Thế vận hội Tokyo - câu hỏi nan giải đối với thủ tướng Nhật Bản

Các chuyên gia y tế cảnh báo rằng việc tổ chức Thế vận hội có thể dẫn đến các sự kiện siêu lây nhiễm ở Nhật Bản và các quốc gia khác trong và sau thế vận hội này.
Thế vận hội Tokyo - câu hỏi nan giải đối với thủ tướng Nhật Bản ảnh 1(Ảnh: Aflo/Shutterstock)

Theo tờ Thời báo Nhật Bản, trong bối cảnh chỉ 2 tháng trước khi Thế vận hội Tokyo khai mạc, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga và liên minh cầm quyền của Đảng Dân chủ Tự do (LDP) và Đảng Công minh đang phải đối mặt với một vấn đề chính trị lớn.

Hiện có tới 10 trong số 47 tỉnh, thành - bao gồm cả thủ đô Tokyo - vẫn đang trong tình trạng khẩn cấp vì dịch COVID-19.

Ngày 24/5, Mỹ đã khuyến cáo công dân của mình không nên đến Nhật Bản vì nguy cơ lây nhiễm bệnh.

Các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy phần lớn công chúng đều muốn hủy Thế vận hội Tokyo, còn các chuyên gia y tế cảnh báo rằng việc tổ chức Thế vận hội có thể dẫn đến các sự kiện siêu lây nhiễm ở Nhật Bản và các quốc gia khác trong và sau thế vận hội này.

[Nhà tài trợ chính thức kêu gọi Nhật Bản hủy bỏ Thế vận hội Tokyo]

Bất chấp những lo ngại ngày càng tăng đó, Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) và Thủ tướng Yoshihide Suga vẫn khẳng định Thế vận hội Tokyo sẽ diễn ra theo đúng kế hoạch.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng quyết định hủy bỏ hoặc tiếp tục tổ chức Thế vận hội Tokyo sẽ mang lại những lợi thế và rủi ro chính trị lớn cho liên minh cầm quyền, và Thủ tướng Suga sẽ phải cân nhắc các lợi thế và rủi ro đó trước khi Chính phủ đưa ra bất kỳ quyết định cuối cùng nào về vấn đề này.

Thế vận hội Tokyo dự kiến sẽ khai mạc ngày 23/7, chưa đầy 3 tuần sau cuộc bầu cử Hội đồng Thành phố Tokyo vào ngày 4/7.

Trong khi đó, Thế vận hội dành cho người khuyết tật (Paralympic Tokyo) sẽ khai mạc vào ngày 24/8 và bế mạc vào ngày 5/9.

Về mặt chính trị, thời điểm diễn ra 3 sự kiện này khá tế nhị vì cũng trong tháng Chín sẽ có cuộc bầu cử Chủ tịch LDP, trong khi cuộc bầu cử Hạ viện sẽ phải được tổ chức trong thời gian từ nay tới tháng 10.

Nếu thành công, Thế vận hội Tokyo có thể nâng cao cơ hội chiến thắng của Thủ tướng Suga và liên minh cầm quyền trong cuộc bầu cử Hạ viện.

Ông Kenneth Mori McElwain, Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Tokyo, nhận định nếu diễn ra, Thế vận hội Tokyo có thể mang lại lợi thế cho Thủ tướng Suga và liên minh cầm quyền vào thời điểm bầu cử.

Ông nói: “Nếu các vận động viên Nhật Bản giành được nhiều huy chương vàng, các thông tin như vậy sẽ tràn ngập trong các bản tin và mọi người sẽ rất vui... Đặc biệt là ở khu vực nông thôn Nhật Bản - nơi LDP rất mạnh, niềm vui về thế vận hội cuối cùng sẽ lớn hơn những lo ngại về dịch COVID-19.”

Theo Giáo sư McElwain, trong trường hợp Thế vận hội Tokyo được tổ chức, kịch bản lý tưởng là Chính phủ Nhật Bản thực hiện theo các kế hoạch hiện tại (không có khán giả nước ngoài và có thể cho phép một số lượng hạn chế khán giả trong nước tới dự khán) và sau đó sẽ không xuất hiện các cụm lây nhiễm, trong khi công chúng không nghĩ rằng các nguồn lực y tế quan trọng đã được chuyển hướng để phục vụ cho thế vận hội chứ không phải cho chương trình tiêm chủng.

Trong khi đó, nhà báo Tetsuo Suzuki nhận định nếu quyết định cuối cùng của Chính phủ là vẫn tổ chức Thế vận hội Tokyo, một trong những điều có thể xảy ra và điều đó có thể ảnh hưởng đến cử tri là các khán giả truyền hình sẽ nhận thấy những thay đổi trong giọng điệu đưa tin liên quan đến Thế vận hội.

Ông nói: “Tôi nghĩ rằng những đài truyền hình đang phát đi những luận cứ về việc hủy Thế vận hội sẽ thay đổi giọng điệu và tập trung vào các sự kiện của Thế vận hội để tạo sự phấn khích cho công chúng. Tuy nhiên, tôi không nghĩ rằng mọi người sẽ hào hứng và sự ủng hộ nói chung sẽ không nồng nhiệt lắm.”

Theo ông Suzuki, những rủi ro về sức khỏe vẫn là mối quan tâm của cử tri.

Về khả năng hủy Thế vận hội Tokyo, cả ông Suzuki và Giáo sư McElwain đều cho rằng đó sẽ là một tin xấu đối với Thủ tướng Suga - người sẽ phải đối mặt với áp lực từ chức để chịu trách nhiệm chính trị.

Bên cạnh đó, việc hủy Thế vận hội Tokyo và Paralympic Tokyo sẽ liên quan đến các cuộc đàm phán khó khăn với IOC và có thể cả các vụ kiện về số tiền mà Tokyo phải chi trả liên quan tới chi phí hủy bỏ.

Mặt khác, nó cũng có thể làm dấy lên câu hỏi về những gì sẽ xảy ra với tất cả các khoản đầu tư liên quan đến Thế vận hội được thực hiện cho đến nay ở Tokyo và các nơi khác - một vấn đề có thể đặt Thủ tướng Suga và liên minh cầm quyền vào thế phòng thủ trước cuộc tổng tuyển cử.

Trong kịch bản tồi tệ nhất, việc quyết định tổ chức Thế vận hội Tokyo theo đúng kế hoạch có thể khiến Thủ tướng Suga và liên minh cầm quyền đối mặt với nguy cơ cuộc bầu cử chủ tịch LDP và cuộc bầu cử Hạ viện sẽ diễn ra trong lúc làn sóng dịch bệnh mới xuất hiện và các cử tri được yêu cầu ở nhà nếu có thể, các cơ sở kinh doanh buộc phải đóng cửa sớm, trong khi các cơ sở y tế rơi vào tình trạng căng thẳng.

Vì vậy, ông Suzuki cho rằng việc hủy bỏ sẽ là một quyết định được nhiều người ủng hộ và có thể mang lại lợi thế cho LDP vào thời điểm bầu cử.

Ông nói: “Việc hủy Thế vận hội Tokyo sẽ giúp tăng sự ủng hộ của công chúng đối với Thủ tướng Suga và các đảng cầm quyền. Tuy nhiên, rủi ro đó là các nhà tài trợ sẽ đòi tiền đền bù. Việc đối phó với vấn đề này trong trường hợp Thế vận hội bị hủy bỏ là vấn đề nan giải nhất đối với Chính phủ… Tuy nhiên, công chúng sẽ ủng hộ quyết định hủy Thế vận hội của Thủ tướng Suga."

Về phần mình, Giáo sư McElwain cho rằng số phận của Thế vận hội Tokyo có liên quan trực tiếp tới những tiến bộ mà chính phủ đạt được trong việc triển khai chương trình tiêm chủng phòng dịch COVID-19 trong những ngày tới.

Ông nhấn mạnh: “Câu hỏi đặt ra là liệu những lo ngại về sự kém cỏi (của Chính phủ) trong giai đoạn đầu thực hiện chương trình tiêm chủng có ảnh hưởng đến việc ra quyết định của các cử tri hay không.”

Giáo sư McElwain dự đoán sẽ có những tiến bộ đủ lớn trong việc triển khai chương trình tiêm chủng vào thời điểm diễn ra cuộc bầu cử Hạ viện, khi đó, những lời chỉ trích về chương trình này sẽ giảm dần và do đó, nguy cơ LDP thất bại trước các đảng đối lập sẽ thấp.

Tại thời điểm hiện nay, không có chuyên gia chính trị nào cho rằng liên minh cầm quyền giữa LDP và Đảng Công minh sẽ mất đa số ghế tại Hạ viện, bất kể Thế vận hội Tokyo diễn ra hay bị hủy bỏ.

Các cuộc thăm dò gần đây nhất cho thấy LDP không phải đối mặt với nguy cơ bị các đảng đối lập chính vượt qua.

Kết quả thăm dò dư luận do hãng tin Jiji Press tiến hành vào tuần trước cho thấy tỷ lệ ủng hộ đối với nội các của Thủ tướng Suga chỉ là 32,2%, nhưng tỷ lệ ủng hộ đối với LDP vẫn là 21,4%, cao hơn gần 5 lần so với con số 4,4% của Đảng Dân chủ Lập hiến Nhật Bản (CDPJ) đối lập.

Tỷ lệ ủng hộ đối với Đảng Công minh - đối tác của LDP trong liên minh cầm quyền hiện nay - là 2,6%, cao hơn so với con số 1,9% của Đảng Duy tân Nhật Bản (Nippon Ishin no Kai) và 1,5% của Đảng Cộng sản Nhật Bản (JCP).

Tuy nhiên, liệu liên minh cầm quyền có giữ được đa số 2/3 ghế tại Hạ viện sau cuộc tổng tuyển cử hay không lại là một vấn đề không chắc chắn. Điều này rất quan trọng bởi vì nó sẽ giúp liên minh cầm quyền thúc đẩy sửa đổi Hiến pháp.

Hiện tại, LDP và Đảng Công minh cộng với Nippon Ishin no Kai chỉ có vừa đủ ghế trong Hạ viện để tạo thành đa số 2/3 cần thiết để thông qua các dự thảo sửa đổi Hiến pháp - một chủ đề tranh luận chính trong cuộc bầu cử sắp tới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục