Thể hiện giá trị văn hóa đặc sắc của Tây Nguyên trên sân khấu xiếc

Xem vở xiếc “Lửa tình cao nguyên,” khán giả được hòa mình vào không gian văn hóa Tây Nguyên như nhà rông, diễn tấu cồng chiêng hay lễ hội văn hóa tín ngưỡng đậm bản sắc Tây Nguyên.
Một cảnh trong tác phẩm nghệ thuật xiếc "Lửa tình cao nguyên". (Nguồn: Báo Tin tức)

Tác phẩm nghệ thuật “Lửa tình cao nguyên” là sự kết hợp giữa nghệ thuật xiếc và các loại hình ca, múa, âm nhạc và nghệ thuật sắp đặt gắn với các phong tục, lễ hội truyền thống và cả nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng của đồng bào Tây Nguyên... mang đến cho công chúng một vở diễn đặc sắc, ấn tượng.

Thể hiện sinh động văn hóa đồng bào Tây Nguyên

Liên đoàn Xiếc Việt Nam vừa ra mắt tác phẩm nghệ thuật “Lửa tình cao nguyên,” tác phẩm do Nghệ sỹ Nhân dân Tạ Duy Ánh viết kịch bản, nghệ sỹ Nguyễn Ngọc Anh làm đạo diễn. Đây là tác phẩm được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đặt hàng.

Xem vở xiếc “Lửa tình cao nguyên,” khán giả được hòa mình vào không gian văn hóa, nghệ thuật đậm đặc bản sắc văn hóa Tây Nguyên. Đó là không gian nhà rông, nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng của đồng bào Tây Nguyên, những màn diễn tấu cồng chiêng hay lễ hội văn hóa tín ngưỡng đậm bản sắc Tây Nguyên…

Cùng với trang phục, đạo cụ và ngôn ngữ thể hiện của xiếc, kết hợp với các loại hình nghệ thuật ca, múa, âm nhạc, nghệ thuật sắp đặt, cách thể hiện mới mẻ, hấp dẫn, vở diễn “Lửa tình cao nguyên” đã mang đến cho khán giả những trải nghiệm mới, rất ấn tượng về văn hóa và con người của vùng đất Tây Nguyên.

[Những nghệ nhân tạc tượng gỗ dân gian, gìn giữ văn hóa Tây Nguyên]

Điều đặc biệt hơn cả là những nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc ấy được thể hiện một cách sinh động thông qua tổ hợp các tiết mục là thế mạnh của Liên đoàn Xiếc Việt Nam như nhào lộn, đu dây trên cao, đế kiếm, tung hứng, thăng bằng, xiếc thú, ảo thuật...

Việc kết hợp giữa nghệ thuật xiếc với các loại hình nghệ thuật khác để tạo nên một tác phẩm từ các tiết mục xiếc cho thấy, tác giả và đạo diễn đã tìm ra được một lối đi riêng, phù hợp khi khai thác nét văn hoá truyền thống của người Việt đưa vào tác phẩm, vừa “khoe” được nhiều thể loại xiếc đa dạng, phong phú.

Trong một số phân cảnh, khán giả đã bị choáng ngợp bởi không gian sân khấu rộng nhiều tầng lớp, nhiều khu vực. Từ sân khấu trên cao, bên góc phải hay trên sân khấu tròn... đều có sự xuất hiện của các nghệ sỹ với tổ hợp tiết mục đặc sắc như nhào lộn, tung hứng, đu trên cao... mang đậm đặc kỹ thuật của xiếc đến các tiết mục xiếc thú, tạo nên một tác phẩm hoành tráng, ấn tượng vừa mang đậm bản sắc văn hóa Việt.

Đạo diễn Nguyễn Ngọc Anh chia sẻ khi đưa nội dung văn hóa lễ hội vùng Tây Nguyên vào sân khấu xiếc, êkíp sáng tạo mong muốn tác phẩm tiếp cận được nhiều đối tượng từ khán giả nhí nhỏ tuổi cho tới các học sinh lớn hơn. Các em sẽ có thêm những trải nghiệm mới lạ về một vùng đất mang đậm văn hóa truyền thống của dân tộc Việt.

Đưa văn hóa Việt ra thế giới

Chia sẻ ý tưởng thực hiện vở diễn “Lửa tình cao nguyên,” Nghệ sỹ Nhân dân Tạ Duy Ánh, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, tác giả kịch bản cho biết 15 năm trở lại đây, ngoài việc xây dựng các tiết mục xiếc truyền thống, Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã bắt tay dàn dựng những vở xiếc mới, mang đậm bản sắc văn hóa Việt để giới thiệu với khán giả trong nước, quốc tế.

Điển hình như vở xiếc “Làng tôi” với hình ảnh tre Việt Nam đã biểu diễn 4 năm liên tiếp ở châu Âu, được khán giả quốc tế rất yêu thích, hay như vở “Sông trăng” được biểu diễn 16 tháng liên tiếp ở Đức rất thành công.

“Từ kinh nghiệm vở “Làng tôi” “Sông trăng,” chúng tôi nhận thấy, các tác phẩm nghệ thuật có khai thác, đưa chất liệu văn hóa dân tộc vào sẽ được khán giả quốc tế rất thích thú. Chính vì vậy, lần này, chúng tôi tiếp tục lựa chọn và đưa văn hóa dân tộc vào trong vở diễn với mong muốn tiếp tục giới thiệu được nhiều hơn nữa văn hóa Việt ra thế giới” - Nghệ sỹ Nhân dân Tạ Duy Ánh chia sẻ.

Về lý do lựa chọn đưa văn hóa Tây Nguyên vào tác phẩm, Nghệ sỹ Nhân dân Tạ Duy Ánh cho biết hai tác phẩm “Làng tôi” “Sông trăng” đều thiên về khai thác văn hóa đồng bằng Bắc Bộ.

Lần này, ê kíp thực hiện chọn văn hóa Tây Nguyên - một vùng đất có nhiều nét văn hóa đặc trưng. “Lửa tình cao nguyên” đã khai thác đậm nét văn hóa Tây Nguyên, từ âm nhạc cồng chiêng, văn hóa lễ hội đến trang phục truyền thống và những vật dụng trong sinh hoạt của đồng bào Tây Nguyên như cối giã gạo, cây nêu, đến các dụng cụ như khiên, giáo dùng trong săn bắt thú… để giới thiệu bản sắc văn hóa đặc trưng của đồng bào đến với công chúng trong và ngoài nước.

Chủ tịch Liên Chi hội Xiếc Việt Nam, Nghệ sỹ Nhân dân Tâm Chính chia sẻ “Lửa tình cao nguyên” là tác phẩm mang lại cho bà nhiều cảm xúc nhất trong những chương trình gần đây của Liên đoàn Xiếc Việt Nam.

Êkíp dàn dựng biểu diễn đã cho thấy một tác phẩm có sức hấp dẫn rất đặc biệt. Ai cũng biết, để làm mới các kỹ thuật ở từng thể loại xiếc là rất khó nhưng “Lửa tình cao nguyên” khiến người xem không hề có cảm giác phải xem lại những món ăn, tiết mục trùng lắp như ở nhiều chương trình khác.

“Tôi đặc biệt thích thú với dàn diễn viên xiếc thực hiện các động tác múa. Xem họ biểu diễn, tôi không hề thấy có khoảng cách giữa nghệ sỹ xiếc và múa, họ mang tới một sức sống hừng hực, căng tràn, đầy nhiệt huyết,” Nghệ sỹ Nhân dân Tâm Chính nói.

Đồng quan điểm, Nghệ sỹ Nhân dân Vũ Ngoạn Hợp, Phó Chủ tịch Liên Chi hội Xiếc Việt Nam chia sẻ đã lâu lắm rồi, ông mới thấy xiếc có một chương trình nghệ thuật sáng tạo như thế này. Đây là điểm đáng trân trọng và ghi nhận khi êkíp thổi hồn vào vở diễn, giúp cho nghệ thuật xiếc và nghệ sỹ có cơ hội để thăng hoa.

Với “Lửa tình cao nguyên,” Liên đoàn Xiếc Việt Nam càng khẳng định uy tín và thương hiệu của một đơn vị nghệ thuật quốc gia. Sáng tạo thành công không chỉ về mặt nội dung và hình thức mà ngay cả ở các động tác kỹ thuật trong xiếc...

“Chúng tôi hướng tới phục vụ cho nhiều đối tượng khán giả, trong đó có cả khán giả nước ngoài. Tôi tin với cách làm này, chương trình sẽ được khán giả quốc tế đón nhận như “Sông trăng” mà Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã từng dàn dựng” - Đạo diễn Nguyễn Ngọc Anh tin tưởng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục