Ngày 26/3, tập đoàn bảo hiểm Swiss Re của Thụy Điển công bố kết quả khảo sát cho thấy các thảm họa do thiên nhiên và con người gây ra khiến thế giới thiệt hại 140 tỷ USD trong năm 2013.
Theo nghiên cứu trên, tổng thiệt hại vì thảm họa trong năm 2013 đã giảm so với 196 tỷ USD trong năm 2012, thời gian bão Sandy tàn phá nước Mỹ.
Các công ty bảo hiểm phải thanh toán 45 tỷ USD trong tổng số 140 tỷ USD thiệt hại vì thảm họa trong năm ngoái.
Thảm họa gây thiệt hại lớn nhất đối với các công ty bảo hiểm là các trận lụt lớn ở Trung và Đông Âu hồi tháng Năm và tháng Sáu năm ngoái, trong đó Đức, Cộng hòa Séc, Hungary và Ba Lan bị tác động mạnh nhất.
Cụ thể, thiệt hại về kinh tế do nạn lụt gây ra lên tới 16,5 tỷ USD, trong đó các công ty bảo hiểm phải thanh toán 4,1 tỷ.
Mưa đá ở Pháp và Đức hồi tháng Bảy năm ngoái gây thiệt hại 4,8 tỷ USD.
Riêng ở Đức, các công ty bảo hiểm phải chi trả 3,8 tỷ USD thiệt hại, mức lớn nhất trong các chi trả thiệt hại vì mưa đá trên toàn thế giới.
Nạn lụt ở Canada hồi tháng Sáu năm ngoái gây thiệt hại 4,7 tỷ USD, bao gồm 1,9 tỷ USD được bảo hiểm.
Thảm họa gây tốn kém tiếp theo đối với khu vực bảo hiểm là đợt bão gây mưa lớn và lốc xoáy ở Mỹ, bao gồm trận lốc xoáy bất thường ở bang Oklahoma khiến các công ty bảo hiểm thiệt hại 1,8 tỷ USD và gây thiệt hại kinh tế nói chung lên đến 3 tỷ USD.
Đứng ở góc độ bảo hiểm, các nước giàu phải chứng kiến những thảm họa gây tốn kém nhất, nhưng chỉ về kinh tế. Trong khi đó, các nước đang phát triển tiếp tục gánh chịu thiệt hại cả về người và của.
Bằng chứng là các nước đang phát triển chiếm phần lớn trong số 26.000 trường hợp thiệt mạng vì thảm họa trong năm ngoái, tăng so với 14.000 trong năm 2012.
Giống như nhiều khu vực nghèo khác trên thế giới, tỷ lệ người dân được bảo hiểm ở châu Á rất thấp nên họ chịu thiệt hại nặng nề nhất.
Chẳng hạn, bão Haiyan ở Philippnes hồi tháng 11 năm ngoái khiến 7.500 người dân nước này thiệt mạng và hơn 4 triệu người mất nhà ở, đồng thời gây thiệt hại kinh tế tới 12,5 tỷ USD.
Thảm họa lớn thứ hai do con người gây ra là trận lụt hồi tháng Sáu ở Ấn Độ khiến 6.000 thiệt mạng. Thế nhưng, Ấn Độ đã không nằm trong danh sách 10 quốc gia bị thiệt hại về kinh tế và thiệt hại về bảo hiểm hàng đầu của Swiss Re.
Trận lở đất vì lốc xoáy Phailin hồi tháng 10 năm ngoái ở Ấn Độ phá hủy 100.000 ngôi nhà và hơn 1,3 triệu hécta đất trồng trọt, đồng thời gây thiệt hại 4,5 tỷ USD.
Chính phủ Ấn Độ đã nỗ lực sơ tán dân sớm giúp cứu sống hàng nghìn sinh mạng, song chỉ một phần rất nhỏ trong số thiệt hại này được bảo hiểm.
Trong bối cảnh sự khác biệt về bảo hiểm và sự khác biệt giữa tổng thiệt hại với thiệt hại được bảo hiểm đang ngày càng "phình to," Swiss Re cho rằng ngành bảo hiểm cần xem xét lại cách thức giúp những nước không phát triển đối phó với ảnh hưởng từ thảm họa.
Tập đoàn này cũng bày tỏ lo ngại rằng tình trạng biến đổi khí hậu vì khí thải gây hiệu ứng nhà kính có thể làm cho thời tiết trên Trái Đất ngày càng xấu đi./.