Thế mạnh và điểm yếu trong chiến lược AI của Trung Quốc

Chủ tịch Trung Quốc nhấn mạnh đẩy nhanh nỗ lực phát triển AI thế hệ mới chính là vấn đề chiến lược chứng tỏ Trung Quốc có nắm bắt được cơ hội trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư hay không.
(Nguồn: GCN)

Klaus Schwab - người sáng lập và Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) - đã tổng hợp, phản ánh đầy đủ các khía cạnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong cuốn sách mang tên “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư."

Đáng chú ý, Diễn đàn Kinh tế Thế giới mùa Đông năm 2016 ở Davos, Thụy Sĩ, đã đặt chủ đề “Làm chủ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư," trong đó nhấn mạnh rằng khoảng 15 năm tới, thế giới sẽ bước vào thời đại mới (tức sau năm 2030).

Chiến lược của Trung Quốc

Các phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình liên quan đến chủ đề này được trích dẫn rất nhiều trên phương tiện truyền thông đại chúng, trong đó sớm nhất là từ năm 2014, khi ông tham dự Đại hội Viện sĩ 2 Viện khoa học Trung Quốc.

Tại hội nghị đó, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhấn mạnh: “Công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn là quan trọng nhất đối với sự phát triển của khoa học công nghệ ngày nay, sẽ tạo ra những ảnh hưởng sâu rộng, to lớn đến các phương diện kinh tế chính trị quốc tế, tiến bộ xã hội và sự phát triển kinh tế thế giới ngày nay. Đảng và Chính phủ Trung Quốc coi trọng cao độ vấn đề này."

Tại Hội nghị Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 31/10/2018, Chủ tịch Tập Cận Bình nêu rõ: “AI là động lực quan trọng của cuộc cách mạng công nghiệp và khoa học công nghệ mới, đẩy nhanh nỗ lực phát triển AI thế hệ mới chính là vấn đề chiến lược chứng tỏ Trung Quốc có nắm bắt được cơ hội trong cuộc cách mạng công nghiệp và khoa học công nghệ mới này hay không."

Theo đó, Trung Quốc đã tung ra các kế hoạch chiến lược như “Internet+” hồi tháng 3/2015, “Made in China 2025” hồi tháng 5/2015, gần đây nhất và toàn diện hơn cả là “Quy hoạch phát triển AI thế hệ mới” được Quốc vụ viện Trung Quốc ban hành vào tháng 7/2017. 

Trong văn kiện này, Trung Quốc đã đề ra mục tiêu chiến lược ba bước gồm:

Một là đến năm 2020, tổng thể công nghệ và ứng dụng AI của Trung Quốc đồng bộ với trình độ tiên tiến trên thế giới, quy mô ngành công nghiệp cốt lõi AI vượt mức 150 tỷ nhân dân tệ (hơn 21 tỷ USD), dẫn dắt các ngành công nghiệp liên quan đạt quy mô vượt mức 1.000 tỷ Nhân dân tệ.

Hai là đến năm 2025, một phần công nghệ và ứng dụng AI của Trung Quốc đạt đến trình độ dẫn đầu thế giới, quy mô ngành công nghiệp cốt lõi AI vượt mức 400 tỷ Nhân dân tệ, dẫn dắt các ngành công nghiệp liên quan đạt quy mô vượt mức 5.000 tỷ Nhân dân tệ.

Ba là đến năm 2030, lý thuyết AI, công nghệ và ứng dụng của Trung Quốc về tổng thể đạt đến trình độ dẫn đầu trên thế giới, trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo AI chủ yếu trên thế giới, quy mô ngành công nghiệp cốt lõi AI vượt mức 1.000 tỷ Nhân dân tệ, dẫn dắt các ngành công nghiệp liên quan đạt quy mô vượt mức 10.000 tỷ nhân dân tệ.

Những ưu thế

Ưu thế đầu tiên là sự ủng hộ của nhà nước đối với các chính sách và sự dẫn dắt của chiến lược mạnh mẽ có hiệu quả, qua đó đã hình thành nên bố cục có hệ thống cho sự phát triển ngành AI của Trung Quốc. Từ khi “Quy hoạch phát triển AI thế hệ mới” được ban hành, các bộ ngành liên quan như Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Giáo dục, Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia Trung Quốc đều nhất loạt đưa ra các kế hoạch hành động, dự án, biện pháp thực thi như “Kế hoạch hành động 3 năm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp AI thế hệ mới 2018-2020."

Bên cạnh đó, gần 20 tỉnh, thành như Bắc Kinh, Thượng Hải, Thiên Tân, Trùng Khánh, Quảng Đông đã đưa ra kế hoạch hành động và quy hoạch AI, tăng mạnh đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D), thiết lập cơ sở nghiên cứu, đưa ra cơ chế thu hút nhân tài, ưu đãi thuế… Tất cả những chính sách này đang phát huy hiệu quả, khiến các doanh nghiệp đẩy nhanh tốc độ ứng dụng công nghệ AI và đang dần hình thành cục diện 3 nhà (công nghiệp-đào tạo-nghiên cứu) cùng phối hợp thúc đẩy phát triển AI.

Thứ hai, Trung Quốc có nguồn tài nguyên dữ liệu to lớn, với 750 triệu người dùng mạng Internet và 720 triệu người dùng điện thoại di động. Với số lượng người dùng này, tỷ lệ tham gia mua bán trực tuyến đạt trên 55%, thanh toán qua điện thoại di động có quy mô lên đến 527 triệu người.

Một số lĩnh vực ứng dụng dữ liệu đặc thù có quy mô cực lớn như khám chữa bệnh mỗi năm 8,18 tỷ lượt người, 300 triệu lượt người tiến hành chụp cắt lớp CT, 1 tỷ lượt người làm kỹ thuật số hóa hình ảnh (DR). Dịch vụ vận chuyển hàng hóa hàng năm vượt quá 40 tỷ kiện...

Thứ ba, Trung Quốc có môi trường ứng dụng phong phú, có thị trường Internet tương đối hoàn thiện với quy mô lớn nhất thế giới, không gian ứng dụng của AI trong lĩnh vực Internet vô cùng lớn. Trung Quốc là nước có ngành công nghiệp chế tạo quy mô lớn, hiện đang đứng trước nhu cầu nâng cấp chuyển đổi mô hình sản xuất, do vậy có nhu cầu cực lớn đối với việc ứng dụng AI.

Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa ở Trung Quốc diễn ra nhanh chóng, các đô thị ngày càng mở rộng, ứng dụng AI để cải tiến cơ sở hạ tầng, nâng cao trình độ quản lý đô thị có tiềm năng rất lớn. Ngoài ra, Trung Quốc còn có dân số lớn nhất thế giới và đang đối diện với nguy cơ già hóa nhanh chóng, thu nhập của người dân tăng cao khiến cho nhu cầu sử dụng các sản phẩm và dịch vụ y tế, giáo dục, dưỡng lão ứng dụng AI ngày càng cao.

Thứ tư, đội ngũ nhân tài trẻ phát triển nhanh chóng, tập trung và có tiềm năng. Các quỹ nghiên cứu khoa học công nghệ quốc gia được tăng cường hoặc ưu tiên tài trợ cho các dự án nghiên cứu liên quan đến AI; đồng thời mở rộng việc giáo dục đào tạo về AI đến tất cả các cấp học, đặc biệt chú trọng ở cấp Đại học và Nghiên cứu sinh; số lượng các doanh nghiệp khởi nghiệp về AI không ngừng gia tăng nhanh chóng; và số thanh niên, học giả từ nước ngoài quay trở về nước tăng mạnh kể từ khi Trung Quốc thực thi các chiến lược phát triển AI. Ví dụ, số du học sinh Trung Quốc tại Mỹ năm học 2017-2018 là 363.300 người, chiếm 1/3 tổng số lưu học sinh quốc tế tại Mỹ, trong đó 42,4% học các ngành khoa học công nghệ, lĩnh vực toán và khoa học máy tính chiếm 15,5% (khoảng 50.000 người).

[Không gian mạng sẽ là nơi diễn ra các cuộc chiến tranh trong tương lai]

Thứ năm, đó là sự thiếu vắng của các tổ chức xã hội dân sự và các rào cản pháp lý (liên quan đến đạo đức trong nghiên cứu khoa học hoặc các quy định bảo vệ người dùng). Đây là điểm quan trọng nhất mà giới chuyên gia Trung Quốc không thừa nhận.

Việc triển khai lắp đặt camera giám sát nhận diện khuôn mặt, hệ thống chấm điểm tín nhiệm công dân, hệ thống quản lý đô thị thông minh City brain trên toàn Trung Quốc đã tạo ra nhu cầu to lớn cho các công ty cung cấp giải pháp công nghệ và thiết bị ứng dụng AI. Điều này sẽ không thể thực hiện được ở phương Tây bởi liên quan tới việc xâm phạm quyền riêng tư, nhân quyền... Hay như việc ứng dụng thanh toán qua điện thoại Wechat, Alipay không phải là các công ty công nghệ Mỹ không làm được, mà do khó triển khai vì vướng các quy định về chống rửa tiền, chuyển tiền xuyên biên giới...

Những điểm yếu

Đầu tiên là nghiên cứu cơ bản về AI - ngành khoa học máy tính nghiên cứu cách thức tạo cho máy tính có khả năng nhận thức, tư duy và hành động như con người.

AI được sáng lập bởi nhà khoa học máy tính người Mỹ John McCarthy vào năm 1956 tại Hội nghị The Dartmouth - nơi ngành học này ra đời. Nước Mỹ đã trải qua hơn 6 thập kỷ nghiên cứu và phát triển AI, trong khi Trung Quốc mới chỉ bắt đầu trong vài năm trở lại đây, do đó nền tảng lý thuyết cơ bản, các phát minh sáng tạo gốc chủ yếu vẫn là ở Mỹ. 

Thứ hai, linh kiện thiết bị cao cấp, bao gồm các con chip cao cấp, bộ cảm biến (ngành công nghiệp chất bán dẫn) của Trung Quốc vẫn còn tương đối yếu và phải phụ thuộc vào các nhà cung cấp của Mỹ và phương Tây như Intel, Qualcom, AMD…Hiện Tập đoàn Intel chiếm 70% thị phần toàn cầu về bộ xử lý hình ảnh (GPU), còn các doanh nghiệp Mỹ chiếm 90% thị phần chip toàn cầu.

Thứ ba, Trung Quốc hiện vẫn chưa có các nền tảng R&D về phần cứng cũng như phần mềm trong lĩnh vực AI như Google Deepmind hay Microsoft AI Platform.

Thứ tư, tính đến năm 2017, đội ngũ nhân tài AI của Trung Quốc đã vượt quá 18.000 người, chỉ đứng sau Mỹ. Tuy nhiên, tỷ lệ nhân tài trình độ cao của Trung Quốc lại tương đối thấp, chưa bằng 1/5 của Mỹ. Những người có vai trò quan trọng dẫn đầu đội ngũ AI ở các doanh nghiệp Trung Quôc hiện nay chủ yếu là từ nước ngoài trở về, còn đào tạo nhân tài trình độ cao ở trong nước vẫn thiếu hụt nghiêm trọng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục