Thể thao - cầu nối giúp người khuyết tật tự tin làm chủ cuộc sống

Việc luyện tập thể thao không chỉ giúp những người khuyết tật rèn luyện thể lực, nâng cao sức khỏe mà còn để họ cống hiến tài năng, có thêm tự tin, nghị lực để hòa nhập, vươn lên trong cuộc sống.
Thể thao - cầu nối giúp người khuyết tật tự tin làm chủ cuộc sống ảnh 1Quang cảnh buổi gặp mặt, chúc mừng thành tích của Đoàn Thể thao Người Khuyết tật Việt Nam tại ASEAN Para Games 12. (Ảnh: Hoàng Minh/TTXVN)

Thể thao người khuyết tật đã đóng góp không nhỏ vào bảng vàng thành tích của thể thao Việt Nam.

Nhiều gương mặt vận động viên người khuyết tật được vinh danh tại các giải đấu thể thao khu vực và quốc tế.

Việc luyện tập thể thao không chỉ giúp họ rèn luyện thể lực, nâng cao sức khỏe mà còn để họ cống hiến tài năng, có thêm tự tin, nghị lực để hòa nhập, vươn lên trong cuộc sống.

Nỗ lực phát triển phong trào thể thao người khuyết tật

Hiệp hội Paralympic Việt Nam hiện có trên 2.500 hội viên. Các hoạt động của Hiệp hội đã trực tiếp tác động đến sức khỏe của người khuyết tật, giúp họ khắc phục thương tật, hồi phục sức khỏe, hòa nhập chung với cộng đồng, đem lại những lợi ích to lớn về tinh thần cũng như lợi ích về vật chất cho xã hội.

Bên cạnh đó, hoạt động của Hội đã góp phần phát triển phong trào thể thao người khuyết tật; nâng cao thành tích thi đấu thể thao của người khuyết tật nói riêng, thể thao Việt Nam nói chung trên đấu trường quốc tế; tăng cường giao lưu, hội nhập quốc tế.

[Đoàn Thể thao Người Khuyết tật Việt Nam có kỳ đại hội thành công]

Tham dự ASEAN Para Games 12 tại Campuchia, với 125 vận động viên, tranh tài ở 8/14 môn thể thao, Đoàn Thể thao Người Khuyết tật Việt Nam đã trải qua một kỳ Đại hội thành công.

Thành tích giành được là 201 huy chương (66 huy chương Vàng, 58 huy chương Bạc và 77 huy chương Đồng); xếp vị trí thứ 3 toàn đoàn, đồng thời thiết lập 19 kỷ lục Đại hội.

Trước đó, tháng 4/2023, Hiệp hội đã tổ chức thành công Giải Vô địch các môn Thể thao Người Khuyết tật toàn quốc, thu hút gần 1.200 vận động viên tham gia.

Hiệp hội duy trì 38 vận động viên thường xuyên được tập luyện tại các Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia và sẵn sàng tham gia các giải, hướng tới Đại hội Thể thao Người Khuyết tật tại Hàng Châu, Trung Quốc và các giải lấy chuẩn tham dự Paralympic 2024 tại Paris, Pháp.

Công tác phát triển phong trào được duy trì ổn định ở một số địa phương trọng điểm, thu hút trên 8.000 người tham gia tập luyện và phục hồi chức năng, trong đó có 2.000 người chấn thương cột sống.

Hiệp hội luôn phối hợp tạo điều kiện để phát triển phong trào thể thao của người khuyết tật, nhất là các môn thể thao mới như: Bóng lăn người khiếm thị, Bắn cung, Boccia, Judo khiếm thị, Taekwondo, Yoga, Khiêu vũ thể thao người khiếm thị và Quần vợt xe lăn.

Tuy nhiên, việc đầu tư, chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở phát triển và mở rộng phong trào tập luyện nhằm hình thành các Câu lạc bộ Thể thao cho người khuyết tật còn hạn chế. Phong trào ở một số địa phương phát triển thiếu ổn định, một số nơi có xu hướng giảm sút.

Tổng Thư ký Hiệp hội Paralympic Việt Nam Trần Đức Thọ cho biết thời gian tới, cùng với việc tiếp tục mở rộng, phổ biến, phát triển các môn thể thao cơ bản cho người khuyết tật tập luyện, Hiệp hội sẽ kiện toàn, ổn định hệ thống Câu lạc bộ hiện có, mở thêm các Câu lạc bộ Thể thao người khuyết tật tại Thái Bình, Quảng Ninh, Thái Nguyên...

Trong 6 tháng đầu năm 2023, Hiệp hội đã thành lập ba Câu lạc bộ Khiêu vũ Thể thao Người khuyết tật ở cơ sở, thu hút trên 200 người tham gia, hai Câu lạc bộ Taekwondo tại Khánh Hòa và Cần Thơ...

Tìm cơ chế hỗ trợ huấn luyện viên, vận động viên

Nghị định 152/2018/NĐ-CP, ngày 7/11/2018 của Chính phủ quy định một số chế độ đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao trong thời gian tập trung tập huấn, thi đấu có quy định về chế độ cho huấn luyện viên, vận động viên thể thao, các vận động viên khuyết tật.

Tuy nhiên, các huấn luyện viên, vận động viên lập thành tích tại các đại hội, giải thi đấu thể thao quốc tế dành cho người khuyết tật dù có được hưởng mức thưởng bằng tiền nhưng thấp hơn nhiều (chỉ bằng hơn 50%) so với các vận động viên bình thường.

Thể thao - cầu nối giúp người khuyết tật tự tin làm chủ cuộc sống ảnh 2Vận động viên Trịnh Thị Bích Như (giữa) giành huy chương Vàng, phá kỷ lục ASEAN Para Games nội dung bơi 100m tự do nữ, hạng thương tật S6. (Ảnh Hoàng Minh /TTXVN)

Bên cạnh đó, Thông tư 86/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính lại quy định, các vận động viên khuyết tật tham gia thi đấu tại các giải khu vực không nằm trong diện được hưởng chế độ...

Cả nước hiện chỉ có 38 vận động viên khuyết tật đang được hưởng chế độ dinh dưỡng, tập luyện tại các Trung tâm Huấn luyện thể thao theo tiêu chuẩn Paralympic (tương đương với vận động viên Olympic ở cấp châu lục và thế giới).

Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Paralympic Việt Nam, đây là một tỷ lệ rất thấp nếu tính trên tổng số hơn 1.200 vận động viên tham gia các giải đấu cấp Quốc gia hàng năm.

Công tác tuyển chọn huấn luyện vận động viên khuyết tật vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Các địa phương có phong trào thể dục thể thao phát triển như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh… đang gặp không ít bất cập trong khâu tuyển lựa, đề xuất các vận động viên hưởng chế độ tập huấn, rèn luyện tại các trung tâm huấn luyện thể thao.

Huấn luyện viên Điền kinh Người khuyết tật Hà Nội Đặng Trần Quân cho rằng hiện nay, việc tuyển chọn vận động viên khuyết tật đang được triển khai theo phương thức tự giới thiệu từ các vận động viên khuyết tật đã tập luyện, thi đấu lâu năm, giàu kinh nghiệm, đã có nhiều cống hiến và thành tích cho Thể thao khuyết tật.

Trước đây, thành viên Ban huấn luyện thường đến các Trung tâm Bảo trợ xã hội, Trường Nguyễn Đình Chiểu… để tìm kiếm, tuyển chọn các vận động viên có năng khiếu, đủ điều kiện, từ đó thuyết phục, định hướng, giúp người khuyết tật hướng tới tập luyện, thi đấu thể thao, tiến tới tham gia các đội tuyển cấp tỉnh, thành phố và cao hơn nữa là quốc gia.

Tuy nhiên, việc thiếu kinh phí tổ chức tập huấn, đào tạo, huấn luyện cho các vận động viên khiến việc duy trì số lượng vận động viên có trình độ cao, đủ đáp ứng nhiệm vụ đặt ra đòi hỏi nhiều nỗ lực của Ban huấn luyện.

Đa số các vận động viên khuyết tật đều có nghề nghiệp kiếm sống trước khi tham gia tập luyện và thi đấu.

Ngay cả những vận động viên có thành tích và được tập luyện tập trung, được hưởng trợ cấp vẫn phải làm thêm kiếm sống vì điều kiện, hoàn cảnh gia đình.

Khác với thể thao thành tích cao, các vận động viên khuyết tật không được hưởng chế độ đủ để giúp họ yên tâm gắn bó, cống hiến cho thể thao.

Điển hình như các vận động viên tham gia PARA Games 12 vừa qua, đa phần đều thuộc diện gọi tập trung tuyển chọn đi thi đấu và không có chế độ tập huấn, ảnh hưởng rất lớn đến thành tích chung của Đoàn Thể thao Người khuyết tật Việt Nam.

Dù đã đạt thành tích vượt xa kỳ vọng và phá nhiều kỷ lục nhưng thực tế cho thấy, các vận động viên khuyết tật của chúng ta có thể làm tốt hơn nữa.

Tham gia tập luyện trong biên chế Đội tuyển Điền kinh Người khuyết tật Hà Nội từ năm 2017, Vận động viên Điền kinh Khiếm thị Vũ Tiến Mạnh lần đầu tiên được tuyển lựa cùng Đoàn Thể thao Người Khuyết tật Việt Nam thi đấu tại PARA Games 12 vừa qua và giành được 3 huy chương Bạc ở các nội dung 3000 mét, 800 mét và 4x100 mét.

Vũ Tiến Mạnh chia sẻ các khoản hỗ trợ tập huấn em đang được hưởng trong biên chế đội tuyển chỉ đủ để sử dụng cho nhu cầu dinh dưỡng khi tập luyện và dành một phần chi trả sinh hoạt ở Hà Nội.

Để có thêm thu nhập đáp ứng các nhu cầu khác, Mạnh kết hợp tham gia tất cả các giải thể thao phong trào cho người khuyết tật và đăng ký thêm vai trò chăm sóc viên.

Mạnh cho biết hiện tại, chế độ phụ cấp chăm sóc viên massage cho các vận động viên là từ 150.000 đến 200.000 đồng/ngày.

Tổng Thư ký Hiệp hội Paralympic Việt Nam Trần Đức Thọ đề xuất: “Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần tìm thêm các giải pháp thiết thực nhằm bổ sung, sửa đổi chính sách về chế độ dinh dưỡng tập huấn, thi đấu của Đội tuyển tham gia các giải, Đại hội Thể thao Người Khuyết tật cấp châu lục và Đông Nam Á. Đồng thời, ngành cần có chế độ tập luyện năng khiếu; chế độ ưu tiên tiếp cận để tập luyện tại công trình thể dục thể thao cũng như chế độ ưu tiên đào tạo nghề khi giải nghệ thể thao đối với người khuyết tật.”

Để Thể thao Người Khuyết tật thực sự được quan tâm, đánh giá một cách đúng đắn, việc nâng cao hiệu quả công tác truyền thông trong cộng đồng xã hội về tác dụng, lợi ích của luyện tập thể dục, thể thao là việc làm cần thiết.

Thông qua truyền thông sẽ góp phần tạo sự chung tay ủng hộ từ các cấp, ngành, Liên đoàn, Hiệp hội Thể thao Quốc gia và cộng đồng xã hội với việc nâng cao thể lực, phục hồi chức năng, nâng cao sức khỏe của người khuyết tật.

Khi đó, thể thao sẽ thực sự trở thành cầu nối giúp người khuyết tật chủ động hòa nhập cộng đồng và tạo điều kiện cho họ có bản lĩnh vươn lên làm chủ cuộc sống./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục