Vấn đề không phải là Công Phượng không có kinh nghiệm trong "cuộc chiến" với truyền thông. Vấn đề là không ai dạy Công Phượng (và các đồng đội) làm điều đó.
1. Người viết bài này từng có mặt trong buổi họp báo ra mắt giải U19 quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh hồi tháng 1/2014. Người thay mặt đội U19 Việt Nam dự họp báo ngày hôm ấy không phải Công Phượng mà là đội trưởng Lương Xuân Trường.
Khi được các phóng viên đề nghị làm dáng chụp ảnh với cầu thủ đội bạn, Trường hoàn toàn lúng túng. Anh gần như không biết phải làm gì trước hàng chục ống kính đang chĩa vào mình từ mọi phía. Ở chiều ngược lại, đội trưởng của U19 AS Roma tỏ ra rất thoải mái và tự tin.
Ví dụ rất nhỏ ấy là một trong những bằng chứng khẳng định những cầu thủ trẻ trưởng thành từ lò đào tạo Hoàng Anh Gia Lai không được trang bị đầy đủ các kỹ năng giao tiếp và ứng xử với cuộc sống và truyền thông.
2. Với những cầu thủ Hoàng Anh Gia Lai, xây dựng và bảo vệ hình ảnh trước công chúng dường như vẫn là một khái niệm xa lạ.
Những người đã theo dõi U19 Việt Nam và Hoàng Anh Gia Lai thi đấu suốt hơn một năm qua sẽ nhận thấy điểm chung. Lứa cầu thủ này không biết ăn mừng hoặc không quan tâm tới chuyện ăn mừng, không thích hoặc không biết tạo dáng trước ống kính. Trước truyền thông, họ luôn e ngại, thậm chí sợ sệt.
Khi ăn mừng bàn thắng, các cầu thủ bình thường sẽ chạy thẳng về bốn góc vuông của sân sau mỗi bàn thắng bởi đó là vị trí tập trung đông phóng viên nhất, là góc máy đẹp nhất cho những bức ảnh sẽ tràn ngập các trang nhất báo ngay ngày hôm sau. Nhưng tại giải U19 Đông Nam Á hồi tháng Chín, gần như không một tuyển thủ U19 Việt Nam nào "có ý thức" làm chuyện đó. Cái tên đầu tiên chạy thẳng về cột phạt góc sau khi lập công là Công Phượng (anh cũng chính là cầu thủ U19 Việt Nam duy nhất tham gia quảng cáo cho tới thời điểm này).
Đương nhiên, việc thiếu kinh nghiệm trong ứng xử với truyền thông ở các cầu thủ Hoàng Anh Gia Lai là có thể chấp nhận. Hãy nhớ, thế hệ này đã trải qua 6 năm trong những bức tường học viện Pleiku trước khi bước ra ánh sáng. Họ non nớt cả trong kinh nghiệm sống và ứng xử.
Trách nhiệm lúc này phải thuộc về những người đã giáo dục họ. Đó là Hoàng Anh Gia Lai.
3. Những phóng viên đầu tiên có mặt trong buổi tập trung U19 Việt Nam hồi năm 2013 đã kể lại một cảnh tượng rất đáng suy nghĩ. Buổi tập trung của đội tuyển bị chia đôi. Một bên là nhóm cầu thủ Hoàng Anh Gia Lai chiếm đa số, bên còn lại là những cầu thủ tới từ các lò đào tạo khác.
Kỹ năng giao tiếp hạn chế, tâm lý e ngại những yếu tố bên ngoài từng khiến nhóm cầu thủ Hoàng Anh Gia Lai co mình lại thành các nhóm để tự bảo vệ và tìm kiếm cảm giác an toàn. Khoảng cách giữa họ và các đồng đội ở những lò đào tạo khác chỉ được xóa bỏ trong một thời gian dài sát cánh bên nhau.
Nhưng liệu câu chuyện tương tự có lặp lại ở Olympic Việt Nam trong thời gian tới và tuyển Việt Nam trong tương lai? Hồi năm 2013, tất cả những con người ấy là vô danh. Còn bây giờ, họ là thế hệ được kỳ vọng và cũng bị ghen tị nhất bóng đá Việt Nam. Khi đội tuyển tập trung, liệu những người đàn anh có chấp nhận những đàn em nổi tiếng hơn họ, liệu con sóng ngầm có xuất hiện trong lòng đội tuyển.
Và xin được nhắc lại, kỹ năng sống và ứng xử của nhóm cầu thủ Hoàng Anh Gia Lai cần được hoàn thiện.
Nếu tập thể ấy không thể tự thích nghi với những sóng gió ấy, bóng đá Việt Nam sẽ đối diện với nguy cơ mất một thế hệ./.