Từ 20/7, Cục Bổ trợ tư pháp và Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực sẽ được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành Tư pháp.
Nội dung trên là một trong những quy định mới về tổ chức và hoạt động của thanh tra ngành Tư pháp tại Nghị định 54/2014/NĐ-CP vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành, thay thế Nghị định số 74/2006/NĐ-CP.
Nghị định 54/2014/NĐ-CP quy định cơ quan thực hiện chức năng thanh tra ngành Tư pháp gồm cơ quan thanh tra nhà nước và cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành. Trong đó, cơ quan thanh tra nhà nước gồm Thanh tra Bộ Tư pháp, Thanh tra Sở Tư pháp.
Nghị định cũng bổ sung quy định về người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành Tư pháp. Theo đó, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành Tư pháp là công chức của Cục Bổ trợ tư pháp, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của ngạch công chức đang giữ và các tiêu chuẩn quy định tại Điều 12 Nghị định số 07/2012/NĐ-CP.
Người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành Tư pháp của hai Cục này đang thi hành công vụ có quyền xử phạt vi phạm hành chính tương ứng với thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của thanh tra viên tư pháp.
Theo Nghị định 54/2014/NĐ-CP, đối tượng thanh tra chuyên ngành là các cơ quan, tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ chấp hành quy định của pháp luật trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp.
Nghị định quy định cụ thể về nội dung thanh tra chuyên ngành trong các lĩnh vực luật sư, tư vấn pháp luật, công chức, bán đấu giá tài sản, trọng tài thương mại, hộ tịch, nuôi con nuôi, quốc tịch, chứng thực, lý lịch tư pháp, phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, đăng ký giao dịch bảo đảm, trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, hợp tác với nước ngoài về pháp luật, giám định tư pháp, xử phạt vi phạm hành chính.
Nghị định cũng quy định về việc thanh tra lại vụ việc đã được Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp, Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch chứng thực nhưng phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật./.