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất và thị trường sản phẩm chăn nuôi năm 2022.

Bào mòn lợi nhuận

Thực tế căng thẳng Nga-Ukraine đã thêm nhiều khó khăn mà doanh nghiệp ngành chăn nuôi, khiến lợi nhuận suy giảm. Có thể kể đến trường hợp của Công ty Cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam - DABACO (mã chứng khoán: DBC) là một tập đoàn hoạt động đa ngành nghề; trong đó, lĩnh vực chính là sản xuất thức ăn chăn nuôi, giống gia súc, gia cầm và chế biến thực phẩm.

Thêm khó cho doanh nghiệp chăn nuôi từ căng thẳng Nga-Ukraine ảnh 2Một trang trại chăn nuôi. (Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN)

DABACO ghi nhận doanh thu thuần trong quý 4/2021 đạt 3.061 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước đó, nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 112 tỷ đồng, giảm tới 58% so với cùng kỳ năm trước đó, do giá lợn hơi và nhu cầu tiêu dùng hồi phục chậm.

Doanh nghiệp cho biết biên lãi gộp giảm xuống 12,1%, trong khi cùng kỳ năm 2020 con số này 35,6%, do giá thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao vì thiếu hụt nguồn cung và chi phí logistics.

Lũy kế cả năm 2021, DABACO đạt doanh thu 10.813 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2020, nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 830 tỷ, giảm tới 41%.

Theo Ban lãnh đạo DABACO, năm 2022 được dự báo tiếp tục là một năm đầy khó khăn, thách thức của nền kinh tế thế giới và trong nước khi dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, với sự xuất hiện của các biến thể mới; chuỗi cung ứng-sản xuất-chế biến-tiêu thụ đứt gãy; dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm tiếp tục diễn biến phức tạp.

Dù lợi nhuận không giảm mạnh như DABACO, nhưng với Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam-CTCP (mã chứng khoán: VLC), kết quả kinh doanh cũng không khả quan. Theo Báo cáo tài chính quý 4/2021 đã công bố, công ty có biên lợi nhuận gộp giảm từ mức 33% (cùng kỳ năm 2020) về còn 31,8% trong quý 4 năm 2021. Do đó, dù doanh thu quý 4/2021 của công ty đạt 719,5 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước đó nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 83,05 tỷ đồng, giảm 4,1%.

Công ty Cổ phần Masan Meatlife (mã chứng khoán: MML) - doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, giết mổ và chế biến thịt động vật cũng có Báo cáo tài chính quý 4/2021 với doanh thu thuần giảm 21% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 3.726 tỷ đồng; lợi nhuận gộp giảm 57%, chỉ còn 335,5 tỷ đồng.

Ban lãnh đạo Masan Meatlife lý giải doanh thu thuần giảm chủ yếu do doanh thu từ mảng thức ăn chăn nuôi sụt giảm. Bên cạnh đó, lợi nhuận gộp giảm chủ yếu do doanh thu từ mảng thức ăn chăn nuôi sụt giảm và lợi nhuận gộp ngành thịt cũng giảm do giá thịt lợn giảm trong quý cuối năm 2021.

Trên sàn chứng khoán, cùng với việc thị chung diễn biến “lình xình” từ đầu năm, giá cổ phiếu ngành chăn nuôi cũng biến động nhẹ. Theo đó, chốt phiên giao dịch ngày 2/3, DBC tăng nhẹ hơn 4%, MML tăng 1,9%. Trong khi đó, VLC giảm 8,2%, MLS giảm 3%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục