Thế hệ 8x và 9x là đội ngũ nhân sự trẻ dám "mơ lớn, nghĩ lớn"

Đội ngũ nhân sự Việt Nam thế hệ 8x, 9x được đánh giá là có tinh thần làm việc cao, dám “mơ lớn, nghĩ lớn” và được kỳ vọng sẽ nắm giữ vị trí lãnh đạo tại các doanh nghiệp trong tương lai.
(Ảnh minh họa: Anh Tuấn/TTXVN)

Thế hệ Y (hay Thế hệ Thiên niên kỷ) là khái niệm chỉ những người sinh ra từ khoảng năm 1980 đến 1996. Tại Việt Nam hiện nay, thế hệ này chiếm gần 30% dân số, tương đương khoảng 27 triệu người. Đội ngũ nhân sự trẻ thế hệ 8x, 9x này có tinh thần làm việc cao, dám “nghĩ lớn” và được kỳ vọng sẽ nắm giữ vị trí lãnh đạo tại các công ty và doanh nghiệp trong tương lai.

[Tỷ lệ nhân viên nghỉ việc cao thách thức nhà tuyển dụng ngành bán lẻ]

Đây là một trong những kết quả của khảo sát về tham vọng sự nghiệp và khát vọng khởi nghiệp của thế hệ Y người Việt do Tập đoàn tuyển dụng nhân sự Navigos Group vừa công bố ngày 5/10.

Thế hệ khao khát khởi nghiệp

Độ tuổi từ 31-35 được thế hệ này coi là “độ tuổi vàng” để khởi nghiệp với 53% ý kiến lựa chọn của ứng viên. Có tới 2/3 ứng viên tham gia khảo sát cho biết họ mong muốn khởi nghiệp trong vòng 3 năm tới. Bán lẻ, du lịch-nhà hàng, thương mại điện tử và giáo dục là các lĩnh vực được thế hệ Y chọn để khởi nghiệp với tỷ lệ tương ứng là 31%, 14%, 11% và 10%.

Bà Nguyễn Phương Mai, Giám đốc điều hành của Navigos Search thuộc tập đoàn Navigos Group nhận định đây là tín hiệu tích cực cho thấy thế hệ Y là những người trẻ có tham vọng phát triển sự nghiệp, có tinh thần làm việc cao và có cái nhìn tích cực về triển vọng nghề nghiệp. Không chỉ vậy, họ còn là những người có hoài bão và dám “mơ lớn, nghĩ lớn”.

Khi tìm hiểu về động lực làm việc của thế hệ Y, kết quả khảo sát cho thấy mối liên kết chặt chẽ giữa sự nghiệp và năng lực tài chính. Thế hệ Y người Việt mong muốn trở nên giàu có và thành đạt.

“Yếu tố về tài chính như lương, thưởng là yếu tố hàng đầu khi họ đưa ra quyết định tiếp tục làm ở công ty này hay chuyển sang công ty khác. Thước đo về tài chính cũng được thế hệ này sử dụng để đánh giá mức độ phát triển của bản thân trên con đường sự nghiệp, và là động lực thôi thúc họ dấn thân vào những thử thách,” bà Nguyễn Phương Mai nói.

Theo kết quả khảo sát, 71% ứng viên cho biết việc ngày càng chủ động hơn về tài chính cá nhân là thước đo của sự phát triển về mặt nghề nghiệp. 41% cho biết nếu chuyển sang công ty khác, chế độ lương và phúc lợi tốt hơn là điều họ mong muốn. Bên cạnh đó, đối với những ứng viên có ý định khởi nghiệp, có đến 66% tham gia khảo sát cho biết lý do lớn nhất là họ muốn trở nên thành đạt và giàu có.

Thế hệ 8x, 9x có cái nhìn lạc quan về thay đổi của thị trường lao động. (Ảnh minh họa: PV/Vietnam+)

Ít gắn bó với doanh nghiệp

Thế hệ Y cũng có một cái nhìn đầy lạc quan về những thay đổi của thị trường lao động trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0. Có tới 77% ứng viên cho rằng 4.0 sẽ tạo ra những cơ hội mới để họ phát triển sự nghiệp của mình. 93% ứng viên chia sẻ nếu 4.0 ảnh hưởng đến công việc của họ, họ sẽ tiếp tục học hỏi để thích nghi với những thay đổi mới thay vì lựa chọn chuyển sang công việc khác chỉ chiếm 1%.

[Thị trường lao động sẽ biến đổi thế nào trong thời đại công nghệ 4.0?]

Luôn lạc quan với cơ hội việc làm nên có một thực tế đang diễn ra khá phổ biến tại thị trường lao động Việt Nam, đặc biệt với đội ngũ lao động trẻ là sự gắn bó với doanh nghiệp không cao. Điều này dẫn đến tình trạng ứng viên “nhảy việc” nhiều và nhanh, còn nhà tuyển dụng thì rất khó khăn và tốn kém hơn trong việc tuyển dụng và đào tạo nhân viên mới.

Theo kết quả khảo sát, 69% ứng viên thế hệ Y tham gia khảo sát trả lời rằng họ đang cân nhắc chuyển việc. 70% ứng viên làm việc trung bình từ 4 năm trở xuống tại một công ty. Điều này có thể thấy mức độ gắn bó thấp của thế hệ Y với tổ chức.

Bà Nguyễn Phương Mai cho rằng khi quản lý nhân sự thế hệ Y, các doanh nghiệp hãy luôn lưu ý về cách “giao tiếp”, làm thế nào để nhân viên cảm thấy mình được lắng nghe và thấu hiểu, đồng thời doanh nghiệp cũng đảm bảo rằng nhân viên nắm rõ được doanh nghiệp kỳ vọng những gì ở nhân viên, đồng thời, đừng bao giờ để nhân viên dậm chân tại chỗ.

“Điều này đòi hỏi doanh nghiệp cần lên lộ trình thăng tiến cụ thể cho từng vị trí, đồng thời mở ra cho nhân viên cơ hội học hỏi và trau dồi kỹ năng không ngừng trong công việc hàng ngày của họ. Trên tất cả, khi doanh nghiệp có thái độ đúng đắn trong việc đầu tư đào tạo và phát triển nguồn nhân lực thì chắc chắn doanh nghiệp đó sẽ không sợ bị tụt hậu trên thị trường lao động,” bà Nguyễn Phương Mai nhấn mạnh./.

(Nguồn: Navigos)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục