Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h00 sáng 27/4, thế giới đã ghi nhận 148.468.659 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 3.133.317 ca tử vong. Số bệnh nhân COVID-19 đã phục hồi là 126.111.967 người.
Mỹ hiện là nước có số ca nhiễm và tử vong cao nhất thế giới, lần lượt là 32.872.210 ca nhiễm và 586.589 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ hai với số ca nhiễm với 17.625.735 ca trong đó có 197.880 ca tử vong. Brazil đứng thứ ba ghi nhận 14.370.456 ca mắc và 392.204 ca tử vong.
Xét theo khu vực, châu Âu bị ảnh hưởng nhiều nhất, hiện đã có 43.998.883 ca nhiễm trong khi số ca tử vong đã vượt mốc 1.000.000 ca. Tiếp đến là khu vực Bắc Mỹ với 38.026.511 ca nhiễm và 856.261 ca tử vong.
Sự chênh lệch về số ca mắc giữa Bắc Mỹ và châu Á, khu vực đứng thứ ba, đang dần thu hẹp lại khi châu Á ghi nhận 37.483.942 ca mắc, trong đó số ca tử vong gần chạm mốc 500.000 ca.
Ấn Độ vẫn là điểm nóng của thế giới khi ngày 26/4 đã ghi nhận 354.531 ca mắc mới và 2.806 ca tử vong. Trước tình hình này, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đánh giá tình hình Ấn Độ là "vô cùng thương tâm" và cam kết triển khai thêm nhân viên và hàng tiếp tế cho Ấn Độ.
Theo ông Ghebreyesus, WHO đang làm mọi điều trong khả năng của mình, cung cấp thiết bị y tế quan trọng cũng như hàng tiếp tế, trong đó có hàng nghìn máy tạo oxy, bệnh viện dã chiến di động cũng như vật tư phòng thí nghiệm.
WHO cũng đã cử hơn 2.600 nhân viên từ các chương trình khác tới hỗ trợ quốc gia đông dân thứ hai thế giới này chống đại dịch COVID-19.
[Dịch COVID-19: Ấn Độ phong tỏa bang Karnataka trong 14 ngày]
Cùng ngày, Ấn Độ đã ra lệnh cho các lực lượng vũ trang hỗ trợ giải quyết tình trạng gia tăng số ca mắc COVID-19 mới đang ngập tràn các bệnh viện.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cam kết hỗ trợ khẩn cấp cho Ấn Độ, trong đó có việc chuyển khẩn cấp các vật tư và thiết bị y tế cần thiết để giúp chống dịch.
Cùng ngày, người đứng đầu Quỹ đầu tư trực tiếp Nga Kirill Dmitriev trả lời phỏng vấn của hãng CNN cho biết Ấn Độ sẽ nhận lô vaccine Sputnik V đầu tiên của Nga vào ngày 1/5 tới.
Công ty dược phẩm Nga Pharmasyntez cũng cho hay họ đã sẵn sàng chuyển 1 triệu gói thuốc kháng virus tới Ấn Độ vào cuối tháng 5 nếu được Chính phủ Nga cấp phép. Tương tự, Điện Elysee tuyên bố Pháp sẽ cung cấp cho Ấn Độ "viện trợ y tế thiết yếu" vào cuối tuần tới, bao gồm máy tạo oxy, máy thở và các container đông lạnh.
Liên quan đến các biện pháp phòng dịch, Thứ trưởng Y tế Chile Paula Daza cho biết chính phủ nước này đã quyết định gia hạn việc đóng cửa biên giới đến hết tháng 5 tới như một phần nỗ lực ngăn chặn các biến thể của virus SARS-CoV-2.
Biện pháp này được Chính phủ Chile đưa ra từ đầu tháng 4 sau khi số ca nhiễm mới trong nước tăng vọt với mức cao nhất là hơn 9.000 ca, ghi nhận được vào ngày 5/4.
Thứ trưởng Daza cũng cho biết quốc gia Nam Mỹ này đang lên kế hoạch nới lỏng các biện pháp hạn chế phòng dịch COVID-19 vì trong những ngày gần đây, các trường hợp mắc bệnh duy trì ở mức ổn định và có xu hướng giảm nhẹ.
Tính đến nay, Chile đã ghi nhận hơn 1.175.000 ca mắc COVID-19, trong đó có gần 26.000 ca tử vong./.