Thế hệ phóng viên chiến trường TTXVN truyền 'lửa' cho lớp trẻ

Lòng dũng cảm, tinh thần ham học hỏi và sự nhạy bén là những tố chất mà các nhà báo, nghệ sỹ nhiếp ảnh gạo cội đúc rút, truyền lại cho thế hệ phóng viên trẻ của Thông tấn xã Việt Nam.
Thế hệ phóng viên chiến trường TTXVN truyền 'lửa' cho lớp trẻ ảnh 1Các đại biểu tham dự buổi giao lưu cùng xem lại những tác phẩm của các Nghệ sĩ nhiếp ảnh đã đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2022. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Ngày 18/5, Thông tấn xã Việt Nam đã tổ chức buổi gặp gỡ giao lưu với các nghệ sỹ nhiếp ảnh từng công tác tại Thông tấn xã Việt Nam đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2022.

Tại cuộc gặp gỡ, các nghệ sỹ đã chia sẻ nhiều trải nghiệm trong sự nghiệp cũng như những bài học họ đã đúc rút được trong nhiều năm tác nghiệp chiến trường để truyền lửa cho thế hệ trẻ Thông tấn xã Việt Nam.

Trong số các tác giả được vinh danh lần này, nghệ sỹ nhiếp ảnh Chu Chí Thành, nguyên Trưởng Ban Biên tập Ảnh, Thông tấn xã Việt Nam là cá nhân được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh cho cụm 4 tác phẩm: “Hai người lính,” “Tay bắt mặt mừng,” “Cầu Quảng Trị”“Những bày tay lưu luyến.”

Nói về tác phẩm đặc biệt “Hai người lính,” nghệ sỹ Chu Chí Thành cho biết bức ảnh này từng không được cơ quan lưu hay phát ở thời điểm nó ra đời.

Thế hệ phóng viên chiến trường TTXVN truyền 'lửa' cho lớp trẻ ảnh 2Nghệ sỹ nhiếp ảnh Chu Chí Thành chia sẻ rằng với sự nhạy cảm của một phóng viên chiến trường, ông đã chụp được nhiều bức ảnh chân thực, phản ánh khát vọng hòa bình, thống nhất. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Năm 1973, ông được cử vào Quảng Trị để theo dõi sự kiện trao trả tù binh sau khi Hiệp định Paris được ký kết. Tại chốt Long Quang thuộc xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, lần đầu tiên, chàng phóng viên miền Bắc chứng kiến những người lính chính quyền Sài Gòn đi qua "giới tuyến" sang địa phận quân giải phóng, cùng ngồi uống nước chè, hút thuốc lá Điện Biên.

Đặc biệt, trong không khí vui vẻ, một anh lính Sài Gòn đã khoác vai một chiến sỹ giải phóng và bảo: "Anh nhà báo ơi, anh chụp cho chúng em một kiểu ảnh…"

Trong sự ngỡ ngàng, phóng viên Chu Chí Thành đã chớp lấy bức ảnh lịch sử “Hai người lính.” Nếu không có bộ quân phục, mũ tai bèo kiểu miền Bắc và bộ áo rằn ri của quân đội Việt Nam Cộng hòa, hai người lính trông không khác gì hai người bạn đồng trang lứa.

“Thời điểm đó, bức ảnh có nội dung khá nhạy cảm, có thể bị các lực lượng thù địch xuyên tạc, bóp méo, ảnh hưởng đến kết quả đấu tranh cách mạng,” ông Thành nói.

Ngắm bức ảnh, ông cảm nhận được tư tưởng nhân văn của dân tộc Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh về hòa hợp dân tộc. Do đó, ông đã tự mình lưu giữ tấm phim quý giá để rồi mãi đến năm 2007, ông mới công bố bức ảnh này.

[Nhà báo Phạm Văn Thính: Dấu ấn 'lính thông tấn' trong mỗi tấm ảnh]

Chia sẻ với các phóng viên, Đoàn viên thanh niên Thông tấn xã Việt Nam, ông Chu Chí Thành nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trau dồi kiến thức, sự nhạy bén và ý thức trong nghề nghiệp.

Nghệ sỹ nhiếp ảnh Đinh Quang Thành đồng tình với quan điểm này. Ông cho rằng phóng viên phải trang bị cho mình kiến thức xã hội, chịu khó học hỏi, đi nhiều, đọc nhiều.

Ông khẳng định nếu không có kiến thức xã hội toàn diện thì không thể làm tốt nhiệp vụ chụp ảnh báo chí. Chính nhờ kiến thức mà ông nắm bắt được khoảnh khắc, chớp được cơ hội cho ra đời những bức ảnh mang tính báo chí nhưng không kém phần nghệ thuật.

“Tôi chưa bao giờ đi sáng tác ảnh nghệ thuật mà các bức ảnh nghệ thuật được giải của tôi đều đến từ những chuyến tác nghiệp với tư cách phóng viên Thông tấn xã Việt Nam. Quan trọng là chúng ta đưa yếu tố thẩm mỹ, nghệ thuật vào cách tác nghiệp của mình,” ông Đinh Quang Thành chia sẻ.

Ông cho hay để chụp được những bức ảnh có giá trị lịch sử, ông đã phải nằm vùng, lăn xả vào những điểm nóng, đối mặt với nguy cơ có thể hy sinh bất cứ khi nào.

"Trải qua nhiều chuyến công tác, gắn bó với quân và dân ở địa phương, tôi đã học tập được rất nhiều. Gần gũi bà con địa phương, tôi như được truyền thêm lòng tin và sức mạnh cũng như lòng dũng cảm, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, để chụp và lưu giữ lại những khoảnh khắc vàng, những sự kiện đặc biệt gắn với lịch sử dân tộc," nhà báo Đinh Quang Thành chia sẻ.

Thế hệ phóng viên chiến trường TTXVN truyền 'lửa' cho lớp trẻ ảnh 3Nghệ sỹ nhiếp ảnh Đinh Quang Thành chia sẻ về những cách tạo cảm hứng trong công việc để có thể cho ra các tác phẩm nhiếp ảnh đặc sắc và ấn tượng nhất. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Tại cuộc gặp gỡ, nhà báo Phạm Văn Thính (sinh năm 1935), tác giả bức ảnh “Cầu người” được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật đợt này nhấn mạnh: “Để có những bức ảnh tốt nhất, phóng viên phải chủ động nắm bắt tình hình, nhanh chóng chọn vị trí, ghi lại hoạt động từ hậu phương đến tuyền tuyến và ở nơi bom rơi, đạn pháo nóng bỏng...”

Theo nhà báo Phạm Văn Thính đúc kết kinh nghiệm, ngoài các thao tác kỹ thuật, độ “nhạy” của phóng viên ảnh là rất quan trọng để phán đoán, nhất là những cuộc hành quân đêm, trận đánh đồn giặc vào chiều tối.

“Để chụp được bức ảnh tốt, phóng viên cũng cần có duyên, may mắn, bởi chiến trường là khắc nghiệt, hiểm nguy, trong khi ảnh đòi hỏi khoảnh khắc, góc độ, ánh sáng... Sản phẩm của “người lính Thông tấn” là thông tin, là hình ảnh, là nguồn động viên to lớn để sốc lên tinh thần cả đoàn quân cùng hướng đến ngày đất nước toàn thắng,” ông Thính nói.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Tổng Giám đốc TTXVN Đoàn Thị Tuyết Nhung cho biết: Sau 6 đợt xét tặng từ năm 1996 đến 2022, TTXVN đã vinh dự có 19 tác giả được vinh danh, với 4 Giải thưởng Hồ Chí Minh, 18 Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, lĩnh vực Nhiếp ảnh. Trong đó, Nhà báo - Liệt sỹ Lương Nghĩa Dũng, cố Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Võ An Khánh và nhà báo Chu Chí Thành vinh dự được tặng cả 2 Giải thưởng. Đa số các tác phẩm ảnh xuất sắc được vinh danh đều được thực hiện trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Chỉ có bộ ảnh "Sự giản dị hiếm thấy của một vĩ nhân" (chụp Đại tướng Võ Nguyên Giáp) của nhà báo Trần Văn Tuấn được thực hiện sau ngày đất nước thống nhất.

Thế hệ phóng viên chiến trường TTXVN truyền 'lửa' cho lớp trẻ ảnh 4Phó tổng Giám đốc TTXVN Đoàn Thị Tuyết Nhung phát biểu tại buổi giao lưu. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Phó Tổng giám đốc TTXVN khẳng định, đây là phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước, nhân dân dành tặng cho TTXVN, cho Nhiếp ảnh Thông tấn và những nhà báo quả cảm, đã đồng hành cùng dân tộc trong những thời khắc lịch sử, góp phần vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Đây là niềm tự hào, niềm vinh dự to lớn đối với các thế hệ phóng viên, biên tập viên, viên chức, người lao động của TTXVN.

Lịch sử Báo chí cách mạng Việt Nam đã ghi nhận, trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, TTXVN luôn làm tốt vai trò cơ quan thông tin chiến lược tin cậy của Đảng, Nhà nước. Phóng viên TTXVN đã có mặt khắp các chiến trường, tại những nơi hiểm nguy nhất, ghi lại những thời khắc, khoảnh khắc lịch sử, lên án tội ác chiến tranh, phản ánh cuộc chiến đấu anh dũng của quân, dân ta để giành độc lập, tự do cho dân tộc, Phó Tổng giám đốc TTXVN nhấn mạnh.

Nhiều phóng viên TTXVN đã anh dũng hy sinh trên chiến trường khi thực hiện nhiệm vụ thông tin. TTXVN là cơ quan báo chí có số lượng nhà báo hy sinh lớn nhất, với hơn 260 liệt sỹ, trong tổng số hơn 400 nhà báo liệt sỹ của cả nước. Đặc biệt với đội ngũ phóng viên ảnh đông đảo, kho tư liệu với hơn 1 triệu bản phim, ảnh, TTXVN là trung tâm tư liệu ảnh quốc gia lưu giữ số lượng ảnh lớn nhất, sinh động nhất về các cuộc kháng chiến, các sự kiện lịch sử lớn của dân tộc. Những tác phẩm nhiếp ảnh xuất sắc gắn liền với các cuộc kháng chiến, sự kiện lịch sử của đất nước, dân tộc do các thế hệ nhà báo TTXVN thực hiện, đã trở thành tài sản vô giá cho nền Báo chí cách mạng Việt Nam, cũng như nền Nghệ thuật Nhiếp ảnh Việt Nam.

Phó Tổng giám đốc TTXVN Đoàn Thị Tuyết Nhung cho rằng, những giải thưởng cao quý, những tấm gương lao động nghệ thuật, hy sinh quên mình của các thế hệ đi trước sẽ tiếp tục truyền lửa, cổ vũ mạnh mẽ cho những người làm báo Thông tấn trong hành trình xây dựng TTXVN thành cơ quan Thông tấn quốc gia chủ lực đa phương tiện, góp phần vào sự nghiệp đổi mới, phát triển lớn mạnh của đất nước./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục