The Lion King: Trải nghiệm ấn tượng với phiên bản 'live action'

Những người lần đầu tiếp cận “The Lion King” qua phiên bản 2019 sẽ khó có thể hiểu được vì sao bộ phim gốc lại đạt tới tầm vóc kinh điển.
Triết lý sống vô tư Hakuna Matata là điều mà phim đã truyền cảm hứng tới đời thực (Nguồn: Disney)

Tiếp nối thành công về doanh thu của những “Cinderella,” “The Jungle Book,” “Beauty and the Beast” hay mới đây là “Aladdin,” một bộ phim hoạt hình kinh điển của Disney là “The Lion King” được Nhà Chuột tái xuất màn ảnh rộng trong hè 2019 với diện mạo mới.

Với sự trợ giúp của hãng Moving Picture Company - xưởng phim đứng sau kỹ xảo xuất sắc của "The Jungle Book" - vương quốc loài vật châu Phi hiện lên chân thực đến đáng kinh ngạc.

“Bình mới rượu cũ”

The Lion King” do Jon Favreau đạo diễn và bám sát câu chuyện gốc của phiên bản năm 1994. Đặt bối cảnh trong vương quốc loài vật châu Phi dưới sự trị vì của vua sư tử Mufasa (James Earl Jones lồng tiếng), bộ phim đưa người xem theo dấu chân của chú sư tử nhí Simba (JD McCrary), con của Mufasa.

Cậu được vua cha chỉ dạy điều hay, lẽ phải từ nhỏ và được kỳ vọng sẽ trở thành một hoàng đế anh minh như cha mình sau này. Tuy nhiên, kế hoạch này vấp phải sự đố kị của người chú xấu xa Scar (Chiwetel Ejiofor), kẻ luôn luôn khao khát ngôi báu và ghen tị với quyền lực và sự yêu mến anh mình có được.

Scar cấu kết với bầy linh cẩu để hãm hại Mufasa, khiến vị minh chủ này chết một cách oan uổng khi đang cố cứu mạng con trai mình. Không những vậy, hắn còn khiến Simba nghĩ rằng mình đã gây ra cái chết cho cha, khiến chú sư tử nhỏ buộc phải bỏ xứ mà đi. Điều này khiến Scar trở thành người thừa kế hợp lệ của ngai vàng và đưa xứ sở này chìm vào những ngày tăm tối.

[Hãng Disney tiếp tục lũng đoạn phòng chiếu với Toy Story 4]

Rời khỏi bầy đàn, Simba tìm đến một nơi rất xa, nơi cậu được kết bạn cùng lợn lòi Pumbaa (Seth Rogen) và chồn Timon (Billy Eichner) - những sinh vật vui nhộn đã nuôi sống và dạy cậu về cách sống “vô tư” Hakuna Matata. Có lẽ Simba trưởng thành (Donald Glover) sẽ mãi sống cuộc sống vô tư như vậy nếu một ngày nọ, cậu không gặp lại cô bạn cũ Nala (Beyonce).

Cô sư tử cái xinh đẹp này cho Simba biết cuộc sống ở quê nhà cậu đang tồi tệ đến thế nào dưới sự cai trị của Scar cùng lũ linh cẩu đói.

Cô giúp Simba nhận ra sứ mệnh đích thực của mình là quay trở lại và đòi lại ngai vàng của mình, đồng thời đưa “vòng quay cuộc sống” (The Circle of Life - bài hát chủ đề của phim) trở về đúng ý nghĩa và quy luật của nó.

Một cảnh trong phim. (Nguồn: Disney)

Phiên bản gốc hoạt hình của Disney là phim hoạt vẽ thủ công ăn khách nhất mọi thời đồng thời nằm trong danh sách những bộ phim hay nhất trong lịch sử.

Năm 2016, tác phẩm được đưa vào bảo quản tại Viện lưu trữ phim quốc gia Mỹ bởi “có đóng góp quan trọng về văn hóa, lịch sử và thẩm mỹ.”

Phiên bản hoạt hình hoàn hảo từ mặt hình ảnh, âm nhạc cho tới câu chuyện, với nhiều yếu tố lấy cảm hứng từ Kinh Thánh và cả tác phẩm Hamlet của Shakespeare.

Có lẽ vì sự hoàn hảo kể trên nên đạo diễn Favreau không đưa vào sự thay đổi nào đáng kể đối với phiên bản gốc. Đây là điều khác biệt với “Aladdin” - một phim cũng của Disney và vừa ra mắt phiên bản live-action (người thật đóng) cách đây không lâu.

Aladdin” 2019 về cơ bản giống với câu chuyện gốc, song thêm vào những yếu tố nữ quyền thông qua nhân vật công chúa Jasmine cho phù hợp với khán giả đương đại. Trong khi đó, “The Lion King” là trường hợp “bình mới rượu cũ” với hình ảnh xuất sắc trong khi câu chuyện được giữ nguyên.

Hình ảnh xuất sắc là chưa đủ

Nếu không biết trước đây là một bộ phim được dựng bởi kỹ xảo máy tính, nhiều người thậm chí có thể lầm tưởng mình đang xem chương trình Planet Earth hay mở kênh Discovery.

Sau khi được ghi nhận về mặt kỹ xảo với “The Jungle Book,” hãng The Moving Picture Company được Disney tin cậy để phát huy “công nghệ mang tính đột phá” vào “The Lion King.

