Thể thao trong thời dịch COVID-19: Nỗ lực vươn mình ra “biển lớn”

Hiện vận động viên hàng ngày say mê tập luyện nên nhân dân, người yêu thể thao nói riêng hoàn toàn có đủ cơ sở để kỳ vọng vào nền thể thao nước nhà sẽ chuyển mình vươn ra “biển lớn” thời gian tới.
Các cầu thủ nữ của Đội tuyển nữ quốc gia được triệu tập. (Nguồn: vff.org.vn)

Do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nên một số giải đấu, sự kiện thể thao 2020 phải tạm thời dời lịch thi đấu sang năm 2021.

Đặc biệt, năm 2021 là năm Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) và Đại hội Thể thao Người khuyết tật Đông Nam Á lần thứ 11 (ASEAN Para Games 11) mà Việt Nam là nước chủ nhà. Mọi công tác chuẩn bị đều được ngành thể dục thể thao nỗ lực thực hiện một cách tốt nhất.

Bận rộn với nhiều sự kiện thể thao

Năm 2021, là năm diễn ra SEA Games lần thứ 31 và ASEAN Para Games lần thứ 11 tại Việt Nam, đồng thời cũng là năm bản lề có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển sự nghiệp thể dục thể thao trong giai đoạn 2021-2025.

Trong bối cảnh đó, Tổng cục Thể dục thể thao xác định phương hướng năm 2021 là tập trung đổi mới mạnh mẽ, phát huy hiệu quả công tác thể dục thể thao, tiếp tục xây dựng các Nghị quyết, Chiến lược phát triển thể dục thể thao Việt Nam trong giai đoạn mới. Ngành cũng đẩy mạnh các hoạt động thể dục thể thao quần chúng, nâng cao thể thao thành tích cao trên trường quốc tế, chuẩn bị tốt lực lượng tham dự Olympic, Paralympic; SEA Games 31, ASEAN Para Games 11 tại Việt Nam.

Tổng cục Thể dục thể thao cũng đề ra nhiều mục tiêu như: Hoàn thành các văn bản quy phạm pháp luật và các đề án được giao đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng. Ngành phấn đấu số người luyện tập thể dục thể thao thường xuyên đạt 35,5%, số gia đình tập luyện thể dục thể thao đạt 26,8%; phấn đấu có khoảng 20 vận động viên vượt qua vòng loại Olympic, Paralympic và đạt huy chương Olympic và Paralympic; phấn đấu giữ vững vị trí là một trong 3 nước đứng đầu và tổ chức thành công SEA Games 31; ASEAN Para Games 11.

Trong năm 2021, ngành thể dục thể thao cũng tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại;” chương trình Bơi an toàn phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em và Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030. Ngành cũng tổ chức, điều hành 32 giải thể thao quần chúng toàn quốc, 18 lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ thể dục thể thao.

[Thể thao Việt Nam thời dịch COVID-19: Thích ứng trong tình hình mới]

Đối với thể thao thành tích cao, ngành dự kiến sẽ tổ chức và phối hợp tổ chức, điều hành trên 175 giải thể thao trong nước và quốc tế tại Việt Nam; mở 36 lớp tập huấn trọng tài, huấn luyện viên thể thao. Đồng thời, phối hợp với Liên đoàn Bóng đá Việt Nam chỉ đạo tổ chức tốt V.League 2021 đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và chuẩn bị cho đội tuyển bóng đá tham dự các trận thuộc vòng loại World Cup khu vực châu Á và SEA Games 31.

Nỗ lực vươn mình ra “biển lớn”

Năm 2021, SEA Games 31 và ASEAN Para Games 11 sẽ được tổ chức tại Việt Nam, đây không chỉ là vinh dự khi là nước chủ nhà, mà cũng là dịp để nước ta quảng bá tới bạn bè thế giới biết tới những nét văn hóa, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa cũng như sự hiếu khách, thân thiện của con người Việt Nam.

Dù thời gian từ nay tới 2 Đại hội còn khá dài, nhưng các cấp, ngành hữu quan đã lên kế hoạch, phương án tổ chức chu đáo, tăng cường sự phối hợp liên ngành giữa các đơn vị liên quan để triển khai đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng các công tác chuẩn bị về hậu cần, cơ sở vật chất, tài chính, vận động tài trợ, an ninh, giao thông, tuyên truyền, lễ tân-khánh tiết, khai mạc-bế mạc, y tế và kiểm tra doping...

Trong thời gian qua, lãnh đạo Tổng cục Thể dục thể thao thường xuyên làm việc với các địa phương đăng cai tổ chức nội dung thi đấu để khảo sát, rà soát cơ sở vật chất, kỹ thuật, nhân lực, đảm bảo công tác tổ chức diễn ra tốt nhất.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao Lê Thị Hoàng Yến cho rằng việc tổ chức thành công SEA Games 31 và ASEAN Para Games 11 ngoài các yếu tố về cơ sở vật chất, công tác tổ chức, mấu chốt cần được quan tâm là các vận động viên.

(Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

Mặc dù mọi mặt đời sống xã hội đều bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhưng các chuyên gia, huấn luyện viên, vận động viên vẫn luôn nỗ lực khắc phục khó khăn, ngày đêm tập luyện miệt mài, tìm tòi, sáng tạo ra những phương pháp tập luyện mới hiệu quả.

Nỗ lực của các vận động viên được thể hiện rõ rệt. Nếu như trước đây, ở một số nội dung thi đấu, chỉ có 1-2 vị trí có đủ khả năng tham dự, tranh chấp huy chương ở các đấu trường lớn, giờ đây số lượng đã nhiều nhiều gương mặt có trình độ, chuyên môn, năng lực tốt, phong độ cao, nên việc cạnh tranh suất thi đấu giữa các vận động viên cũng hết sức quyết liệt. Có thể thấy ở Giải Điền kinh vô địch quốc gia diễn ra tháng 11/2020, nhiều vị trí hàng đầu đã bị đổi ngôi. Bà Lê Thị Hoàng Yến cho biết thêm.

Trước đây, thể thao Việt Nam chủ yếu tập trung vào những môn thi đấu có thế mạnh, nhiều người tập luyện, nhưng trong những năm gần đây, ngành thể dục thể thao đã hướng tới những môn thi đấu Olympic và chúng ta đã giành được một số thành tích đáng kể ở những kỳ Olympic, Paralympic, Đại hội Thể thao châu Á và SEA Games...

Cũng theo Phó Tổng cục trưởng Lê Thị Hoàng Yến, tại kỳ SEA Games 31 lần này, Việt Nam sẽ đưa vào những nội dung thi đấu được nhiều nước tham gia nhất để tạo sự công bằng và nâng cao tinh thần “fairplay” trong thể thao.

Với sự nỗ lực, quyết tâm cao cùng tinh thần thượng võ của dân tộc, ngành thể dục thể thao và các đơn vị liên quan đang gấp rút chuẩn bị, các vận động viên đang hàng ngày say mê luyện tập để đạt được tâm thế tốt nhất chuẩn bị cho các giải đấu lớn trong năm 2021 và những năm tiếp theo. Nhân dân và những người yêu thể thao nói riêng hoàn toàn có đủ cơ sở để kỳ vọng vào nền thể thao nước nhà sẽ chuyển mình vươn ra “biển lớn” trong thời gian tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục