Thể thao người khuyết tật song hành cùng dòng chảy thể thao nước nhà

Những giải thưởng, huy chương đã góp phần khẳng định khả năng, tôn vinh những nỗ lực, vượt lên nghịch cảnh, phá bỏ rào cản tự ti của người khuyết tật trong hành trình song hành cùng thể thao nước nhà.
Thể thao người khuyết tật song hành cùng dòng chảy thể thao nước nhà ảnh 1Vận động viên Võ Thanh Tùng tự hào giơ cao tấm huy chương vàng thứ 3 tại Asian Para Games 2018. (Ảnh: Hải Ngọc/TTXVN)

Những năm qua, thể thao người khuyết tật đã đóng góp không nhỏ vào bảng vàng thành tích của thể thao Việt Nam. Rất nhiều gương mặt vận động viên người khuyết tật đã được vinh danh trên các đấu trường thể thao khu vực và quốc tế.

Việc luyện tập thể thao ngoài việc rèn luyện thể lực, nâng cao sức khỏe cho người khuyết tật, thì đây còn là cơ hội giúp họ cống hiến tài năng cho thể thao nước nhà, họ cũng có thêm tự tin, nghị lực để vươn lên trong cuộc sống.

Chinh phục những đỉnh cao mới

Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Paralympic Việt Nam Vũ Thế Phiệt, những năm qua, thể thao người khuyết tật nước ta đã giành được không ít giải thưởng, thành tích trong khu vực và quốc tế.

Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên không có cuộc thi giành suất tham dự Paralympic nên vẫn căn cứ kết quả năm 2019. Ủy ban Paralympic Thế giới (IPC) đã công nhận 9 vận động viên của Việt Nam đủ điều kiện đạt chuẩn A tham dự Paralympic Games diễn ra tại Tokyo (Nhật Bản) gồm 1 vận động viên điền kinh, 4 vận động viên cử tạ và 4 vận động viên bơi lội.

Ông Vũ Thế Phiệt cũng chia sẻ, đối với thể thao người khuyết tật, Việt Nam có thế mạnh về một số môn như cử tạ, bơi lội và điền kinh. Lực lượng vận động viên tham dự Paralympic thế giới hiện vẫn đang nỗ lực tập luyện để chuẩn bị cho các giải đấu quan trọng sắp tới ở khu vực và thế giới.

[Việt Nam chính thức được quyền tổ chức ASEAN Para Games 11]

Mới đây, tại phiên họp lần thứ hai Hội nghị Hội đồng Thể thao các quốc gia người khuyết tật Đông Nam Á (APSF) và công tác tổ chức Đại hội Thể thao người khuyết tật Đông Nam Á lần thứ 11 (ASEAN Para Games 11) đã diễn ra theo hình thức trực tuyến. Tại hội nghị, lãnh đạo Liên đoàn Thể thao người khuyết tật Đông Nam Á đã phê chuẩn việc trao quyền tổ chức ASEAN Para Games 11 cho Việt Nam.

Theo đó, Việt Nam sẽ tổ chức 11 môn thi đấu. Trong đó, điền kinh và bơi lội sẽ thi đấu tại Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình từ ngày 18-22/12. Môn cử tạ diễn ra tại Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể thao Hà Nội từ ngày 19-21/12. Môn cầu lông diễn ra tại Nhà thi đấu Cầu Giấy từ ngày18-22/12; bóng bàn tại Nhà thi đấu Bắc Từ Liêm từ ngày18-22/12); cờ vua diễn ra tại Nhà thi đấu Hà Đông từ ngày 18-23/12.

Tiếp theo là môn bắn cung diễn ra Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể thao Hà Nội từ ngày 18-22/12; bóng lăn người khiếm thị tại Nhà thi đấu Quần ngựa từ ngày 19-22/12; quần vợt xe lăn tại Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể thao Hà Nội từ ngày 19-21/12; Bocia tại Nhà thi đấu Tây Hồ từ ngày 18-22/12 và Judo tại Nhà thi đấu Hoài Đức từ ngày 19-21/12.

Hiện nay, Hiệp hội Hiệp hội Paralympic Việt Nam đang nỗ lực phối hợp với các đơn vị liên quan chuẩn bị tổ chức Đại hội Thể thao Người khuyết tật toàn quốc, dự kiến từ tháng 4-6/2021 nhằm tuyển chọn các vận động viên xuất sắc để tham dự cho ASEAN Para Games 11.

Từng bước phát triển theo hướng chuyên nghiệp

Để có được thành tích như hiện nay, phải nhớ tới sự ra đời của Hiệp hội Paralympic Việt Nam ra đời năm 1995 với nhiệm vụ tổ chức huấn luyện và thi đấu các Giải Thể thao Người khuyết tật toàn quốc hàng năm.

Các hoạt động của Hiệp hội từ đó đến nay đã góp phần tác động trực tiếp đến sức khỏe của người khuyết tật, giúp họ khắc phục thương tật, hồi phục sức khỏe, hòa nhập cộng đồng.

Chất lượng phong trào vận động người khuyết tật tham gia tập luyện thể dục thể thao năm sau luôn cao hơn năm trước, đến nay 8 câu lạc bộ thể thao người khuyết tật ở cơ sở được kiện toàn. Số vận động viên khuyết tật tham gia tập luyện thể thao thường xuyên tại các cơ sở tập luyện đã lên tới hơn 1,2 triệu người/năm.

Thể thao người khuyết tật song hành cùng dòng chảy thể thao nước nhà ảnh 2

Hiệp hội Paralympic Việt Nam cũng đã phối hợp với Vụ Thể dục thể thao quần chúng chú trọng công tác phát triển phong trào, duy trì ổn định ở một số địa phương trọng điểm.

Hiệp hội phối hợp với các đơn vị liên quan làm việc với các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội thể thao người khuyết tật Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội về việc giúp đỡ, tạo điều kiện để phát triển phong trào thể thao người khuyết tật, nhất là các môn thể thao mới, như bóng lăn người khiếm thị, bắn cung, Boccia, Judo và Quần vợt xe lăn.

Một số tỉnh, thành phố đã kiện toàn tổ chức Hội người khuyết tật như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Nam, Hà Giang, Quảng Trị, Đà Nẵng, Cần Thơ...

Trong năm 2020, dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm, Hiệp hội Paralympic Việt Nam phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức thành công Giải Vô địch điền kinh và bơi người khuyết tật toàn quốc vào tháng 11/2020 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Giải đã thu hút trên 750 vận động viên, huấn luyện viên và cán bộ của 21 đoàn tham gia. 282 bộ huy chương đã được trao cho các vận động đạt thành tích xuất sắc ở các nội dung thi đấu.

Cùng với đó, Giải Vô địch các môn cầu lông, bóng bàn, cờ vua, Boccia, cử tạ người khuyết tật toàn quốc cũng được tổ chức vào tháng 12/2020 tại Thành phố Hồ Chí Minh với trên 300 vận động viên, huấn luyện viên và cán bộ của 15 đoàn tham dự.

Đây cũng là giải đấu nhằm tuyển chọn tài năng thể thao chuẩn bị cho Đại hội Thể thao Người khuyết tật Đông Nam Á lần thứ 11 (ASEAN PARA GAMES 11).

Những hoạt động, giải thi đấu Thể thao Người khuyết tật được tổ chức là dịp để các vận động viên được cống hiến, được sống với đam mê và hơn hết, họ vượt qua được mặc cảm tự ti.

Một số gương mặt vận động viên tiêu biểu trong làng thể thao khuyết tật như: Đặng Thị Linh Phượng, Lê Văn Công (môn cử tạ); Võ Thanh Tùng (bơi lội); Nguyễn Thành Trung (bơi lội); Nguyễn Thị Mỹ Linh (cờ vua); Nguyễn Thị Hải (điền kinh)...

Trong những năm qua, cùng với sự phát triển của thể thao Việt Nam, thể thao người khuyết tật đã phát triển mạnh mẽ, không chỉ đem lại vinh dự cho các vận động viên, mà còn mang về vinh quang cho Tổ quốc.

Những giải thưởng, huy chương đã góp phần khẳng định khả năng, tôn vinh những nỗ lực, vượt lên nghịch cảnh, phá bỏ rào cản tự ti của những người khuyết tật trong hành trình song hành cùng thể thao nước nhà./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục