Thế khó của WTO trong giải quyết tranh chấp thương mại Hàn-Nhật

WTO dự kiến thảo luận việc lập ban hội thẩm giải quyết tranh chấp thương mại giữa Hàn-Nhật, sau khi Seoul đưa tranh chấp này ra WTO trong bối cảnh các cuộc đàm phán giữa hai nước không đạt tiến độ.
(Nguồn: AP)

Theo hãng thông tấn Yonhap, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) dự kiến thảo luận việc lập ban hội thẩm giải quyết tranh chấp thương mại giữa Hàn Quốc và Nhật Bản, sau khi Seoul đưa tranh chấp này ra WTO trong bối cảnh các cuộc đàm phán giữa hai nước không đạt tiến bộ.

Các quan chức của WTO cho biết Cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO (DSB) dự kiến họp vào cuối ngày 29/6 thảo luận việc thành lập ban hội thẩm.

Tuy nhiên, khó có thể thành lập ban hội thẩm ngay lập tức vì Nhật Bản dự kiến sẽ phản đối việc Hàn Quốc khiếu nại lên WTO.

Theo quy định của WTO, một ban hội thẩm giải quyết tranh chấp thương mại vẫn có thể được thành lập tại cuộc họp tiếp theo trừ khi tất cả các thành viên của WTO nhất trí bác bỏ quyết định này.

Theo chương trình làm việc, cuộc họp tiếp theo của DSB sẽ được tổ chức vào tháng Bảy tới.

Căng thẳng thương mại giữa Hàn Quốc và Nhật Bản bùng phát khi Nhật Bản tháng 7/2019 công bố siết chặt kiểm soát xuất khẩu các nguyên liệu công nghiệp chủ chốt sang Hàn Quốc.

[Hàn Quốc gia hạn áp thuế chống bán phá giá đối với thép Nhật Bản]

Các nguyên liệu bị hạn chế gồm nhựa dẻo (fluorinated polyimide), chất cản màu (photoresist) và hydro clorua có độ tinh khiết cao. Đây là những nguyên liệu quan trọng đối với ngành sản xuất chíp và màn hình, vốn là hai trụ cột kinh tế của nền kinh tế Hàn Quốc.

Lý do Nhật Bản đưa ra đối với biện pháp trên là nước này lo ngại Hàn Quốc có thể chuyển hướng sử dụng các nguyên liệu vào các mục đích quân sự.

Tuy nhiên, Hàn Quốc cho rằng lý do chính của Nhật Bản là nhằm trả đũa phán quyết của tòa án Hàn Quốc yêu cầu các công ty Nhật Bản bồi thường cho các nạn nhân bị ép buộc thời chiến.

Căng thẳng leo thang với việc hai bên cùng loại bên kia ra khỏi danh sách các đối tác thương mại đáng tin cậy. Hàn Quốc đã dọa hủy bỏ hiệp ước chia sẻ thông tin tình báo giữa hai nước.

Ban đầu Hàn Quốc đã khiếu nại lên WTO vào tháng 9/2019, nhưng hai tháng sau đó đã đình chỉ khiếu nại, coi đó là một cử chỉ thiện chí để giải quyết tranh chấp.

Tháng Năm vừa qua, phía Hàn Quốc lại hối thúc Nhật Bản bãi bỏ các hạn chế xuất khẩu, song Tokyo không có phản hồi "đáp ứng kỳ vọng" của Seoul. Do đó, ngày 18/6 vừa qua, Hàn Quốc lại khiếu nại lên WTO.

Tokyo đã bày tỏ "rất tiếc" về quyết định này của Seoul, song vẫn khẳng định chính sách hạn chế xuất khẩu của Nhật Bản là hợp pháp và hợp lý./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục