Năm 2020, dịch COVID-19 đã tác động đến hầu hết các mặt của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực thể thao. Do mức độ nguy hiểm của dịch COVID-19, ngành thể dục thể thao đã có những giai đoạn "đóng băng," tạm dừng các giải đấu trong nước để đảm bảo an toàn cho toàn thể lực lượng các chuyên gia, huấn luyện viên, vận động viên, đồng thời chung tay cùng cả nước chống dịch.
Nhiều giải đấu phải hoãn, hủy
Môn thể thao giành được nhiều sự quan tâm nhất của người hâm mộ có lẽ là bóng đá. Sức lan tỏa của môn "thể thao vua” là không giới hạn tuổi tác, giới tính. Những giải đấu lớn trong nước như V-League, Cúp quốc gia, trận Siêu cúp quốc gia... luôn thu hút đông đảo khán giả tới các sân vận động từ Bắc tới Nam để cổ vũ cho các đội tuyển.
Nhưng khi trong nước ghi nhận những ca mắc SARS-CoV-2 trong cộng đồng và diễn biến dịch bệnh ngày càng phức tạp, khó lường thì ban tổ chức các giải đấu bóng đá buộc phải đưa ra quyết định tạm dừng các trận đấu vào thời điểm tháng 2 và tháng 7/2020.
[Các bộ môn thể thao nỗ lực hướng tới thành tích cao tại SEA Games 31]
Cùng với bóng đá, điền kinh cũng chịu chung số phận khi vào thời điểm đầu năm 2020, một loạt các giải đấu buộc phải tạm hoãn hoặc lùi lịch thi đấu do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Có thể kể đến Giải Việt dã leo núi chinh phục đỉnh Non Vua 2020; Giải Spartan Race Vietnam 2020; Giải Tay Ho Half Marathon 2020; Giải Sun Life Resolution Run; Giải Wow Marathon Phú Quốc 2020; Giải VnExpress Marathon Hanoi Midnight 2020; Giải Dalat Ultra Trail 2020; Giải Dalat Victory Challenge 2020; Giải Hà Nội Marathon Techcombank 2020; Giải Ecopark Marathon 2020; Giải VnExpress Marathon Huế 2020; Giải Mekong Delta Marathon 2020...
Vào đầu tháng 2/2020, Tổng cục Thể dục thể thao (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cũng đã ra thông báo tạm dừng tổ chức các giải thi đấu thể thao trong hệ thống thi đấu quốc gia và quốc tế tại Việt Nam. Tới tháng 8/2020, khi dịch bệnh tiếp tục trở lại với các ca lây nhiễm trong cộng đồng sau một thời gian dài cơ bản được khống chế, một số giải thể thao vừa "rục rịch" trở lại thì buộc phải hoãn hoặc lùi thời gian tổ chức như: Giải Vô địch điền kinh trẻ và các lứa tuổi trẻ quốc gia; Giải Vô địch các câu lạc bộ cầu mây toàn quốc năm 2020; Giải Vô địch Boxing trẻ toàn quốc năm 2020...
Dù việc hoãn tổ chức các giải thể thao trong nước và quốc tế là đáp ứng yêu cầu khách quan trong công tác phòng, chống dịch nhưng điều này cũng ảnh hưởng lớn đến kế hoạch chuyên môn của các đội tuyển thể thao quốc gia.
Không có nhiều cơ hội thi đấu, tập huấn nước ngoài
Không chỉ ở Việt Nam, thể thao các nước trên thế giới cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch COVID-19. Điều này dẫn đến việc các vận động viên Việt Nam không có nhiều cơ hội để tham gia thi đấu, tập huấn ở các giải đấu, sự kiện thể thao quốc tế.
Theo đại diện Bộ môn Taekwondo (Tổng cục Thể dục thể thao), do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên kế hoạch tập huấn, thi đấu của đội tuyển bị thay đổi. Cụ thể, đội tuyển chỉ có thể tập huấn và tham dự các giải thi đấu trong nước, kế hoạch tập huấn và thi đấu nước ngoài đều bị đình trệ. Đây cũng là khó khăn đáng kể đối với các vận động viên bởi thể thao thành tích cao. Bởi lẽ phải thi đấu, các vận động viên mới bộc lộ hết được các điểm mạnh, yếu, rèn luyện các kỹ năng, thể lực, thậm chí cả tâm lý thi đấu. Việc không được thi đấu cũng phần nào khiến phong độ của các vận động viên bị ảnh hưởng, giảm sút.
Đối với Judo và Kurash, đại diện bộ môn này cũng cho biết do giải thi đấu để nâng cao trình độ và những đợt tập huấn không triển khai được, các vận động viên chủ yếu tập luyện và thi đấu trong nước nên cũng sẽ hạn chế nâng cao trình độ, đặc biệt là rất khó để đánh giá thực lực các đối thủ.
Theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao Lê Thị Hoàng Yến, do ảnh hưởng dịch bệnh nên việc không thể sang nước ngoài tập luyện, thi đấu cũng gây khó khăn không nhỏ cho các vận động viên.
Từ thực tiễn có thể thấy dịch COVID-19 đã ảnh hưởng rất lớn tới nền thể dục thể thao nước nhà. Công tác tập luyện, tập huấn, thi đấu cũng bị tác động không nhỏ. Việc duy trì thể lực, độ hưng phấn và đặc biệt là giữ được “điểm rơi phong độ” của các vận động viên rất khó khăn.
Ngoài ra, việc không thể thi đấu, không có giải đấu cũng khiến cho tâm lý của các vận động viên bị ảnh hưởng phần nào. Khi các giải đấu đã “đóng băng” đồng nghĩa với việc các vận động viên không có cơ hội để cống hiến, thể hiện năng lực của bản thân, không thể đem về huy chương, giải thưởng. Điều này cũng có nghĩa là nguồn thu nhập của các vận động viên bị sụt giảm đáng kể, gây áp lực tâm lý vô hình khi phải đối mặt với nỗi lo về cuộc sống, kinh tế bản thân và gia đình./.