Thế khó của ngành công nghiệp xuất khẩu vũ khí Nhật Bản

Trong một động thái đột phá đầu tiên từ sau khi nới lỏng những hạn chế về xuất khẩu vũ khí vào năm 2014, Nhật Bản ký thỏa thuận bán các radar giám sát trên không trị giá 100 triệu USD cho Philippines.
Mitsubishi SH-60J/K. (Nguồn: Flickr)

Trang mạng eastasiaforum.org đưa tin, trong một động thái mang tính đột phá đầu tiên kể từ sau khi nới lỏng những hạn chế về xuất khẩu vũ khí vào năm 2014, Nhật Bản đã ký một thỏa thuận bán các radar giám sát trên không trị giá 100 triệu USD cho Philippines.

Các loại radar này, cả cố định và di động, đều được chế tạo bởi Tập đoàn Điện tử Mitsubishi (MELCO), một trong 5 công ty sản xuất thiết bị quốc phòng hàng đầu Nhật Bản.

Có ý kiến cho rằng MELCO đã ký một hợp đồng với Bộ Quốc phòng Philippines để bán các loại radar với mục đích là để phát hiện các máy bay chiến đấu tàng hình và tên lửa và Trung Quốc rõ ràng là mục tiêu.

Tokyo từng cung cấp trang thiết bị liên quan đến quốc phòng, chẳng hạn tàu tuần tra, cho các nước Đông Nam Á như Việt Nam và Philippines. Đây là một phần trong dự án hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) theo chương trình “xây dựng năng lực.”

Mặc dù được dành tặng cho các lực lượng hải cảnh của các nước tiếp nhận - các tàu này đều là những sản phẩm liên quan đến quốc phòng - song như một nhà phân tích đã lưu ý, “việc cung cấp các tàu tuần tra cho Philippines và Việt Nam có nhân tố quân sự trong đó, mặc dù các tuyên bố chính thức thì hoàn toàn khác.”

Tokyo cũng đã cấp các máy bay huấn luyện TC-90 cho quân đội Philippines và huấn luyện các phi công của hải quân Philippines cách lái máy bay chiến đấu. Năm 2014, Nhật Bản đã đề xuất xem xét lại “ba nguyên tắc về việc chuyển giao trang thiết bị và công nghệ quốc phòng” và năm 2015, một Tuyên bố Hợp tác Phát triển mới đã trao cho ODA một “mũi nhọn chiến lược.” Ngay cả trước khi có những thay đổi này, Tokyo đã trao cho Indonesia các khoản vay ODA để mua tàu tuần tra nhằm ngăn ngừa tình trạng “cướp biển, khủng bố hàng hải và phổ biến vũ khí.”

[Nhật Bản chọn tập đoàn Mitsubishi phát triển máy bay tàng hình]

Nói đúng ra, các tàu này phải được định nghĩa là “vũ khí,” song các điều kiện của thương vụ khiến chúng có vẻ như chỉ đơn thuần mang mục đích dân sự. Những nỗ lực trước đó của Nhật Bản nhằm bán các món hàng quân sự ra nước ngoài hoặc đã thất bại, hoặc vẫn đang tiếp tục được đàm phán.

Việc Tokyo nỗ lực bán các tàu ngầm lớp Soryu cho Australia từng đi đến bước cuối cùng, nhưng vào năm 2016, chính phủ Australia rốt cuộc lại trao hợp đồng trị giá nhiều tỷ USD này cho Pháp. Điều này gây ra một sự thất vọng lớn với Nhật Bản, bởi thương vụ đó có thể là một yếu tố làm thay đổi cuộc chơi đối với nền công nghiệp quốc phòng của họ.

Vài năm trở lại đây, Nhật Bản vẫn đang đàm phán với Ấn Độ để bán máy bay chiến đấu tìm kiếm cứu hộ lưỡng cư US-2 do Shin Maywa sản xuất và đang được Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản sử dụng.

Cách đây 2 năm, thỏa thuận này gần như sắp được hoàn tất, và trong một tuyên bố chung năm 2018, thủ tướng 2 nước đã phát biểu rằng “hai bên sẽ tiếp tục nỗ lực để hợp tác trong vấn đề máy bay chiến đấu lưỡng cư US-2.” Thế nhưng, kế hoạch này đã bị đình trệ từ đó, và lý do được cho có liên quan đến chi phí cũng như bất đồng về việc chuyển giao công nghệ. Thỏa thuận hiện có vẻ đã không còn được thảo luận nữa, bởi các lãnh đạo hàng đầu của hai nước không hề đề cập đến nó trong những cuộc gặp gần đây.

Tokyo cũng từng đàm phán với Anh về việc bán máy bay săn tàu ngầm P-1 do tập đoàn Công nghiệp Nặng Kawasaki của Nhật Bản chế tạo, một kế hoạch đầu tiên theo kiểu này với một nước bên ngoài khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Tuy nhiên, dự án này cuối cùng cũng kết thúc trong thất bại.

Những thất bại của Nhật Bản tại Australia, Ấn Độ và Anh cũng các quốc gia khác có thể xuất phát từ nhiều yếu tố, từ sự thiếu kinh nghiệm của các công ty liên quan tới quốc phòng của Nhật Bản trong thị trường vũ khí cho đến việc thiếu các lợi thế và năng lực cạnh tranh.

Các vũ khí của Nhật Bản không được thử nghiệm trong chiến đấu, bởi hầu hết các nhà sản xuất Nhật Bản đều bán các mặt hàng quân sự của họ cho Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, vốn không phải là một lực lượng chiến đấu.

Máy bay tàng hình F-2 do Nhật Bản hợp tác với Mỹ phát triển. (Nguồn: AP)

Một số công ty của Nhật Bản cũng không hào hứng với việc theo đuổi một cách nhiệt tình các thương vụ vũ khí trên thị trường quốc tế bởi đó không phải là trọng tâm của họ và họ không muốn bị gắn mác là “kẻ buôn bán cái chết” trong con mắt của công luận Nhật Bản.

An ninh và an toàn hàng hải khu vực là một trong số những mục tiêu quan trọng của tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở của Nhật Bản. Các quốc gia Đông Nam Á, mà phần lớn đang phải đối diện với thái độ quyết đoán quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở Biển Đông, là những nước tiếp nhận sự hỗ trợ của Nhật Bản để xây dựng năng lực giám sát.

Việc Nhật Bản có được thương vụ vũ khí đầu tiên tại Đông Nam Á với Philippines là một tiến triển mang tính bước ngoặt. Thỏa thuận này thể hiện sự nhạy bén về ngoại giao của Nhật Bản trong hợp tác với Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, người đã cảnh giác với Mỹ và sốt sắng cho một mối quan hệ thân thiết hơn với Trung Quốc.

Năm 2016, chính quyền Duterte đã phớt lờ các phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực ở La Haye vốn công nhận hầu hết mọi tuyên bố của Philippines ở Biển Đông.

Tokyo - một đồng minh của Mỹ và là đối thủ của Trung Quốc - cũng đã thuyết phục được chính quyền Duterte về việc cho phép Nhật Bản trang bị Philippines các radar giám sát các hoạt động quân sự của Trung Quốc ở xung quanh bờ biển Philippines. Đây là một bước đầu tiên trong kế hoạch lớn hơn của chính quyền của cựu Thủ tướng Abe nhằm đưa Nhật Bản trở thành một quốc gia xuất khẩu vũ khí bằng cách sửa đổi ba nguyên tắc về xuất khẩu vũ khí trong năm 2014.

Tân Thủ tướng Suga Yoshihide có lẽ sẽ tiếp tục đường lối này và điều đó đã được thể hiện qua các chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông đến Việt Nam và Indonesia.

Tuy nhiên, triển vọng về các thương vụ lớn hơn vẫn khá xa vời - các nhà chế tạo Nhật Bản trước tiên cần phải hoạt động sôi nổi hơn trong thị trường quốc tế. Điều này là không thể trong tương lai gần, bởi các công ty Nhật Bản vẫn rất nhạy cảm trước thái độ của công chúng, mà phần lớn vẫn phải đối Nhật Bản xuất khẩu vũ khí./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục