Thêm hơn 13 triệu USD cho dự án cải tạo môi trường ở Nha Trang

Mặc dù đến nay tổng mức đầu tư của tiểu dự án không thay đổi, nhưng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) giảm trên 13 triệu USD, nên việc thi công các hạng mục hầu hết đình trệ.

Tiểu dự án Nha Trang (CCSEP) góp phần cải thiện môi trường cho thành phố Nha Trang. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)
Tiểu dự án Nha Trang (CCSEP) góp phần cải thiện môi trường cho thành phố Nha Trang. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)

Kỳ họp chuyên đề của Hội đồng Nhân dân tỉnh Khánh Hòa khóa VII mới đây đã ra Nghị quyết về Điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Môi trường bền vững các thành phố duyên hải - Tiểu dự án thành phổ Nha Trang (CCSEP) với nội dung tăng vốn đối ứng bằng ngân sách tỉnh lên trên 25 triệu USD; điều chỉnh thời gian thực hiện dự án từ năm 2017 đến 31/12/2025 và tiếp tục áp dụng khung chính sách đền bù, tái định cư trước đây của Ngân hàng Thế giới (WB) trong quá trình thực hiện dự án.

Dự án CCSEP được triển khai tại 4 thành phố, gồm Phan Rang-Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận), Nha Trang (Khánh Hòa), Quy Nhơn (Bình Định) và Đồng Hới (Quảng Bình) được Ngân hàng Thế giới tài trợ để thực hiện, được triển khai từ năm 2017.

Tại Khánh Hòa, tiểu dự án Nha Trang có tổng mức đầu tư 60 triệu USD (tương đương 1.380 tỷ đồng); trong đó, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) hơn 48,6 triệu USD, vốn đối ứng từ ngân sách của tỉnh Khánh Hòa là 11,4 triệu USD và thời gian triển khai thực hiện từ năm 2017 đến ngày 30/6/2024.

Tiểu dự án này có các mục tiêu nâng cao công suất hoạt động nhà máy xử lý nước thải phía Nam thông qua đầu tư bổ sung hoàn thiện mạng lưới thu gom nước thải cấp 3 và hố ga ngăn mùi khu trung tâm và phía Nam thành phố Nha Trang; giải quyết tình trạng ngập lụt và ô nhiễm môi trường khu vực phía Bắc thành phố thông qua việc đầu tư các tuyến cống chung và cống thu gom nước thải, các hố ga ngăn mùi, các trạm bơm, hồ điều hòa và nhà máy xử lý nước thải phía Bắc; cải thiện vệ sinh môi trường, tăng cường khả năng thoát lũ và chống sạt lở hai bên bờ sông Cái kết hợp nâng cấp hạ tầng giao thông nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển thành phố theo quy hoạch.

ttxvn_1206_nha trang moi truong.jpg
Nhóm bạn trẻ Xanh Khánh Hòa với hoạt động nhặt rác thải tại vùng biển Khánh Hòa. (Ảnh: TTXVN phát)

Tiểu dự án Nha Trang gồm có 4 hợp phần mở rộng hạ tầng vệ sinh, cải thiện kết nối đô thị, giải phóng mặt bằng và tái định cư, hỗ trợ kỹ thuật và cải cách thể chế.

Qua nhiều năm triển khai, do vướng giải phóng mặt bằng tại gói thầu NT-2.1 (xây dựng đường và kè dọc sông Cái) và gói thầu NT-2.3 (xây dựng Đường Chử Đồng Tử), nên sản lượng thi công đạt rất thấp, ước tính chỉ chiếm khoảng 5% giá trị hợp đồng.

Bên cạnh đó, một số hạng mục của hợp phần 1 cũng nằm trong tình cảnh tương tự.

Từ giữa năm 2023 đến cuối năm 2023, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam có các thư đề ngày 12/6/2023 và ngày 4/10/2023 gửi Ủy ban Nhân dân tỉnh có ý kiến không tiếp tục sử dụng vốn vay ODA để thực hiện các hạng mục thuộc hợp phần 2 Dự án Môi trường bền vững các thành phố duyên hải - Tiểu dự án thành phố Nha Trang (Dự án CCSEP) (gồm hai hợp đồng NT-2.1 và NT-2.3).

Tiếp đó, Ngân hàng Thế giới có thư ngày 23/12/2023 đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa sớm hoàn tất thủ tục bố trí vốn đối ứng để tiếp tục thực hiện hợp phần 2 nói trên, làm cơ sở để WB cho triển khai lại các hoạt động thu hồi đất của dự án.

Bên cạnh đó, qua nội dung chuyến công tác kỹ thuật từ ngày 20-22/5 và theo kiến nghị của Ngân hàng Thế giới tại thư ngày 23/5, Ngân hàng Thế giới đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa xem xét, bố trí nguồn vốn đối ứng từ ngân sách tỉnh để tiếp tục thực hiện hoàn thiện các hạng mục còn lại của hợp phần 1 do còn vướng mặt bằng, đất chưa được thu hồi.

Mặc dù đến nay tổng mức đầu tư của tiểu dự án không thay đổi, nhưng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) giảm trên 13 triệu USD, nên việc thi công các hạng mục hầu hết đình trệ.

Tỉnh Khánh Hòa phải bố trí số vốn tương ứng phần thiếu hụt nếu muốn tiểu dự án này được triển khai thực hiện trọn vẹn.

Sau khi xin ý kiến của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa và được đồng ý chủ trương về việc điều chỉnh đầu tư sử dụng vốn đối ứng bằng ngân sách tỉnh để tiếp tục triển khai 2 hợp phần của dự án, Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa tiếp tục hoàn thiện các thủ tục cần thiết.

Ông Nguyễn Khắc Toàn, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Khánh Hòa cho biết việc thực hiện điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn đối ứng của dự án Môi trường bền vững các thành phố duyên hải - Tiểu dự án Nha Trang (CCSEP) nhằm tạo điều kiện cho dự án hoàn thiện công trình, hoàn thành các hạng mục của dự án một cách đồng bộ, góp phần cải thiện môi trường cho thành phố Nha Trang.

Đồng thời, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội của địa phương theo như mục tiêu đặt ra; đồng thời phát huy tối đa hiệu quả của dự án trong việc sử dụng nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi.

Theo Nghị quyết, khối lượng còn lại thuộc hợp phần 1 và hợp phần 2 của dự án sẽ được thực hiện bằng nguồn vốn đối ứng từ ngân sách tỉnh, thay cho nguồn vốn vay của Nhà tài trợ WB. Qua đó, điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn dự án theo hướng tăng vốn đối ứng bằng ngân sách tỉnh từ 11,4 triệu USD ban đầu, lên hơn 25 triệu USD (tương đương 575 tỷ đồng), tăng trên 13,6 triệu USD.

Ông Trần Hòa Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa cho biết sau khi Hội đồng Nhân dân tỉnh ra Nghị quyết điều chỉnh, chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án Phát triển tỉnh Khánh Hòa sẽ tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh hoàn thiện thủ tục trình các Bộ, Ngành thẩm định và Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt điều chỉnh nguồn vốn đổi ứng và gia hạn thời gian thực hiện dự án, theo quy định./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục