Theo AFP/Trang mạng cnn.com/Đài RFI, chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh sẽ diễn ra, dự kiến được tổ chức từ ngày 4-20/2/2022.
Đây là sự kiện được giới lãnh đạo Trung Quốc hết sức mong đợi để tô bóng hình ảnh của mình.
Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 18/11 vừa qua đã phủ bóng đen lên sự kiện này, khi tuyên bố “đang cân nhắc” khả năng tẩy chay Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh trên phương diện ngoại giao để phản đối các hành động vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc.
Phát biểu với các phóng viên tại Phòng Bầu dục sau cuộc gặp song phương với Thủ tướng Canada Justin Trudeau, ông Biden nói: "Đó là điều mà chúng tôi đang xem xét."
Trước đó, một quan chức chính quyền cấp cao nói với CNN hôm 17/11 rằng ông Biden dự kiến sẽ không tham dự Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh vào tháng 2/2022 và chính quyền của ông đang trên đà thực hiện một cuộc tẩy chay ngoại giao đối với sự kiện này.
Quan chức cấp cao này cho biết thêm Tổng thống Biden vẫn chưa chính thức khẳng định việc không cử quan chức chính phủ nào tham dự sự kiện, nhưng các cuộc thảo luận liên quan đến vấn đề này đều nghiêng về hướng đó.
Tẩy chay ngoại giao là một hình thức phản đối “mềm” nghĩa là không cử các quan chức chính phủ đến dự Olympic Bắc Kinh, nhưng vẫn để cho các vận động viên thể thao đến thi đấu, cho phép các nhà nước biểu thị thái độ cứng rắn đối với nước chủ nhà của sự kiện, nhưng không làm ảnh hưởng đến các vận động viên.
Tẩy chay ngoại giao khác với hình thức tẩy chay hoàn toàn, tức là cấm toàn bộ việc tham gia, điều đã từng xảy ra tại kỳ Thế vận hội mùa Hè Moskva năm 1980, vốn từng bị Mỹ tẩy chay, và Los Angeles năm 1984 khi bị Liên Xô trả đũa.
[Nỗ lực đưa quan hệ giữa Mỹ-Trung Quốc về quỹ đạo ổn định]
Quyết định của Mỹ, nếu thành hiện thực, sẽ khiến Trung Quốc giận dữ, và Bắc Kinh đã từng phản ứng dữ dội trong quá khứ khi vấn đề tẩy chạy được đặt ra, dù dưới bất kỳ hình thức tẩy chay nào.
Theo hãng tin Pháp AFP, từ nhiều tháng qua, Washington đã cố tìm cách tốt nhất để tỏ thái độ về một sự kiện toàn cầu như thế vận hội, nhưng lại được tổ chức ở một quốc gia bị Mỹ cáo buộc là phạm tội ác “diệt chủng” đối với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, ở vùng Tây Bắc Trung Quốc.
Cho đến nay, khi được đặt câu hỏi về quyết định tẩy chay hay không tẩy chay, chính quyền Biden vẫn giữ thái độ thận trọng, cho biết rằng họ muốn phối hợp với các đồng minh để có một “cách tiếp cận chung.”
Tuy nhiên, trong bối cảnh ngày khai mạc thế vận hội đã gần kề, chính quyền Biden dường như không còn chờ đợi được. Ngày 16/11, nhật báo Mỹ The Washington Post tiết lộ rằng vào cuối tháng 11/2021, Tổng thống Mỹ có thể sẽ “thông qua” phương án tẩy chay ngoại giao do các cố vấn của ông chính thức đề xuất.
Trước đó, chính Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng nói rằng Washington đang thảo luận với các đồng minh khắp thế giới về vấn đề tham dự Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh, nhưng không nói rõ về hạn chót để đưa ra quyết định.
Chủ đề về Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh và sự tham dự của Biden không được đề cập trong cuộc họp kéo dài 3 tiếng rưỡi vào tối 15/11 với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Tuy nhiên, hai nhà lãnh đạo đã tham gia vào một "cuộc tranh luận lành mạnh" về một số vấn đề, theo một quan chức cấp cao của chính quyền Biden có mặt tại các cuộc thảo luận.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết chiều 18/11 rằng quyết định xem xét tẩy chay Thế vận hội "không nói lên điều gì" về cuộc gặp Biden-Tập Cận Bình. Psaki nói: “Ngay từ khi chính quyền này lên nắm quyền, chúng tôi đã nói rằng bởi vấn đề đó liên quan đến cách chúng tôi can dự với Trung Quốc, nên chúng tôi nhìn nhận điều đó qua lăng kính cạnh tranh chứ không phải xung đột."
Psaki lặp lại những quan ngại nghiêm trọng của chính quyền về hành vi vi phạm nhân quyền của Trung Quốc, đồng thời nói thêm rằng "chắc chắn có một loạt các yếu tố khi chúng tôi xem xét sự hiện diện của chúng tôi.”
Khi được yêu cầu cung cấp thêm thông tin về khả năng xảy ra một cuộc tẩy chay ngoại giao và điều đó có ý nghĩa gì đối với các vận động viên, Psaki cho biết bà chưa có thông tin cập nhật về sự hiện diện của Mỹ tại sự kiện đó.
Dẫu sao việc chính quyền Biden quyết định tẩy chay Thế vận hội Bắc Kinh đáp ứng một đòi hỏi trong công luận Mỹ. Theo AFP, trong những tháng gần đây, càng lúc càng có thêm các nghị quyết và dự luật được đưa ra trước Quốc hội Mỹ, một số nhắm việc trừng phạt các công ty đồng ý tài trợ cho Thế vận hội Bắc Kinh, số khác kêu gọi Ủy ban Olympic Quốc tế chuyển sự kiện sang nước khác.
Phương án tẩy chay ngoại giao đã được Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi thuộc Đảng Dân chủ đề xuất hồi tháng 5/2021.
Trong tình hình đó, quyết định tẩy chay chắc chắn sẽ được rất nhiều người tán đồng, cho dù sẽ vấp phải một số phản ứng chống đối, nhưng từ phía những người muốn đi xa hơn. Một số nghị sỹ thuộc diện diều hâu trong Đảng Cộng hòa đã kêu gọi ông Joe Biden tuyên bố tẩy chay hoàn toàn Thế vận hội Bắc Kinh, chứ không chỉ là tẩy chay ngoại giao.
Theo hãng AFP, nghị sỹ Mỹ Mike Waltz lập luận rằng “Làm sao mà chúng ta có thể vẫy cờ Mỹ” ở Bắc Kinh và “làm ngơ trước tất cả những hành vi tội ác” của Trung Quốc. Nghị sỹ này không ngần ngại tố cáo phản ứng yếu ớt của Ủy ban Olympic Quốc tế về số phận của nhà vô địch quần vợt Trung Quốc Bành Súy, người đã “mất tích” sau khi tố cáo một cựu phó thủ tướng là đã cưỡng ép cô về tình dục./.