Để có những thước phim chân thực về rừng già và muông thú Phi châu, đoàn làm phim đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu và quay lại tư liệu trong các khu rừng tại Kenya và Nairobi. Nhờ đó, khán giả có những thước phim chân thực đến đáng kinh ngạc trên màn ảnh rộng.

Chủ ý của Disney và Favreau dường như muốn đề cao sự chân thực, khi dành một phân đoạn ngắn quay cận cảnh một chú chuột bị Scar vờn để cho thấy những tiểu tiết nhỏ nhất đều được chăm chút.

Những đại cảnh như mỏm đá Pride Rock, hàng trăm con thú của vương quốc loài vật tụ tập hay cử động uyển chuyển của các nhân vật... đều cho thấy độ kỳ công của tác phẩm dựng bằng máy tính này.

Với mức kinh phí khổng lồ 260 triệu USD, khó có thể chê được phần Nghe - Nhìn của “The Lion King” 2019. Dàn ngôi sao lồng tiếng của phim đều là những tên tuổi, từ huyền thoại James Earl Jones tái xuất trong vai vua cha Mufasa cho tới những ngôi sao đương đại Donald Glover, Beyonce hay Chiwetel Ejiofor... Hai nhân vật phụ Timon và Pumbaa được thổi hồn duyên dáng qua màn thể hiện của hai diễn viên vui tính Seth Rogen và Billy Eichner.

Không chỉ thuyết phục trong màn lồng tiếng, các ca khúc kinh điển của phim như “Circle of Life” hay “Can You Feel The Love Tonight?” đều được tái hiện qua những giọng ca truyền cảm của dàn diễn viên.

(Nguồn: Disney)

The Lion King” 2019 có thể là một tác phẩm khá nếu khán giả chưa từng xem phiên bản gốc. Tuy nhiên, những người lần đầu tiếp cận “The Lion King” qua phiên bản 2019 sẽ khó có thể hiểu được vì sao bộ phim gốc lại đạt tới tầm vóc kinh điển.

The Lion King” thành công đến vậy khi lần đầu ra mắt thập niên 1990 không chỉ bởi hình ảnh, âm nhạc mà còn bởi sự đặc sắc trong câu chuyện. Một tác phẩm thấm đẫm màu sắc châu Phi với những nét văn hóa đặc trưng, với một triết lý “Hakuna Matata” ý nghĩa. Một bản hùng ca về tình phụ tử, tình bạn và tình yêu được kể qua hành trình của chú sư tử con non nớt vươn lên thành một Vua sư tử.

Những biểu cảm gương mặt sinh động của các nhân vật trong phiên bản hoạt hình đóng góp không ít vào thành công kể trên. Tiếc thay, sự chân thực quá mức của bản live-action 2019 vô tình làm mất đi những nét cá tính rất riêng của những nhân vật quen thuộc.

Người ta nhớ về gã Scar gian xảo nhưng cũng hóm hỉnh qua cách gã mỉa mai đàn linh cẩu, hay xúc động trước những cảnh Simba nghe lời răn dạy từ những bậc đi trước...

Sang phiên bản mới, những yếu tố đa sắc màu, mang tới linh hồn cho nhân vật kể trên đã mờ nhạt đi nhiều. Ngay cả những trường đoạn ca hát như “I Just Can’t Wait To Be King” hay “Hakuna Matata,” bản hoạt hình cũng làm tốt hơn nhiều nhờ những biểu cảm, hành động mà bản phim không thể làm theo nếu muốn bám sát đời thực.

Chỉ ở bản hoạt hình, người ta mới có thể thấy những chú sư tử nhí cưỡi đà điểu, hay nhóm bạn Simba đi hiên ngang lắc lư đầu theo điệu nhạc vui nhộn. Đó là lý do tại sao khán giả dễ đồng cảm với những nhân vật và cuốn theo hành trình. Dù đẹp ngỡ ngàng song “The Lion King” phiên bản mới chưa thể chạm vào cảm xúc người xem như bản gốc đã từng.

Về tổng thể, “The Lion King” là một tác phẩm đáng để thưởng thức tại rạp nhờ phần hình ảnh và âm thanh xuất sắc. Với những khán giả - đặc biệt là những em thiếu nhi - chưa từng có dịp trải nghiệm qua phiên bản năm 1994, đây hoàn toàn có thể là một trải nghiệm điện ảnh ấn tượng.

Đó là lý do Disney tự tin đầu tư lớn cho tác phẩm này. Song để hiểu lý do cái tên “The Lion King” là một huyền thoại, bản phim hoạt hình năm 1994 vẫn sẽ là phiên bản hoàn hảo nhất mà mọi người yêu điện ảnh đều nên xem ít nhất một lần trong đời.

Tại Việt Nam, ngoài phiên bản phụ đề, “The Lion King” còn có phiên bản lồng tiếng với những ca khúc trong phim được Việt hóa và thể hiện bởi những ca sỹ như Phương Vy, Hồ Trung Dũng...

Trailer Lion King:

The Lion King (tựa Việt là Vua Sư Tử)
Đạo diễn: Jon Favreau
Diễn viên lồng tiếng: James Earl Jones, Donald Glover, Beyonce
Thể loại: Phiêu lưu, Gia đình
Thời lượng: 118 phút
Ngày khởi chiếu tại Việt Nam: 19/7
Đánh giá: 3/5 sao

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục