Thêm hơn 1 tỷ USD vốn FDI được “rót” vào Thành phố Hồ Chí Minh

TP.HCM có 181 dự án nước ngoài được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn là 186,25 triệu USD (tăng 81% số dự án cấp mới, giảm 48,28% vốn đầu tư so với cùng kỳ).
Khu vực chế biến thủy sản của Công ty cổ phần Kinh doanh Thủy hải sản Sài Gòn. (Ảnh minh họa. Xuân Anh/TTXVN)

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh, trong 4 tháng đầu năm nay, tính chung cả vốn thu hút được dưới hình thức cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và vốn thu hút được qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước, Thành phố Hồ Chí Minh thu hút được 1,28 tỷ USD, tăng 12,18% tổng vốn đầu tư so với cùng kỳ.

Cụ thể, các dự án đầu tư nước ngoài được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư có 181 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là 186,25 triệu USD (tăng 81% số dự án cấp mới, giảm 48,28% vốn đầu tư so với cùng kỳ); trong đó, Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Khu Công nghiệp thành phố cấp 4 dự án; Ban Quản lý Khu công nghệ cao thành phố cấp 1 dự án; Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp 176 dự án.

Về ngành nghề, lĩnh vực đầu tư, thông tin và truyền thông có vốn đầu tư nhiều nhất chiếm 51,48%; bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ôtô, môtô, xe máy chiếm 23,25%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm chiếm 11,84%; công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 5,5%. Trong 4 tháng đầu năm, Singapore có vốn đầu tư chiếm tỷ trọng lớn nhất (51,95%), Nhật Bản chiếm 16,01%, Hàn Quốc chiếm 13,83%...

Cùng với đó, trong 4 tháng đầu năm, thành phố có 44 lượt dự án được cấp phép từ các năm trước thực hiện điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm hơn 640 triệu USD (bao gồm các dự án tăng và giảm vốn), tăng 46,67% về số dự án và tăng gần 59% về vốn điều chỉnh so với cùng kỳ.

Các cơ quan chứ năng của Thành phố Hồ Chí Minh cũng chấp thuận cho 722 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục để được góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước với vốn góp đăng ký tương đương hơn 453 triệu USD, tăng gần 32% so với cùng kỳ về số trường hợp, tăng xấp xỉ 20% về vốn.

[TP.HCM cần xác định giải pháp đột phá, đảm bảo kinh tế phục hồi nhanh]

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh, bên cạnh những dự án đầu tư mới và đầu tư mở rộng, tính từ đầu năm đến nay có 54 dự án đề nghị chấm dứt hoạt động.

Đối với hoạt động thành lập doanh nghiệp trong nước, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh, trong 4 tháng đầu năm, tính chung tổng vốn đăng ký và bổ sung là 390.837 tỷ đồng, tăng 2,6% so với cùng kỳ; trong đó thành phố có 13.461 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 192.217 tỷ đồng, tăng 15,87% về số lượng so với cùng kỳ và giảm 8,59% về vốn đăng ký so với cùng kỳ; 33.416 lượt doanh nghiệp đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh, trong đó vốn điều chỉnh bổ sung tăng 198.620 tỷ đồng, tăng 16,38% so với cùng kỳ.

Ngoài ra, Thành phố Hồ Chí Minh có 1.259 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tại Sở Kế hoạch và Đầu tư giảm hơn 26% so với cùng kỳ; có 12.034 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, tăng gần 53% so với cùng kỳ; 7.489 doanh nghiệp hoạt động trở lại tăng hơn 34% so với cùng kỳ. Tổng số doanh nghiệp trên hệ thống hiện tại là 487.813 doanh nghiệp với số vốn 9.023.917 tỷ đồng.

Liên quan đến hoạt động xúc tiến đầu tư, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, trong tháng 4, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư vào huyện Hóc Môn và Củ Chi, thu hút hàng trăm doanh nghiệp trong và ngoài nước tham dự, tìm kiếm cơ hội đầu tư vào khu vực này.

Tại hội nghị, thành phố đã trao 10 Giấy Chứng nhận đăng ký đầu tư cho các nhà đầu tư và trao 31 bản ghi nhớ đầu tư vào Hóc Môn, Củ Chi với tổng trị giá khoảng hơn 16 tỷ USD.

Theo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, các dự án mới sẽ tạo thêm nguồn lực cho đầu tư, hoàn thiện hạ tầng cơ sở, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người dân, đóng góp ngân sách, phát triển địa phương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục