Không chỉ làm gia tăng mực nước biển và thay đổi cấu trúc nền nhiệt ở cực Nam, sự tan băng nhanh chóng tại Bắc Cực còn đang làm tan chảy các tầng đất vốn được xem là đã đóng băng vĩnh cửu dưới các công trình nhà ở và đường sá từ Siberia tới Alaska.
Theo một nghiên cứu quốc tế của nhóm 90 các nhà khoa học đến từ nhiều nước trên thế giới, cùng với điều kiện khí hậu ẩm ướt hơn, sự thay đổi nhiệt độ ấm hơn tại khu vực vốn được xem là giá lạnh này đang làm tan chảy một lượng băng lớn quanh Bắc Cực và hiện tượng này có thể gây thiệt hại hàng nghìn tỷ USD cho nền kinh tế thế giới trong thế kỷ này.
Giới khoa học đã kêu gọi các chính phủ có lợi ích ở Bắc Cực cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính do con người gây ra, đặc biệt là sử dụng các loại nguyên liệu hóa thạch.
[Dòng hải lưu đem rác thải đến khiến Bắc Cực ô nhiễm nặng]
Nghiên cứu trên cũng cho biết Bắc Cực đang ấm lên nhanh hơn bất kỳ khu vực nào trên Trái Đất và tốc độ tăng nhiệt đang khiến môi trường trở nên nóng hơn, ẩm ướt hơn và thay đổi nhiều hơn. Nghiên cứu cập nhật số liệu từ năm 2011 cho thấy sự gia tăng các loại khí thải gây hiệu ứng nhà kính do con người gây ra không chỉ là nguyên nhân chính khiến nhiệt độ Bắc Cực tăng, mà còn gây thiệt hại ước tính từ 7 đến 90.000 tỷ USD, thậm chí tổn thất còn cao hơn cả lợi ích vốn có.
Giai đoạn 2011-2015 được coi là thời kỳ ấm nhất tại Bắc Cực kể từ khi số liệu về vấn đề này được ghi lại từ năm 1900. Theo dự báo, diện tích băng ở Bắc Cực đã giảm xuống mức thấp nhất trong năm 2012, có thể biến mất vào mùa Hè của những năm 2030, sớm hơn nhiều so với dự báo trước đây./.