Thế giới tiến gần tới mục tiêu chấm dứt nghèo đói vào năm 2030

WB khẳng định số người nghèo đã liên tục giảm trong 25 năm qua và thế giới đang tiến gần hơn tới mục tiêu chấm dứt tình trạng nghèo đói vào năm 2030.
Thế giới tiến gần tới mục tiêu chấm dứt nghèo đói vào năm 2030 ảnh 1Người dân nghèo tại ngoại ô Siliguri, Ấn Độ. (Nguồn: AFP/ TTXVN)

Ngày 5/10, Ngân hàng Thế giới (WB) thông báo tình trạng đói nghèo cùng cực trên toàn cầu có khả năng giảm xuống dưới mức 10% trong năm nay.

Ngân hàng Thế giới khẳng định đây là “bằng chứng mới cho thấy số người nghèo liên tục giảm trong 25 năm qua và thế giới đang tiến gần hơn tới mục tiêu chấm dứt tình trạng nghèo đói vào năm 2030”.

Theo cách tính mới là thu nhập dưới 1,90 USD một ngày được liệt vào dạng nghèo đói, WB dự đoán trong năm nay, số người nghèo trên thế giới sẽ giảm từ 902 triệu người, tương đương 12,8 % dân số toàn cầu vào năm 2012 xuống còn 702 triệu người (9,6%) dân số toàn cầu.

Ông Jim Yong Kim, Chủ tịch WB, cho biết: “Dự báo mới về việc số người nghèo sẽ giảm xuống tỷ lệ một con số đang tạo đà mới để chúng ta chú trọng hơn vào những chiến lược quyết liệt nhất nhằm chấm dứt tình trạng nghèo đói cùng cực.”

Chấm dứt nghèo đói là mục tiêu chính trong Chương trình nghị sự Phát triển bền vững năm 2030, được Đại Hội đồng Liên hợp quốc thông qua hôm 25/9 vừa qua. WB lưu ý rằng tình trạng nghèo đói này vẫn chủ yếu tập trung ở khu vực miền Nam sa mạc Sahara của châu Phi và Nam Á.

Trong những thập niên gần đây, ba khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, Nam Á, và Nam sa mạc Sahara tập trung khoảng 95% số người nghèo đói trên toàn cầu, song hiện tại số người nghèo tại đây đã giảm đáng kể.

Ngược lại, ở những quốc gia bị tàn phá bởi xung đột hoặc quá phụ thuộc vào hàng hóa xuất khẩu, nhiều người nghèo đang có xu hướng bị bần cùng hóa.

Trong báo cáo riêng cho từng khu vực cho năm 2015, WB dự đoán số người nghèo tại Đông Á và Thái Bình Dương sẽ giảm xuống còn tương đương 4,1% dân số, giảm so với con số 7,2% của năm 2012; số người nghèo tại Mỹ Latinh và Caribe giảm còn 5,6% so với 6,2% của năm 2012; tại Nam Á giảm còn 13,5% so với 18,8% năm 2012 và tại khu vực Nam sa mạc Sahara giảm xuống còn 35,2% so với 42,6% của năm 2012.

Riêng đối với Trung Đông và Bắc Phi, WB không đưa ra dự đoán do một số quốc gia chủ chốt tại hai khu vực này đang chìm trong xung đột./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục