Thêm 4 ngân hàng nhà nước góp vốn tín dụng giảm nghèo vùng Tây Bắc

Trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc Nguyễn Văn Bình yêu cầu bố trí thêm nguồn lực từ ngân sách địa phương để cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách.
Thêm 4 ngân hàng nhà nước góp vốn tín dụng giảm nghèo vùng Tây Bắc ảnh 1Trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc Nguyễn Văn Bình phát biểu tại Hội nghị. (Nguồn: NHCSXH)

Trong những năm qua, với sự nỗ lực của các địa phương và sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương, vùng Tây Bắc đã có những bước phát triển và thay đổi tích cực. Trong giai đoạn 2011-2015, vốn tín dụng chính sách đầu tư tại khu vực Tây Bắc đã góp phần giúp trên 318.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo và thu hút, tạo việc làm mới cho gần 114.000 lao động, trong đó gần 6.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

Thông tin trên được công bố tại Hội nghị tổng kết 5 năm (giai đoạn 2011-2015) thực hiện tín dụng chính sách tại vùng Tây Bắc do Ban chỉ đạo Tây Bắc và Ngân hàng Chính sách Xã hội tổ chức ngày 21/9 tại Lào Cai.

Tỷ lệ hộ nghèo giảm hơn một nửa

Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách Xã hội, những năm qua các chính sách tín dụng đã tập trung vào “lõi nghèo” Tây Bắc. Với 12 chương trình tín dụng, cùng như đặc thù cho vùng, hiện nay tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tại vùng Tây Bắc đạt 32.194 tỷ đồng, tăng 13.879 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2010, tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân hàng năm giai đoạn 2011-2015 đạt 10,3% (bình quân toàn quốc tăng 9,8%). Có trên 1.226 nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn.

Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn giai đoạn 2011-2015 tại vùng Tây Bắc từ 34,58% (cuối năm 2010) đã giảm xuống còn 14,97% (năm 2015), trong đó, 45 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a giảm từ 57,52% (năm 2010) xuống còn 26% (năm 2015).

Trước đây có rất nhiều trường hợp học sinh sinh viên thi đỗ vào các trường đại học nhưng gia đình quá nghèo không đủ điều kiện nên phải bỏ học, nay được Ngân hàng Chính sách cho vay vốn để tiếp tục theo học. Thành công của chương cho vay làm nhà ở cho hộ nghèo đã giải quyết được vấn đề nhà ở cho những người khó khăn nhất, đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu cho họ.

Nhìn chung nguồn vốn tín dụng chính sách trong thời gian qua đã đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng chính sách, đặc biệt nguồn vốn đã được Ngân hàng Chính sách tập trung cho những vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…

Phát biểu tại Hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách Lê Minh Hưng cho biết: Một điểm nổi bật là chất lượng tín dụng không ngừng được nâng cao. Đến nay tỷ lệ nợ quá hạn của Ngân hàng Chính sách nằm ở khoảng 0,45% trên tổng dư nợ, riêng vùng Tây Bắc chỉ còn 0,25%, đây là con số rất ấn tượng, rất yên tâm.

"Đạt được kết quả trên trước hết là do ý thức trách nhiệm, tự giác trả nợ của người vay, họ là những người nghèo nhưng biết chắt chiu từng đồng vốn để trả nợ đúng hạn cho ngân hàng," Thống đốc nhấn mạnh.

Tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn Hứa Thế Khoan tại xóm Yên Luật I, thị trấn Xuân Hoà, Hà Quảng, Cao Bằng chia sẻ, khi chưa có Ngân hàng Chính sách nhiều người dân sống trong cảnh không đủ cơm ăn, áo mặc, phải sống trong những ngôi nhà tạm bợ, dột nát. Các cháu phải nghỉ học để lao động phụ giúp gia đình vì không có tiền để nhập học.

Từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách đã từng bước đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn của những hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác để các hộ gia đình đề đầu tư sản xuất kinh doanh, góp phần nhanh chóng xóa được đói, giảm được nghèo tại địa phương.

Ông Khoan đưa ra dẫn chứng, tổ tiết kiệm và vay vốn xóm Yên Luật I năm 2011 có 30 thành viên, tổng dư nợ 506 triệu đồng, huy động tiền gửi tiết kiệm được 4,3 triệu đồng. Đến ngày 31/12/2015, tổ có 52 thành viên, tổng số dư nợ trong tổ 1.429 triệu đồng, tăng 923,5 triệu đồng; huy động gửi tiết kiệm được 11 triệu đồng, tăng 6,7 triệu đồng, không có nợ quá hạn, các hộ sử dụng vốn vay đúng mục đích.

Thêm 4 ngân hàng nhà nước góp vốn tín dụng giảm nghèo vùng Tây Bắc ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: Ngân hàng Chính sách)

Dồn lực cho Tây Bắc

Tại hội nghị, nhiều đại biểu cũng thừa nhận, tuy đạt được những kết quả tích cực, nhưng hoạt động tín dụng chính sách vẫn chưa đáp ứng được mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững (tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo vùng Tây Bắc còn cao gấp 3 lần cả nước); nguồn vốn còn hạn hẹp; việc phối hợp với hoạt động khuyến nông và tiêu thụ sản phẩm chưa tốt.

Ngoài ra những điều kiện khắc nghiệt của vùng (như mưa lũ, băng tuyết, thiên tai, dịch bệnh...) đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và hiệu quả sử dụng vốn tín dụng của hộ vay.

Ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương kiêm Trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc yêu cầu chính quyền địa phương vùng Tây Bắc thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 40 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; bố trí thêm nguồn lực từ ngân sách địa phương để cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách; tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát để giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác sử dụng vốn có hiệu quả.

Trưởng ban chỉ đạo Tây Bắc cũng yêu cầu Ngân hàng Chính sách quan tâm tập trung nguồn vốn tín dụng chính sách cho vùng Tây Bắc; củng cố và nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động, nhất là điểm giao dịch đặt tại các xã, đảm bảo ngày càng phục vụ tốt hơn và rộng khắp đến tất cả người nghèo và các đối tượng chính sách.

Thống đốc Lê Minh Hưng cũng yêu cầu Ngân hàng Chính sách tiếp tục thực hiện các chính sách về tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, giải ngân cho vay vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng một cách nhanh chóng và hiệu quả; nghiên cứu và phát hiện những bất cập trong quá trình thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, kịp thời đề xuất với Hội đồng quản trị và Chính phủ để xem xét đồng vốn tín dụng chính sách phù hợp với điều kiện thực tế sản xuất và phát huy được hiệu quả cao nhất có thể.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội nhận dịch vụ ủy thác, các tổ tiết kiệm và vay vốn, Ngân hàng Chính sách và quá trình sử dụng vốn của người vay. Phát huy sự tương trợ lẫn nhau của người vay vốn, đặc biệt là thành viên các tổ tiết kiệm và vay vốn thông qua việc giúp đỡ nhau sử dụng vốn vay có hiệu quả.

Người đứng đầu ngành ngân hàng cũng cho biết thêm, ngoài Ngân hàng Chính sách, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu 4 ngân hàng Nhà nước là Agribank, BIDV, VietinBank và Vietcombank đồng hành cùng với Ngân hàng Chính sách tạo đủ nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu cho vay trong thời gian tới./.

Trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phát biểu tại Hội nghị tín dụng chính sách xã hội vùng Tây Bắc.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục